Tới dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Thành tựu nổi bật trong năm 2022
Tại báo cáo kết quả công tác văn hóa và thể thao năm 2022 của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Năm 2022 là năm thay đổi mạnh mẽ của ngành Văn hóa - Thể thao Thủ đô sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Rất nhiều công tác chuyên ngành, phong trào thi đua, sự kiện văn hóa, thể thao quy mô… được triển khai, thực hiện, góp phần quan trọng vào kết quả một năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng như triển khai hiệu quả các chương trình hành động, nghị quyết của Thành ủy Hà Nội về xây dựng văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn.
Bám sát chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, nhiệm vụ phát triển ngành theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phát huy hiệu quả vai trò tham mưu, lãnh đạo, điều hành toàn ngành đổi mới phương thức quản lý, chủ động sáng tạo, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thuộc lĩnh vực phụ trách theo thẩm quyền, đạt nhiều kết quả nổi bật.
Báo cáo nêu rõ, trong năm 2022, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã thực hiện tốt vai trò của cơ quan thường trực thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”; phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các sáng kiến khi Hà Nội tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), thể hiện ở những kết quả nổi bật, như: Hoàn thành 18/18 chỉ tiêu đặt ra tại Chương trình số 06-NQ/TU; 6/6 cam kết của thành phố với UNESCO đã và đang từng bước được triển khai…; tổ chức hội thảo, tọa đàm, sự kiện văn hóa… thúc đẩy sáng kiến phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn.
Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục mang về nhiều kết quả nổi bật, với 33 di tích được đề nghị các cấp xem xét, xếp hạng; 579 di tích xuống cấp được đưa vào chương trình đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, với tổng kinh phí là 14 nghìn tỷ đồng; 6 di sản văn hóa phi vật thể được thu thập, tổng hợp thông tin; hàng trăm sự kiện, hoạt động quảng bá di sản được tổ chức, góp phần thu hút trên 600 nghìn lượt khách tham quan, giúp doanh thu tại các điểm đến di sản vượt 94% kế hoạch được giao.
Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ghi dấu với hàng chục hội thi, hội diễn, tọa đàm, cuộc vận động sáng tác… gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và hai quy tắc ứng xử được triển khai từ thành phố tới cơ sở, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia. Trong năm 2022, toàn thành phố có 88% gia đình, 63% thôn và 72% tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa.
Công tác phát triển sự nghiệp thể dục thể thao trên địa bàn Hà Nội tiếp tục được chú trọng, gặt hái nhiều kết quả, nổi bật là tham mưu tổ chức và thi đấu thành công Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31). Cũng trong năm qua, thể thao Hà Nội đã giành 2.547 huy chương tại các kỳ thi đấu trong nước và quốc tế, vượt chi tiêu được giao là 117 huy chương. Công tác thể thao quần chúng ghi dấu với việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng với nhiều hình thức, cách thức tổ chức hoạt động đa dạng và phong phú.
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2023:
Từ những kết quả đạt được, ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, gồm: Xây dựng văn hóa trên cơ sở phát huy, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước, phồn vinh hạnh phúc; Phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
- Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia, dân tộc; yêu nước, đoàn kết, tự cường, trách nhiệm kỷ cương sáng tạo.
- Xây dựng phát triển toàn diện và đồng bộ trên các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng hiệu quả sáng tạo, các giá trị văn hóa mới. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
- Nâng cao thể lực, tầm vóc của các tầng lớp nhân dân trong tổ chức các phong trào rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại; tập trung phát triển các môn thể thao thành tích cao trọng tâm, thế mạnh của Thủ đô; huy động tối đa mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh của toàn ngành để xây dựng sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố, các chương trình, nghị quyết, đề án, kế hoạch của Thành phố, Bộ VHTT&DL trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và gia đình.
Ghi nhận những thành quả mà ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội đạt được trong năm 2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, dù còn nhiều khó khăn, Thủ đô Hà Nội vẫn nỗ lực vượt bậc để hoàn thành tốt nhiệm vụ, thể hiện ở 5 điểm nổi bật. Đó là dấu ấn sâu đậm từ việc thay đổi tư duy và cách tiếp cận trong công tác quản lý Nhà nước về văn hóa; kết quả từ triển khai công nghiệp văn hóa trên địa bàn; bước tiến của thể thao thành tích cao cùng sức lan tỏa của thể thao quần chúng; kết quả trong đầu tư nâng cấp thiết chế văn hóa, tu bổ di tích…
Với kết quả nêu trên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề nghị, trong thời gian tới, ngành Văn hóa Thủ đô với tiền đề là Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” vừa được tổ chức, khẩn trương phối hợp, nghiên cứu, làm rõ hơn những vấn đề về nội hàm, đặc trưng văn hóa, con người của Thủ đô, từ đó xây dựng những quy tắc, quy chế phù hợp, có định hướng để tuyên truyền, vận động lan tỏa trong xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ghi nhận ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội năm qua đã chủ động tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND thành phố ban hành nhiều chương trình, nghị quyết quan trọng về văn hóa, trong đó nhiều chính sách bao hàm, đi sâu vào mọi mảng việc của lĩnh vực, như: Công nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tu bổ di tích, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao thành tích cao…, góp phần mang lại nhiều kết quả quan trọng trong thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch cũng như tiếp tục phát huy, nhân rộng các giá trị văn hóa, truyền thống gia đình tốt đẹp trên địa bàn thành phố. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kỳ vọng trong năm 2023, ngành Văn hóa Thủ đô tiếp tục phát huy thành quả trong năm 2022, nỗ lực, quyết tâm vượt qua những khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, góp phần quan trọng vào việc phát triển bền vững Thủ đô.
Tại hội nghị, 4 tập thể đã được nhận cờ thi đua của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 8 tập thể, 4 cá nhân có thành tích cao trong công tác văn hóa, thể thao và gia đình được nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.