Vì sao ông Tống Quốc Trường - Tổng giám đốc Vietlott từ chức?

Dân trí| 08/10/2017 22:52

Như đã đưa tin, ông Tống Quốc Trường - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) đã có đơn xin từ chức gửi Bộ Tài chính vì "lý do cá nhân".

Liệu việc từ chức của ông Trường có liên quan gì đến việc cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm của ông này thời kỳ làm lãnh đạo Tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVFC)?

"Lý do cá nhân" là lý do nào?
Đơn từ chức của ông Trường đã được Bộ Tài chính chấp thuận và ông chính thức nghỉ từ đầu tháng 10 vừa qua. Nguồn tin từ Vietlott cũng xác nhận điều này và cho biết thêm
ông Nguyễn Thanh Đạm - Phó Tổng giám đốc đang được giao tạm thời giao phụ trách Ban điều hành Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam từ tháng 10/2017.
Về lý do ông Tống Quốc Trường xin từ bỏ chức vụ Tổng giám đốc ở Vietlott - một công ty đang kinh doanh rất thuận lợi, doanh thu và lợi nhuận tăng cao là điều được nhiều người cho là rất đột ngột. Ông Trường được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Vietlott vào tháng 8/2012 khi công ty này vừa mới được cấp phép thành lập.Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc, ông này đã từng giữ nhiều chức vụ cao như Trưởng Ban, Tổng Giám đốc tại Ban chuyên môn và Doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Theo như đơn xin từ chức của ông Trường gửi tới lãnh đạo Bộ Tài chính, ông này chỉ nêu đơn giản là: "Vì lý do cá nhân". Tuy nhiên, có những thông tin từ ngành dầu khí cho thấy, có nhiều khả năng ông Trường liên quan đến một số vụ việc sai phạm trong thời gian ông này công tác tại Tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVFC).
Ông Tống Quốc Trường giữ trọng trách Tổng Giám đốc PVFC từ tháng 6/2007 đến tháng 3/2010. Trước ông Trường, vị trí này do ông Nguyễn Xuân Sơn đảm nhiệm. Ông Nguyễn Xuân Sơn mới đây đã bị bắt và khởi tố liên quan tới những sai phạm trong quá trình lãnh đạo tại PVN.
Những chuyện ở PVFC thời kỳ ông Trường làm Tổng giám đốc
Cụ thể, trong giai đoạn hoạt động của PVFC 2006 - 2011 mà ông Trường có thời gian chính làm Tổng giám đốc, PVFC có những hoạt động trái quy định pháp luật, mất vốn, nợ xấu tăng cao. Năm 2007, PVFC được phê chuẩn chủ trương lập Công ty Cổ phần đầu tư và tư vấn tài chính dầu khí (PVFC Invest).
Theo luật Các tổ chức tín dụng, PVFC chỉ có thể góp vốn vào một công ty con như PVFC Invest tối đa là 11% vốn điều lệ. Nhưng để giữ quyền chi phối và biến PVFC Invest thành công ty sân sau nên PVFC đã lách luật và qua mặt các cơ quan chức năng bằng các hợp đồng ủy thác trả chậm của cán bộ, công nhân viên của tổng công ty này.
PVFC sở hữu tới 59% cổ phần tại PVFC Invest dưới các hình thức: Góp vốn trực tiếp, 11%; “nhận” 38% vốn ủy thác của CBCNV (thực chất là tiền nhà nước) và “góp thay” 10% cổ phần của một nhà đầu tư bên ngoài (Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng Việt Nga). Khoản 38% “nhận ủy thác của cán bộ công nhân viên” thực chất là hình thức cho vay trá hình không có tài sản đảm bảo, dòng tiền, cũng như mọi quyền lợi của CBNV chỉ được ghi nhận trên giấy tờ, sổ sách không có thật.
Việc sử dụng nghiệp vụ ủy thác đầu tư đã giúp PVFC hay gián tiếp là PVN kiểm soát được hoàn toàn hoạt động của PVFC Invest nhưng để lại hậu quả xấu. Thực tế, PVN đã dùng tiền từ quỹ của PVN góp 295 tỷ đồng (59% vốn điều lệ), trong đó 240 tỷ đồng cho cá nhân vay trả chậm mua cổ phiếu PVFC Invest. Các hợp đồng ủy thác đầu tư trả chậm có thời hạn 3 năm, đến tháng 10/2010 hết hạn chỉ có một vài cá nhân hoàn trả được 10 tỷ đồng, 230 tỷ đồng còn lại không thể thu hồi được.
Đáng chú ý, trước đây, việc ký kết các hợp đồng đầu tư ủy thác này của PVFC đã bị Thanh tra Ngân hàng Nhà nước xác định là trái luật. Công văn 9788 của NHNN gửi trực tiếp PVFC nêu rõ: "Việc tiếp nhận vốn ủy thác đầu tư chỉ áp dụng đối với các hình thức đầu tư trực tiếp vào dự án hoặc công trình trong danh mục xác định". Từ tháng 12/2009, Thanh tra NHNN cũng yêu cầu PVFC phải "chấm dứt ngay nghiệp vụ này" nhưng PVFC đã phớt lờ không thực hiện.
Một vấn đề đáng chú ý khác là thời điểm 2008, PVFC bắt đầu lên sàn với hình ảnh là công ty tài chính có qui mô vốn lớn nhất thị trường bởi PVFC có số vốn điều lệ lên tới 5.000 tỷ đồng. Vì cổ phiếu PVFC lúc đó rất hot, nên các nhà lãnh đạo tổng công ty này đã không muốn bán ra ngoài mà dùng tiền của nhà nước đấu giá cổ phiếu của chính mình, ồ ạt rót vốn cho PVFC Invest bằng một loạt các hợp đồng ủy thác qua các công ty con.
Sau này, khi thị trường chứng khoán "xì hơi bong bóng", hơn 419 tỷ tiền gốc mà PVFC “cho CBCNV vay” mua cổ phiếu và 86 tỷ đồng tiền lãi phát sinh hiện không thu hồi được vì không rõ yếu tố pháp lý và vì trong danh sách gần 800 cá nhân ủy thác đầu tư cổ phiếu của PVFC có người đã chết, có người về hưu, có người đi tù (trong đó có ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch PVN, lúc đó giữ chức Phó TGĐ PVFC; bà Nguyễn Thị Minh Thu - nguyên Tổng giám đốc OceanBank...).
Báo cáo tài chính của PVFC và PVFC Invest sau này cho thấy thương vụ trên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng khi 510 tỷ đồng vốn ủy thác khiến PVFC Invest thiệt hại 419 tỷ gốc và 86 tỷ đồng lãi do CBCNV vay không có khả năng hoàn trả...
Với những vụ việc bê bối như trên, việc ông Tống Quốc Trường tiếp tục được bổ nhiệm lên các vị trí cao hơn và sau này còn làm Tổng giám đốc Vietlott cũng là điều không bình thường. Rất có thể việc ông này từ chức đột ngột chính là do trách nhiệm trước các việc xảy ra trong thời kỳ làm Tổng giám đốc của PVFC.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Vì sao ông Tống Quốc Trường - Tổng giám đốc Vietlott từ chức?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO