Xây dựng hình tượng Bác Hồ trên sân khấu: Cảm hứng và thách thức

Hanoinmoi| 24/04/2022 15:07

Thời gian gần đây, tiếp tục có thêm nhiều tác phẩm, dự án sân khấu thể hiện hình tượng Bác Hồ được dàn dựng và công diễn.

Với các nghệ sĩ sân khấu, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng bất tận, nhưng cũng đầy thách thức để xây dựng thành công. Song, họ vẫn mạnh dạn dấn thân, nhằm đem đến cách thức tiếp cận hấp dẫn với khán giả hôm nay, để mỗi người thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, từ đó học và làm theo Bác.
Xây dựng hình tượng Bác Hồ trên sân khấu: Cảm hứng và thách thức
Các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên luôn nỗ lực thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu một cách sống động và gần gũi hơn. Trong ảnh: Một cảnh trong chương trình nghệ thuật “Tên Người sáng mãi” của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Khai thác hình thức, khía cạnh mới

Tối 24-4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tác phẩm “Người cầm lái” - vở nhạc kịch đầu tiên về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mắt khán giả. Tác phẩm do Nhà hát Công an nhân dân thực hiện; biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh viết kịch bản và tổng đạo diễn. Với 3 hồi: “Quê hương”, “Tiếng vọng non sông”, “Chuyến tàu định mệnh”, vở nhạc kịch kể về cuộc đời của Bác, từ khi còn nhỏ ở cùng cha mẹ, trải qua mất mát khi mẹ qua đời, những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, rồi trở về chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam.

Tác phẩm được dàn dựng với hình thức giao hưởng - đại hợp xướng, kết hợp sáng tạo những tinh hoa của sân khấu kịch hát dân tộc cùng ngôn ngữ múa dân gian đương đại đặc sắc. Đặc biệt, sân khấu được thiết kế nổi hình bản đồ Việt Nam kết hợp với hiệu ứng công nghệ, đem đến trải nghiệm nghệ thuật hấp dẫn cho khán giả. “Người cầm lái” tiếp tục phục vụ khán giả vào tối 17-5, nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh nhật Bác (19/5/1890 - 19/5/2022).

Trước đó, đầu tháng 4, Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn chương trình nghệ thuật “Tên Người sáng mãi” tạo được ấn tượng sâu đậm với khán giả. Chương trình gồm 3 vở kịch ngắn: “Đoàn kết là sức mạnh” (tác giả Lê Trinh, đạo diễn Nghệ sĩ ưu tú Lâm Tùng), “Đôi mắt sáng” (tác giả Thiên Ân, đạo diễn Nghệ sĩ ưu tú Tạ Tuấn Minh), “Bác Hồ và mùa xuân năm ấy” (tác giả Lê Trinh, đạo diễn Nghệ sĩ ưu tú Bùi Phương Nga) kể những câu chuyện giản dị, nhưng đầy ý nghĩa về Bác, nhắc nhở mỗi người về những bài học mà Bác để lại. 

Sân khấu Lệ Ngọc cũng đang dốc sức sáng tạo vở kịch nói “Lá đơn thứ 72” (kịch bản Hoàng Thanh Du, Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ đạo diễn). Vở kịch khai thác hình tượng Bác Hồ ở góc độ Bác với người lao động, người yếu thế. Một cán bộ, đảng viên ở cơ sở bị xử oan sai đã liên tục viết đơn kêu oan, nhưng đến lá đơn thứ 72, Bác mới nhận được và yêu cầu các cấp giải quyết… Tác phẩm dự kiến ra mắt vào dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Bác.

Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng đang hoàn thiện vở diễn “Nước non vạn dặm” do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản, Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên đạo diễn để ra mắt vào dịp sinh nhật Bác sắp tới. Vở diễn cũng khai thác hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Người với những lát cắt về tuổi thơ được ảnh hưởng từ cha mẹ. Theo đạo diễn Triệu Trung Kiên, “Nước non vạn dặm” có sự kết hợp giữa nghệ thuật cải lương với những yếu tố âm nhạc, biểu diễn hình thể, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại để hướng tới đối tượng trẻ…

Xây dựng hình tượng Bác Hồ trên sân khấu: Cảm hứng và thách thức
Một cảnh trong vở nhạc kịch “Người cầm lái” do Nhà hát Công an nhân dân thực hiện.

Sáng tạo để học tập Người

Chủ tịch Hồ Chí Minh là Danh nhân văn hóa kiệt xuất, Anh hùng giải phóng dân tộc, Lãnh tụ vĩ đại của Đảng và nhân dân ta, nhưng Người vô cùng giản dị, gần gũi, quan tâm đến tất thảy mọi người. Có rất nhiều câu chuyện, khía cạnh về Bác để các nghệ sĩ khai thác, sáng tạo trên sân khấu, song để thể hiện thành công lại không hề đơn giản.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương, tác giả kịch bản “Nước non vạn dặm” chia sẻ, Bác Hồ đã ở trong trái tim nhiều thế hệ. Đã có hàng chục tác phẩm sân khấu với những loại hình khác nhau thể hiện hình tượng Người. Vì vậy, tác phẩm mới phải khai thác ở những khía cạnh, những câu chuyện bình dị thật hấp dẫn, để từ đó toát lên sự vĩ đại của Người.

Đã từng hóa thân vào hình tượng Bác, nhưng Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ vẫn thấy áp lực khi đạo diễn vở “Lá đơn thứ 72”. Ông bày tỏ: “Tôi phải vận dụng kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề để dàn dựng vở diễn sao cho vẫn giữ được hình ảnh chân thật, thân thuộc về Bác, nhưng có nét mới trong ngôn ngữ thể hiện, nhằm thu hút khán giả, từ đó thôi thúc họ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người”.

Với tổng đạo diễn trẻ như biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh, khi nung nấu xây dựng tác phẩm nhạc kịch “Người cầm lái”, chị đã dành 4 năm theo học chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh để thấm sâu tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Chị chọn thể hiện hình tượng Bác bằng hình thức nhạc kịch đang là xu hướng của sân khấu thế giới và Việt Nam, nhằm thu hút khán giả, nhất là người trẻ.

Vốn là ca sĩ, lần đầu tiên thể hiện hình tượng Bác, cũng là lần đầu biểu diễn nhạc kịch, thách thức nhân lên đối với Đại úy Lê Hồng Tuân (Nhà hát Công an nhân dân). “Tôi đã tìm đọc nhiều cuốn sách của Bác và sách viết về Bác, học hỏi cách hóa thân của những diễn viên đi trước và dành nhiều tháng để trau dồi nghệ thuật diễn xuất. Càng đọc, càng diễn, tôi càng hiểu sâu sắc về sự giản dị mà vĩ đại của Bác và thấy mình cần hoàn thiện hơn nữa để góp phần truyền tải tác phẩm về Bác cho thế hệ hôm nay”, Đại úy Lê Hồng Tuân chia sẻ.

Càng nhiều tác phẩm sân khấu mới về hình tượng Bác được xây dựng hấp dẫn, thế hệ hôm nay càng có thêm nhiều bài học quý giá để học và làm theo Người.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng hình tượng Bác Hồ trên sân khấu: Cảm hứng và thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO