Vĩnh biệt Giáo sư Hoàng Tụy - Nhà Toán học tiêu biểu của Việt Nam

Tin tức| 19/07/2019 17:17

Lúc 7h30 sáng 19-7, Lễ tang Giáo sư Hoàng Tụy - nhà toán học tiêu biểu, người thầy, người anh của nhiều thế hệ nhà khoa học Việt Nam đã được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.

Lễ hỏa táng diễn ra cùng ngày tại Nghĩa trang công viên Thiên Đức, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Vĩnh biệt Giáo sư Hoàng Tụy - Nhà Toán học tiêu biểu của Việt Nam
Gia đình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và gia đình Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam viếng Giáo sư Hoàng Tụy. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Giáo sư Châu Văn Minh, cùng đông đảo đại diện các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và một số tổ chức quốc tế, các thế hệ học trò đã đến viếng, tiễn biệt Giáo sư Hoàng Tụy.

Vĩnh biệt Giáo sư Hoàng Tụy - Nhà Toán học tiêu biểu của Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi sổ tang. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trong Sổ tang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc viết: “Thương tiếc Giáo sư Hoàng Tụy, nhà toán học nổi tiếng của đất nước, người con của quê hương Quảng Nam không còn nữa! Cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Hoàng Tụy đã để lại nhiều tác phẩm toán học nổi tiếng được thế giới công nhận, ở đời sống thường Giáo sư là người tận tụy với quê hương, với anh em, bạn bè và đồng chí. Giáo sư mất đi để lại nỗi thương tiếc của giới khoa học, Đảng và Nhà nước mất đi một người tài năng của đất nước. Mong ở dưới suối vàng, Giáo sư Hoàng Tụy yên giấc ngàn thu. Xin chia sẻ nỗi đau mất mát lớn lao này đến gia đình Giáo sư Hoàng Tụy”.

Vĩnh biệt Giáo sư Hoàng Tụy - Nhà Toán học tiêu biểu của Việt Nam
Đoàn đại biểu Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dẫn đầu vào viếng Giáo sư Hoàng Tụy. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương viết: "Vô cùng thương tiếc Giáo sư Hoàng Tụy, nhà toán học, nhà giáo dục học tiêu biểu của Việt Nam, người thầy, người anh của nhiều thế hệ các nhà khoa học Việt Nam. Sự ra đi của Giáo sư là một mất mát lớn của gia đình, người thân và ngành toán học Việt Nam, Giáo sư là tấm gương sáng về nghị lực, tinh thần phấn đấu học tập không ngừng cho thế hệ trẻ noi theo...”.

Vĩnh biệt Giáo sư Hoàng Tụy - Nhà Toán học tiêu biểu của Việt Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi sổ tang. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chia sẻ về sự ra đi của Giáo sư, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam viết: “Giáo sư ra đi nhưng những cống hiến của Giáo sư đối với sự nghiệp khoa giáo hưng quốc mãi ghi. Tấm gương trí tuệ, khí chất mãi sáng!”.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ viết: “Vô cùng thương tiếc Giáo sư Hoàng Tụy. Nhà giáo uy tín lớn, lão thành, có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền giáo dục đất nước”.

Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Đình Công, Phó Viện trưởng Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết: "Giáo sư Hoàng Tụy là chuyên gia hàng đầu về toán học ở Việt Nam, một tài năng, nhân cách lớn. Trong nhiều năm qua kể từ khi bắt đầu là một giảng viên đại học cho đến lúc đi xa, ông không ngừng học tập và làm việc, nghiên cứu ứng dụng đóng góp và cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển toán học nước nhà. Cả cuộc đời ông là tấm gương sáng về tinh thần tự học, về đức tính kiên định, sẵn sàng xả thân vì khoa học, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc và nhân dân".

Vĩnh biệt Giáo sư Hoàng Tụy - Nhà Toán học tiêu biểu của Việt Nam
Đoàn đại biểu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam viếng Giáo sư Hoàng Tụy. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Giáo sư Hoàng Tụy là người cống hiến rất nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc cho nền toán học Việt Nam trong nửa thế kỷ qua. Ông cùng các Giáo sư Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm tham gia xây dựng phương hướng phát triển toán học trong vòng 20 năm kể từ 1968.

Ý tưởng then chốt được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặc biệt quan tâm, đó là đưa toàn bộ ngành toán học Việt Nam tiến lên.

Bên cạnh đó, ông còn nghiên cứu thành công về Toán lý thuyết, lĩnh vực Giải tích hàm. Trước những đòi hỏi của nền khoa học đất nước, ông quyết định chuyển sang nghiên cứu Toán ứng dụng, lĩnh vực Vận trù học - Tối ưu.

Trong lĩnh vực mới mẻ này, ông đã có những cống hiến xuất sắc. Bài báo công bố đầu năm 1964 trên tạp chí “Báo cáo Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô” đề ra ý tưởng hoàn toàn mới, trong việc giải quyết một lớp các bài toán tối ưu lõm với ràng buộc tuyến tính.

Trong bài báo này, ông đề ra phương pháp giải quyết vấn đề mà sau này mang tên “Lát cắt Tụy”. Công trình của ông khởi đầu hướng nghiên cứu Tối ưu toàn cục. Giáo sư Hoàng Tụy đã viết hơn 100 công trình trên các tạp chí quốc tế. Ông đã được tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự, được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt đầu tiên.

Nhớ lại những kỷ niệm với Giáo sư Tụy, Giáo sư Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học nghẹn ngào chia sẻ: "Nói đến Giáo sư Hoàng Tụy, không thể không nói đến tư cách một nhà giáo. Những ai đã từng may mắn được nghe các bài giảng của ông, đều không thể nào quên ngọn lửa của tình yêu toán học mà ông luôn biết cách truyền cho họ với một niềm say mê lớn. Các bài giảng của thầy Tụy thành công có lẽ không chỉ vì ông trình bày bao giờ cũng rõ ràng, sâu sắc, biến mọi điều phức tạp thành dễ hiểu, mà chính là vì lòng say mê toán học của ông đã truyền sang cho học sinh. Tôi còn nhớ những năm Viện Toán học mới thành lập, trình độ ngoại ngữ của cán bộ còn non, ông đã giành rất nhiều thời gian chữa cho họ những lỗi chính tả, ngữ pháp tiếng Anh, tiếng Pháp, giúp họ hoàn chỉnh các bài nghiên cứu trước khi gửi ra nước ngoài. Và chính ông cũng không ngại ngần khi học tập lớp trẻ. Là một nhà giáo mẫu mực, ông không bao giờ chấp nhận sự hời hợt, cẩu thả. Các bài viết qua tay ông đều phải chữa đi chữa lại nhiều lần. Ông nghiêm khắc với chính mình, và cũng dạy cho lớp trẻ biết nghiêm khắc với bản thân họ. Là người suốt đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục, Giáo sư Hoàng Tụy thường trăn trở với những vấn đề đặt ra cho giáo dục hiện nay. Nhiều bài viết của ông về các vấn đề giáo dục trên các báo đã gây những tiếng vang lớn”.

Vĩnh biệt Giáo sư Hoàng Tụy - Nhà Toán học tiêu biểu của Việt Nam
Gia đình, các con, cháu, chắt vào viếng Giáo sư Hoàng Tụy. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tại Lễ tang, chị Nguyễn Phương Lan, học trò của Giáo sư Hoàng Tụy, sau khi hay tin thầy mất đã đáp chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội đêm 18-7 để sáng 19-7 kịp tiễn đưa thầy về nơi an nghỉ cuối cùng.

Chị xúc động chia sẻ về những kỷ niệm với Giáo sư Hoàng Tụy: “Thầy Hoàng Tụy là người hướng dẫn tôi trong quá trình nghiên cứu về toán học. Thầy có trái tim tràn đầy nhiệt huyết, luôn biết được điểm mạnh, điểm yếu của học trò mình. Cùng với đó, thầy truyền dạy lại kiến thức của mình để những người học trò có đam mê và đi sâu vào nghiên cứu toán học. Những ai đã từng gặp thầy, nói chuyện với thầy đều cảm thấy thầy là người rất gần gũi, giản dị... Cầu mong linh hồn thầy được thanh thản phiêu diêu trên miền cực lạc, và ở nơi chín suối Thầy có thể mỉm cười vì những gì mà thầy đã làm được, đã cống hiến và để lại cho hôm nay và thế hệ mai sau”.

Giáo sư Hoàng Tụy sinh ngày 2-12-1927, tại làng Xuân Đài, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Ông là trụ cột của ngành toán học Việt Nam, với trên 100 công trình đăng trên các tạp chí có uy tín quốc tế về nhiều lĩnh vực khác nhau của toán học; là Tổng Biên tập của 2 tạp chí toán học tại Việt Nam (1980-1990), Ủy viên Ban Biên tập của 3 tạp chí toán học quốc tế.

Giáo sư Hoàng Tụy được trao các danh hiệu như Tiến sĩ danh dự Trường Đại học Linköping, Thụy Điển (1995); Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996); Giải thưởng Phan Châu Trinh (2010); Giải thưởng Constantin Carathéodory (2011).

Trong sự nghiệp của mình, Giáo sư Hoàng Tụy đã lên tiếng về những vấn đề bức thiết của khoa học, giáo dục Việt Nam, khởi xướng cuộc chấn hưng giáo dục "Mệnh lệnh từ cuộc sống". Ông có nhiều bài viết phê phán, góp ý thẳng thắn về vấn đề cải cách giáo dục.

Những ngày trước khi ông mất, bạn bè, gia đình, đồng nghiệp ở Viện Toán học, Tạp chí Tia Sáng và Nhà sách Omega đã kịp tập hợp các bài viết của ông và cho ra mắt cuốn sách "Xin được nói thẳng".

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Ấn tượng triển lãm “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt”
    Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức triển lãm “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (số 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội). Triển lãm diễn ra từ nay đến hết tháng 10/2024.
  • Cô gái Thái và hoa ban trắng
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Cô gái Thái và hoa ban trắng của tác giả Tạ Văn Hoạt.
  • Khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6 triệu lượt, cao hơn 3,9% so với trước dịch
    Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/4, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 4 đạt 1,55 triệu lượt, cao hơn 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.
  • TP. Điện Biên Phủ miễn phí tham quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa dịp 30/4 - 1/5
    Cụ thể, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ được miễn phí tham quan ngày 30/4 và 1/5 tại tất cả các điểm di tích lịch sử có thu phí tại hệ thống các bảo tàng, các điểm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.
  • Phim về địa đạo Củ Chi mừng ngày thống nhất đất nước
    Nhân dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4, ê kíp bộ phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" tung teaser với cảnh chiến trường hoành tráng, có xe tăng, vũ khí và cảnh bom rơi, cháy nổ như thật.
  • Khai mạc chương trình Thuận An Biển gọi năm 2024
    Chương trình Thuận An Biển gọi năm 2024 là sự kiện nhằm tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa dân gian của cư dân vùng biển và góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thừa Thiên Huế về kinh tế, văn hóa, du lịch và triển vọng phát triển bền vững.
  • Hoa chiến dịch Tây Bắc
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Hoa chiến dịch Tây Bắc của tác giả Nguyễn Tiến Luận.
  • Thưởng thức 6 phim tài liệu đặc sắc về Điện Biên Phủ tại Hà Nội
    Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5//2024), từ ngày 3 – 5/5 tại Hà Nội, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”, giới thiệu đến khán giả 6 bộ phim tài liệu đặc sắc.
  • Từ Hội quán Quảng Đông tới không gian sáng tạo
    Người ta xem nơi ấy là ngã ba tiếp xúc giữa 3 nền văn hóa và kiến trúc Việt - Hoa - Pháp, người ta cũng gọi nơi ấy là điểm hẹn văn hóa cất giữ ký ức xôn xao một thời của Phố cổ Hà thành. Trung tâm văn hóa nghệ thuật số 22 Hàng Buồm, nơi mà những người thuộc thế hệ trước ở Hà Nội vẫn quen gọi là Hội quán Quảng Đông, giờ đã trở thành một điểm hẹn văn hóa chuyên chở những ký ức đậm sắc hương Hà Nội, những ký ức ghi dấu ấn giao thoa văn hóa từ khoảng 400 năm trước cho đến ngày hôm nay.
  • Cảm tác Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Cảm tác Điện Biên của tác giả Trần Quang Bình.
Vĩnh biệt Giáo sư Hoàng Tụy - Nhà Toán học tiêu biểu của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO