Văn hóa – Di sản

Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số luôn được quan tâm, chú trọng

Trung Kiên 05/02/2024 07:29

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, trong thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn được quan tâm, chú trọng.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hòa Bình do Ban Dân nguyện chuyển đến.

Nội dung kiến nghị như sau: “Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành các chế độ, chính sách đầu tư, hỗ trợ việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua lễ hội trong cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng; ban hành quy định định mức các chính sách hỗ trợ kinh phí, để địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa”.

chieng-hbinh.jpg
Đồng bào dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình giới thiệu nghệ thuật Chiêng Mường đến người dân, du khách tại không gian phố đi bộ Hồ Gươm (Thành phố Hà Nội).

Trả lời kiến nghị nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”; Bộ Văn hóa luôn quan tâm, chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc của đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua việc triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức các sự kiện văn hóa cấp vùng, cấp quốc gia (tổ chức bảo tồn phát huy các lễ hội truyền thống, ngày hội giao lưu văn hóa, tập huấn, truyền dạy, xây dựng các mô hình văn hóa truyền thống, câu lạc bộ văn hóa truyền thống, chương trình nghiên cứu, hỗ trợ, bảo tồn văn hóa truyền thống…).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất các giải pháp về chính sách bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số. Cụ thể, đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý, cơ chế thuận lợi cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam nói chung, của đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng, bao gồm tham mưu ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, trong đó đã có các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội truyền thống nói chung và lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng.

Tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 quy định về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Ban hành Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 quy định kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đối với việc bảo tồn các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hàng năm đều đưa nội dung này vào Kế hoạch công tác năm để triển khai đồng bộ, hiệu quả trên cả nước; xây dựng 2 Thông tư: Thông tư quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật bảo tồn, phục dựng, tái hiện và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc; sưu tầm, bảo quản, trưng bày giới thiệu các tài liệu, hiện vật văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc Việt Nam; bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một và Thông tư quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật, ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch phục vụ đồng bào đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn tại xã đảo, huyện đảo; dự kiến ban hành trong Quý II/2024.

Xây dựng, trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh vào các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia. Dự thảo Nghị định đã quy định nội dung ưu tiên bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền, di sản của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù, di sản có giá trị toàn cộng đồng, xã hội, cùng với đó là quy định cụ thể về các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Hiện tại, dự thảo Nghị định đã được các Thành viên Chính phủ cho ý kiến, dự kiến được ban hành trong Quý III/2024.

nhay_lua.jpg
Lễ nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn (tỉnh Tuyên Quang) năm 2023 được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh minh họa).

“Tính đến tháng 12/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố đưa 217 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, trong thời gian qua, Bộ Văn hóa đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Dự án số 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030...”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, nhấn mạnh.

Hiện nay, Bộ Văn hóa đang triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, trong đó có đề xuất các Dự án thành phần về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Trong thời gian sắp tới, căn cứ nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 được phê duyệt, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp kinh phí thực hiện các Dự án bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa, trình cấp có thẩm quyền quyết định./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • Vinmec tiên phong mang công nghệ tiêu chuẩn quốc tế vào điều trị bệnh mề đay
    Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City (Hà Nội) là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ UCARE, khẳng định năng lực chuyên môn vượt trội trong chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh mề đay (mày đay) theo tiêu chuẩn quốc tế GA2LEN.
  • Tìm về tuổi thơ với 12.000 chiếc đèn đăng và bộ tranh “Ký ức đồng dao” tại núi Bà Đen
    Lần đầu tiên đến với núi Bà Đen, du khách sẽ lạc bước vào thế giới nghệ thuật dân gian với không gian triển lãm độc đáo của 12.000 chiếc đèn đăng nghệ thuật, cùng bộ tranh “Ký ức đồng dao” của hoạ sĩ Hoàng Phong - thành viên Hiệp hội màu nước quốc tế IWWS 2015.
Đừng bỏ lỡ
Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số luôn được quan tâm, chú trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO