XÍCH LÔ những vòng xe kể chuyện...

Nguyễn Cao Hải Danh| 19/09/2017 09:56

Chúng tôi đã có dịp được “mục sở thị” khu vực phố cổ Hà Nội sầm uất và cổ kính trên những chiếc xích lô trong vai du khách từ xa đến. Cảm nhận về một Thủ đô hiện đại, giữa dòng người hối hả, những chiếc xích lô thong dong chở khách du lịch tham quan những con phố nhỏ thật thi vị. Rõ ràng, du lịch Hà Nội với món “đặc sản” duyên dáng này đã níu chân du khách bởi sự gần gũi và thân thương. Nhưng nét đẹp ấy đã có lúc bị đứng trước lựa chọn của sự xóa bỏ hay tồn tại bởi mệnh lệnh hành chính? Nhưng qua thời gian,

Xích lô – “đặc sản” du lịch phố cổ  

Phố cổ - Hà Nội, từ lâu đã trở thành điểm du lịch độc đáo, đặc sắc riêng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nếu lang thang trong khu vực phố cổ sẽ có rất nhiều những cảm xúc đan xen. Một chút của những ưu tư trầm mặc bên những căn nhà cổ, sự chậm rãi, bình thản của cuộc sống sinh hoạt nơi đây. Thêm vào đó là sự sôi động của nhịp sống kinh doanh thường nhật trên con đường nhỏ hẹp, những căn nhà rêu phong chất đầy hàng hóa. Xen lẫn giữa dòng xe điện hiện đại, đoàn xe xích lô nối đuôi nhau vẫn từ tốn đưa đón khách dạo quanh phố cổ. Điều đầu tiên khách du lịch thập phương làm khi đặt chân tới phố cổ, Hồ Gươm là đặt cho mình một chuyến xích lô, thử cái cảm giác chênh vênh đến thú vị, dạo quanh phố cổ, ngắm nhìn Hồ Gươm và cuộc sống hối hả của người dân. 

XÍCH LÔ những vòng xe kể chuyện...

Có thể quan sát thấy, những người ngồi trên xích lô phần lớn là du khách nước ngoài tóc vàng, mắt xanh với nụ cười vui vẻ và sự thảnh thơi cần thiết cho một chuyến du lịch Việt Nam thú vị. Thỉnh thoảng thấy họ trò chuyện và hỏi han những người lái xích lô rồi phá lên cười như thể vừa được giải đáp một vài thắc mắc nào đó về nơi họ đến. Nhìn những người lái xích lô mồ hôi ròng ròng nhưng vẫn hào hứng kể cho khách nghe một vài điều gì đó bằng mấy câu tiếng anh cơ bản, xã giao... mới thấy, du lịch bằng xích lô đã có sự hòa nhập không nhỏ với cuộc sống hiện đại hôm nay chứ không lạc hậu như chúng tôi vẫn nghĩ. Có lẽ, cuộc sống mưu sinh buộc mỗi người phải thích ứng để phù hợp, để rồi những bác xích lô tuổi như cha chú của chúng tôi vẫn có thể giao tiếp với người nước ngoài những câu chuyện đời thường đơn giản, không thua kém gì các cô cậu sinh viên đang miệt mài học tiếng anh trong nhà trường. Chị Danielle Peix, quốc tịch Pháp chia sẻ với chúng tôi: Đây là lần thứ ba tôi đến Hà Nội và lần nào tôi cũng đi dạo phố cổ bằng xe xích lô. Bởi đối với tôi, nhìn thấy xích lô là thấy một Việt Nam của hòa bình, bình yên. Cảm giác khi du lịch trên xích lô vừa rất thảnh thơi, an toàn lại được ngắm cảnh Hồ Gươm và phố cổ của Hà Nội thoải mái hơn.

Không chỉ đối với khách ngoại quốc, bản thân người Hà Nội thi thoảng cũng tạm gác lại lo toan bộn bề của cuộc sống để được một lần trải nghiệm cảm giác của sự an yên trên những chiếc xích lô quanh Hồ Hoàn Kiếm. Có lẽ với những gì mà xích lô đem đến, đã giúp cho loại phương tiện này trở thành nét đặc trưng của du lịch phố cổ nói riêng và du lịch Thủ đô nói chung. Và hẳn nhiên, đó là một phần không thể thiếu của văn hóa Hà Nội trong con mắt du khách nước ngoài cũng như của biết bao thế hệ người dân nơi đây.  

Nỗi niềm sau những vòng xe... 

Đi vòng quanh Hồ Gươm với mong muốn tìm hiểu được một chút thông tin, nhưng không ngờ điều này lại khó khăn đến vậy. Tài xế từ già cho tới trẻ, họ đều từ chối, chỉ để lại câu nói “Lên báo, lên truyền hình người ta biết phạt chết”, “Chạy thì chạy chứ chú không có biết gì đâu mà nói” hoặc những câu nói đại loại như vậy. Tới đoạn Nhà hát Đương đại Việt Nam số 16 Lê Thái Tổ, chúng tôi bắt gặp một bác tài ngồi thong thả trên chiếc xích lô chờ khách. Mon men hỏi han về công việc, đầu tiên bác cũng dè chừng, sau rồi như bắt được mạch cảm xúc bác trò chuyện nhiều hơn như trút được bầu tâm sự. Bác Nguyễn Xuân Tiến quê ở Thái Bình, năm nay đã 54 tuổi, làm nghề lái xích lô phố cổ gần 8 năm nay, ngày nào cũng quanh quẩn khu vực này chở khách. Nghe bác kể mới thấy nghề lái xích lô là nghề có thu nhập không tồi mà không quá vất vả như làm nông nghiệp, lại là công việc làm thêm hiệu quả đối với những người ngoại tỉnh như bác. Theo bác Tiến những người lái xích lô mạn Hồ Gươm ai cũng có thâm niên gắn bó với phương tiện này phải đến cả chục năm. Phần lớn những tài xế xích lô đều là những người ngoại tỉnh, ngoài mùa vụ lên đây để kiếm thêm thu nhập. Bác Tiến cũng tâm sự, nghề xích lô phố cổ quả thực cũng cho thu nhập khá chứ không quá nhọc nhằn như những công việc khác. Thậm chí, những khoản “lộc” từ khách cũng có sức hút không nhỏ. Đặc biệt với khách tới từ châu Âu là những người ưa chuộng xích lô nhất. Khách châu Âu luôn chọn cho mình tour du lịch có dịch vụ xích lô, mỗi lần như vậy các bác tài được hưởng 50%, 50% trả cho bên lữ hành. Vậy nên họ kiếm được khoảng 100 nghìn đồng từ khách tour và 200 từ khách lẻ trên 1 tiếng đạp xe. Thế nhưng, thời gian gần đây, thu nhập của các bác tài xích lô có phần đi xuống bởi câu chuyện bị cấm lưu hành, giảm nhu cầu thuê xích lô và đặc biệt là việc xe điện là phương tiện đang thịnh hành đối với du lịch Hà Nội.

XÍCH LÔ những vòng xe kể chuyện...

Câu chuyện của chúng tôi có phần trầm hơn khi nhắc về xe điện và chuyện cấm xích lô đang rộ lên gần đây. Bác Tiến chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng việc bỏ xích lô du lịch thì nên cân nhắc. Không chỉ bởi nó ảnh hưởng đến cuộc sống của những người lao động như chúng tôi mà quan trọng là ảnh hưởng đến du lịch Hà Nội. Các bạn cứ nhìn thì thấy, du khách nước ngoài đến phố cổ lựa chọn du lịch bằng xích lô rất nhiều, chúng tôi làm không hết việc ấy chứ. Và quan trọng là nếu bỏ xích lô, liệu Hà Nội mình có còn hấp dẫn khách du lịch không, vì nó là nét truyền thống mà”. 

Câu chuyện “liệu có nên cấm hay bỏ xích lô du lịch? là sự trăn trở không chỉ của riêng những người lái xe, của người làm du lịch mà của cả du khách. Nhiều người than thở rằng, đến phố cổ mà không được ngồi xích lô cứ thấy thiếu thiếu, nó không còn cảm giác được đi du lịch nữa mà chỉ là một chuyến đi chơi bình thường mà ở đâu cũng có được. Chị Trần Thị Lan ở Sài Gòn ra Hà Nội du lịch, vừa đặt chân đến phố cổ đã thuê ngay cho mình một chiếc xích lô để đi dạo quanh Hồ Gươm. Chị cho biết, đây là lần đầu tiên chị du lịch Hà Nội và đã được biết về xích lô nhiều năm nên rất háo hức một lần được trải nghiệm. Chị tỏ ra rất tiếc nuối nếu phố cổ bỏ đi phương tiện này vì như vậy du lịch Hà Nội cũng sẽ giống bất cứ nơi nào trên đất nước, sẽ thiếu đi một “đặc sản” mang tính vùng miền. 

Đừng vì không quản được mà xóa bỏ

Đã có giai đoạn dư luận sục sôi về chuyện “cấm”, thậm chí xóa bỏ loại hình này bởi những hạn chế của nó trong vấn đề trật tự an toàn giao thông, cảnh quan và văn hóa. Nhiều ý kiến cho hay, xích lô cứ nối nhau từng hàng dài đón trả khách, gây mất trật tự và cản trở việc đi lại của các phương tiện khác. Nhiều tài xế dù nhận được lời từ chối nhưng vẫn cố ý chèo kéo khách, gây ra sự khó chịu cũng như làm xấu hình ảnh Thủ đô. Nhiều tài xế còn cố ý chở quá số người quy định, thiếu an toàn. Về phía chính quyền thì việc cấm lưu hành xích lô là có nguyên do, bắt nguồn từ việc nhiều tài xế không chấp hành những quy định đã đặt ra. Theo đó, xích lô chỉ được đi thành đoàn 5 chiếc, mỗi đoàn cách nhau 200m và phải có bãi đỗ, nhưng điều này lại không được các tài xế chấp hành nghiêm chỉnh. Thậm chí, các tài xế xích lô phải được tập huấn và cấp chứng chỉ lưu hành, tuy nhiên khi kiểm tra rà soát thì hầu hết những người được cấp chứng chỉ lại không trực tiếp điều khiển phương tiện này mà lại cho người khác thuê. Một thực tế khác cho thấy, trên địa bàn Hà Nội chỉ cho phép 4 doanh nghiệp được phép kinh doanh xích lô, với gần 260 chiếc được cho phép chở khách, tuy nhiên hiện nay ngày càng xuất hiện nhiều xích lô dù, không có chứng chỉ chạy trên đường phố Thủ đô, ước chừng lên tới hơn nghìn chiếc. 

Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc ách tắc giao thông không hẳn bắt nguồn từ xích lô mà nó còn tới từ xe bus, các xe du lịch cỡ lớn, thậm chí cả xe điện du lịch chạy trong thành phố. Do vậy việc xóa sổ xích lô là điều không cần thiết. Và không thể phủ nhận rằng, sự tồn tại của xích lô vẫn có một chỗ đứng quan trọng trong phát triển du lịch nơi đây.

Có thể nói, sự phát triển của các phương tiện khác, và nhất là môi trường đô thị hiện đại, đang đặt ra yêu cầu phải có giải pháp quản lý hữu hiệu đối với xích lô du lịch nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm bớt tác động xấu tới xã hội... Để giải quyết hài hòa một hoạt động vận chuyển khách phục vụ du lịch với bài toán lớn hơn là bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đô thị, trật tự đô thị, quản lý hoạt động của xích lô du lịch trong nội đô là vấn đề đang được thành phố quan tâm chỉ đạo. Trong câu chuyện này, nút thắt vẫn là vấn đề quản lý, việc siết chặt các tiêu chuẩn, việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động cũng như có quy hoạch một cách khoa học loại phương tiện này là cần thiết chứ không phải cứ không quản được là cấm. Đặc biệt, bên cạnh đó, là sự kết nối chặt chẽ hơn thế mạnh của xích lô du lịch với các loại hình khác như tour xe điện, tour đi bộ để tạo nên những trải nghiệm khác biệt cho du khách. Thành phố còn cần tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng để xe điện du lịch và xích lô song hành phát triển... Còn về phía những người tài xế, đã đến lúc phải đặt ra những quy tắc nghiêm ngặt hơn, thậm chí phạt thật nặng với những lỗi vi phạm, cải tạo lại xích lô sao cho an toàn, thẩm mỹ hơn, phù hợp hơn với hình ảnh du lịch của Thành phố.  

Có nhiều thứ đổi thay, kèm theo đó là biết bao nỗi niềm của người trong cuộc. Với xích lô du lịch cũng là những câu chuyện không dễ gì bày tỏ bởi lẽ ranh giới của đúng sai, của tồn tại hay xóa bỏ một nét đẹp văn hóa truyền thống nhiều năm nay là rất mong manh. Hy vọng rằng, với giải pháp phù hợp, hoạt động của xích lô du lịch sẽ được phát huy tốt hơn với tinh thần lưu giữ nét văn hóa mà không phá vỡ nét văn minh đô thị. Câu chuyện xích lô sẽ đi về đâu không còn là chuyện “nói rồi, khổ lắm, nói mãi” nữa. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
XÍCH LÔ những vòng xe kể chuyện...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO