''Xin thôi chức'' và bản lĩnh làm cán bộ
Tin tức - Ngày đăng : 08:33, 29/06/2020
Nhưng hai trường hợp này lại giống nhiều trường hợp cán bộ cao cấp khác trong gần 4 năm qua, chỉ “xin thôi chức” sau khi bị kỷ luật.
Ngày 4-6-2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đồng chí Trần Ngọc Căng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi. Đồng thời, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và căn cứ những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác của cá nhân, ngày 16-6-2020, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Lê Viết Chữ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi bằng hình thức cảnh cáo.
Trước đây, vào tháng 7-2017, đồng chí Võ Kim Cự (khi ấy là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng xin thôi làm đại biểu Quốc hội khóa XIV vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, trước khi lá đơn trình bày nguyện vọng cá nhân này được viết ra, đồng chí Võ Kim Cự đã bị Ban Bí thư cách hết các chức vụ khi đảm nhận vai trò đứng đầu UBND và Tỉnh ủy Hà Tĩnh trong giai đoạn trước đó do liên quan đến sự cố môi trường Formosa.
Tháng 5-2018, đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh khi đang làm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vì sức khỏe không ổn định và đang bị kỷ luật về mặt Đảng (trước đó, đồng chí Thanh đã bị Ban Bí thư kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng).
Tháng 8-2019, đồng chí Hồ Văn Năm, khi đó là Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai (thay đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh), cũng gửi đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vì lý do sức khỏe không ổn định. Điều đáng lưu ý là thời điểm lá đơn này được gửi đi chỉ ít ngày sau khi đồng chí Năm bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật vì đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Có thể nói, việc “xin thôi chức” sau khi bị kỷ luật đang tạo ra những câu hỏi về mục đích và về cả trách nhiệm đảng viên.
Nhìn rộng hơn ở các cơ sở, địa phương - lý do xin thôi đảm nhận nhiệm vụ “vì hoàn cảnh gia đình”, “vì sức khỏe cá nhân”… càng không hiếm gặp và càng đáng để suy nghĩ.
Có cán bộ, khi được bổ nhiệm chức trách cao hơn thì hào hứng, cam kết, hứa hẹn. Đến khi nhận nhiệm vụ một thời gian, thấy khó khăn, lại gặp cấp trên “cho em xin thôi nhiệm vụ” vì lý do năng lực quản lý hạn chế (!?).
Có cán bộ, trước kỳ bầu cử cấp ủy thì hăng hái phấn đấu, thể hiện bản thân trước tập thể. Nhưng sau khi trúng cử, tiếp tục được cấp có thẩm quyền giao thêm nhiệm vụ lãnh đạo khác, thì lại đưa ra lý do “bản thân có bệnh phải chữa” để từ chối.
Có đảng viên, lúc đương chức thì nói và làm gìn giữ đúng quy định, nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhưng khi cầm quyết định nghỉ hưu thì cũng cho mình trở thành quần chúng, tìm mọi lý do để né tránh nhiệm vụ đảng viên nơi sinh sống. Cá biệt có trường hợp còn nói và làm trái với các quy định của Đảng.
Nói khái quát, hành động “xin thôi chức” và “sau khi hết chức” nêu trên đã phần nào chứa đựng dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã phân tích: “Sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm…”. Và: “nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”.
Theo Điều lệ Đảng, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam “là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân”. Tuy không quy định cụ thể về ranh giới chung - riêng, về yêu cầu sức khỏe với nhiệm vụ…, song những yêu cầu về vai trò tiền phong, gương mẫu “suốt đời phấn đấu…” cũng đủ để mỗi đảng viên tự hiểu mình cần và nên làm gì để giữ gìn tư cách, danh dự người đảng viên.
Làm cán bộ có lúc thành công, có khi thất bại. Có khi được hiểu đúng, có lúc bị hiểu nhầm. Có việc được công nhận, có việc nhường công lao cho đồng chí, đồng đội, cho tập thể… Tất cả đều là sự bình thường, bởi có thế mới là cuộc sống. Nhưng bản lĩnh của người đảng viên, nhất là người làm cán bộ thì bất luận thế nào vẫn phải vững niềm tin vào tổ chức, vào tương lai sự nghiệp phát triển; không ngã lòng trước khó khăn. Quyền lực của Đảng là quyền lực tập thể, không riêng cá nhân nào. Bởi thế, chỉ có thể có bản lĩnh lãnh đạo nếu người cán bộ trung thực, trung thành với Đảng; tuân thủ nghiêm các quy định, kỷ cương tổ chức trong đại diện cho Đảng thực thi quyền lực theo nhiệm vụ, chức trách được giao.
Tổ chức Đảng, các cơ quan quản lý nhà nước đã, đang và luôn tôn trọng nguyện vọng cá nhân. Tuy nhiên, việc đề xuất nguyện vọng cá nhân thế nào với tổ chức để thể hiện bản lĩnh của người đảng viên khi làm cán bộ - là điều mỗi đảng viên cần phải cân nhắc kỹ, bởi đây là việc làm ảnh hưởng tới danh dự cá nhân và uy tín của tổ chức Đảng.
Chỉ thị 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị (ngày 30-5-2019) về đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút…, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…; kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao”. Chỉ thị cũng nêu rõ, phải đặc biệt coi trọng phẩm chất, uy tín, kết quả cụ thể khi xem xét, đánh giá cán bộ.
Thực hiện tốt việc đánh giá cán bộ theo tinh thần chỉ thị này, cũng chính là góp phần ngăn chặn để lọt vào cấp ủy những cán bộ “vừa nhậm chức đã xin thôi” hoặc “vội xin thôi sau khi bị kỷ luật”.