Việt Nam vẫn là “đất lành” đối với doanh nghiệp FDI

Hải Truyền| 07/11/2022 13:54

Số liệu thống kê từ Ban Kinh tế Trung ương cho biết, hiện nay, trong cơ cấu kinh tế của nước ta, khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp khoảng 20,13% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp. Sau giai đoạn chững lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kể từ đầu năm 2022 các DN FDI đang không ngừng phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Đất lành” đối với các doanh nghiệp FDI

Trong khi nỗi lo vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới vẫn có xu hướng giảm, thì điểm tích cực là việc giải ngân vốn đạt mức kỷ lục, với tốc độ tăng trưởng 2 con số đây là một tín hiệu khả quan để có thể khẳng định rằng rằng bất chấp mọi bất ổn của thế giới trong thời gian qua, Việt Nam vẫn là điểm đến của dòng vốn FDI.

Mới đây, Tập đoàn sản xuất đồ chơi LEGO (Đan Mạch) ngày đã tổ chức khởi công xây dựng nhà máy trị giá hơn 1 tỷ USD tại Bình Dương. Đây là nhà máy thứ 6 trên toàn thế giới và thứ 2 tại Châu Á của Tập đoàn LEGO, và là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO trên toàn cầu, đồng thời đánh dấu “mốc xanh” trong dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Theo ông Niels B.Christiansen - Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn LEGO thì nhà máy tại Bình Dương sẽ giúp LEGO củng cố chiến lược phát triển lâu dài tại châu Á cũng như đa dạng hóa chuỗi cung ứng của LEGO.

Sau 10 tháng năm 2022, có nhiều dự án quy mô lớn đã tăng vốn đầu tư vào Việt Nam. Điển hình là Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng 2 lần, 920 triệu USD và 267 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE tăng trên 841 triệu USD; Dự án Nhà máy Chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện (tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng) tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD…

Cũng trong thời gian qua, nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (Thanh Hóa), có tổng mức đầu tư gần 2,8 tỷ USD, đã chính thức được vận hành thương mại. Việc dự án này đi vào hoạt động giúp cung cấp thêm khoảng 7,8 tỷ kWh điện/năm lên lưới điện quốc gia, góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Samsung tại Khu đô thị mới Tây Hồ Tây (Hà Nội) dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Các khoản tăng vốn của Samsung, trị giá hơn 2 tỷ USD ở Thái Nguyên và TP Hồ Chí Minh cũng sẽ sớm được đưa vào thực hiện.

Tính đến cuối tháng 10/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 22,46 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Dù gặp khó khăn do dòng vốn đầu tư thế giới có xu hướng quay lại Mỹ vì lãi suất đồng USD tăng lên, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) sau 10 tháng, mức giảm vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đã được cải thiện (9 tháng, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký giảm tới 15,3%).

Trong khi đó, 10 tháng qua, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 17,45 tỷ USD - là mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Dự báo cả năm nay, mức giải ngân có thể đạt 21-22 tỷ USD, tăng khoảng 6,4-11,5% so với năm 2021.

Dấu ấn quan trọng của dòng vốn FDI trong 10 tháng qua là vốn tăng thêm rất tích cực, khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam.

Chủ tịch EuroCham Alain Cany khẳng định, Việt Nam chắc chắn sẽ có vị thế tốt hơn trong 2 hoặc 3 năm tới, là một trong số các điểm đến đầu tư và kinh doanh năng động nhất. 42% DN châu Âu dự đoán công ty của họ sẽ tăng vốn FDI vào Việt Nam vào cuối năm 2022.

Trong chuyến thăm mới đây tại Việt Nam, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Mathias Cormann đã đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam, với điểm nhấn quan trọng là sức hút với dòng vốn FDI.

Trong bối cảnh khó khăn chung, Việt Nam trở thành điểm sáng với cơ sở hạ tầng phát triển, môi trường đầu tư thân thiện và thành công trong kiểm soát dịch Covid-19, vì vậy hoàn toàn có thể kỳ vọng vào dự báo kinh tế ngày càng tích cực của Việt Nam trong những năm tới. Điển hình, các công ty khối OECD cũng đang có xu hướng tìm đến Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Chú trọng cho ưu tiên đầu tư xanh

Kết quả khảo sát nhanh do Bộ KH&ĐT phối hợp với Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) thực hiện trong tháng 9/2022 cho thấy, trên 90% DN FDI đạt hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ở mức trung bình và cao. Phần lớn DN đều bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng đối với Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài. Trong đó khoảng 66% DN dự kiến mở rộng đầu tư trong năm 2023. Nhiều tập đoàn đa quốc gia, DN lớn với công nghệ hiện đại đã đầu tư vào Việt Nam.

Định hướng thu hút FDI là Việt Nam ưu tiên các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển. Các dự án gắn với tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững...

Một trong những điểm đặc biệt của nhà máy mới của LEGO tại Việt Nam là nhà máy trung hòa carbon, và quá trình xây dựng tuân thủ theo tiêu chuẩn vàng của LEED (định hướng thiết kế về môi trường và năng lượng). Để đạt được mục tiêu trung hòa carbon, DN phải đầu tư công nghệ cao để bảo đảm không bị ô nhiễm môi trường, khói bụi và chất thải.

Đại sứ quán Đan Mạch Kim Højlund Christensen cho biết, cơ quan này đang hỗ trợ một số công ty ở nhiều lĩnh vực khác nhau tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Đáng quan tâm là tất cả dự án đều có sự ưu tiên lớn trong việc vận hành xanh và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

886dcad98f2ba7ea7cab9cf75499a7e9-1-.jpg
Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn

Ví dụ điển hình như Copenhagen Infrastructure Partners với kế hoạch đầu tư dự án điện gió La Gàn ngoài khơi, công suất 3,5 GW và vốn đầu tư lên tới 10,5 tỷ USD ở Bình Thuận. Dự án dự kiến sẽ giúp tạo ra điện năng cho hơn 7 triệu hộ gia đình mỗi năm, và giúp Việt Nam giảm phát thải 130 triệu tấn CO2 trong suốt vòng đời của dự án.

Năm ngoái Tập đoàn điện gió Orsted và Tập đoàn T&T của Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác chiến lược phát triển các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam, với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong chuyến thăm tới Bỉ. Liên danh sẽ triển khai các dự án điện gió ngoài khơi ở nhiều địa điểm tại Việt Nam.

Không chỉ Samsung, với nhiều cái tên lớn khác như Foxconn, HP, Panasonic, LG…

Việt Nam đã và đang định hình trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu, không chỉ ở công đoạn sản xuất, lắp ráp, gia công mà còn cả hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D)…

Giới chuyên gia nhận định, cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu đầu tư có sự dịch chuyển giữa các ngành nghề. Hiện nay, xu hướng đầu tư đang dịch chuyển sang: Sản xuất hàm lượng công nghệ cao, tăng trưởng xanh, năng lượng xanh nên Việt Nam cần chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghệ để bắt kịp với sự thay đổi đó.

Để sẵn sàng các điều kiện cần thiết đón làn sóng đầu tư, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần chuẩn bị về mặt bằng sạch; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; năng lượng; nguồn cung lao động có tay nghề; nâng cao năng lực cho DN trong nước để tham gia chuỗi giá trị; chuẩn bị sẵn các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để đàm phán với những nhà đầu tư chiến lược có tính lan tỏa cao. Trong dài hạn, tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • CLB Giám đốc các bệnh viện miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành
    CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành… để hướng tới người bệnh và lấy người bệnh làm trung tâm phấn đấu cho mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng.
  • Huy động sức dân xây dựng Thủ đô Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp
    Với quyết tâm mạnh mẽ, cam kết tạo ra bước đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm, thúc đẩy phong trào chung tay hành động để xây dựng Thủ đô, UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 359/KH-UBND về việc thực hiện phong trào thi đua Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp của Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam vẫn là “đất lành” đối với doanh nghiệp FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO