Văn hóa – Di sản

Văn Từ Thượng Phúc: Biểu tượng của vùng đất danh hương trong lòng Hà Nội

Quỳnh Phạm - Hải Truyền 23/06/2023 14:02

Huyện Thường Tín (Thành phố Hà Nội) nổi tiếng là vùng đất hiếu học và có nhiều nhà khoa bảng nhất Thủ đô. Biểu tượng, niềm tự hào về tinh thần hiếu học của vùng đất này hiện được lưu giữ, lan tỏa tại Văn Từ Thượng Phúc (thôn Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín).

Những thăng trầm thời gian

Việt Nam là quốc gia giàu truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Thường những nơi có truyền thống khoa bảng, tôn sùng đạo học đều dựng Văn Từ để phụng thờ tiên hiền và nêu gương việc học. Bởi vậy, huyện Thượng Phúc (Thường Tín ngày nay) đã xây dựng Văn Từ vì nơi này có nhiều người đỗ đạt, thành danh. Hiện nay, Văn Từ Thượng Phúc đã xây mới trên nền đất cũ, khang trang và rộng lớn hơn nhưng kiến trúc vẫn mang nét truyền thống, vẻ đẹp văn hóa Việt Nam.

img_0366.jpg
Văn Từ Thượng Phúc nhin từ bên ngoài vào.

Theo ông từ Bùi Quốc Tuấn, người trông coi Văn Từ Thượng Phúc hiện nay, trước kia Văn Từ ở xã An Duyên (nay là thôn An Duyên, xã Tô Hiệu). Hệ thống văn bia còn lại ở Văn Từ Thượng Phúc, cùng thác bản văn bia từ 8196 đến 8199 của Viện Viễn Đông Bác Cổ, Viện Hán Nôm, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội xác định, Văn Từ Thượng Phúc do Tiến sĩ Dương Công Độ (Quý Hợi Khoa, đệ Tam Giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, Phụng Sai Thanh Hoa xứ, Đốc Đồng Quan, người Nhị Khê) xây dựng tại xã An Duyên, tổng Tín An vào năm Chính Hòa thứ 16 (1695).

Song hành với việc xây dựng Văn Từ, Dương Công Độ soạn văn, khắc lên trụ bia đá có bốn mặt chữ về tên tuổi của 75 nhà Khoa bảng Đại khoa – Tiến sĩ của huyện Thượng Phúc. Thế hệ sau Dương Công Độ thống kê tiếp, được hơn 5 Tiến sĩ khắc lên bia, thành 81 Tiến sĩ.

Ít lâu sau, ông Hoằng Phúc Giám Sinh Đinh Tông Thuyên, con trai nối dõi là Hoài An Tri huyện Đinh Bá Thường thừa mệnh bản huyện cùng các quan triều đình (Binh Sứ Bắc Quận Công, Phượng Dực Thái Bảo Võ Quận Công – Nguyễn Lễ, Thiếu Phó Tấn Quận Công – Nguyễn Tường), các quan viên chính chức kính sửa tòa nội đường từ vũ, tiền đường, khắc thêm phần bia kí. Văn Từ Thượng Phúc lúc này có người trông coi và là nơi duy nhất trong hệ thống Văn chỉ Thường Tín có mái che. Tương truyền, Văn Từ Thượng Phúc lúc này cũng là trường học của huyện.

img_0328.jpg
Khu vực tiền tế Văn Từ Thượng Phúc.

Năm 1755, Văn Từ bị xuống cấp, ông Nguyễn Quân – Tri huyện Phúc Xuyên, đã tu sửa lại. Sau đó ông Đinh Quân – Giáo thụ phủ Lý Nhân xây dựng tòa Tiền đường. Tiếp đến Tri huyện Hoài An, cũng về tu sửa Văn Từ Thượng Phúc thêm uy nghi. Nhưng khuôn viên Văn Từ lúc này hẹp, vùng đất thấp, cuối mùa thu hay xảy ra lụt lội, nên việc tế lễ thường không đúng được ngày. Năm Tân Mùi, niên hiệu Tự Đức, tường Văn Từ bị nước lũ cuốn trôi.

Tới năm 1812, văn bia, đồ thờ của Văn Từ được chuyển về thôn Văn Hội, xã Văn Gáp, huyện Thượng Phúc (nay là thôn Văn Hội, xã Văn Bình). Thái Thú Cao Hữu Sung cùng với các vương môn, văn thân đứng lên xây dựng. Mùa đông năm Canh Tý khởi công, tròn một năm tu sửa xong. 60 năm sau, Văn Từ lại được trùng tu, 20 năm tiếp theo lại được tu sửa. Nhưng rồi, vật đổi sao dời, trải qua năm tháng thăng trầm, Văn Từ Thượng Phúc chỉ được xem là Văn Chỉ của thôn Văn Hội, nên ít được quan tâm, dần dần bị thu hẹp, hư hại không đáp ứng và xứng tầm là nơi tôn vinh giáo dục, truyền thống hiếu học của huyện.

img_0334.jpg
Bia đá cổ hàng trăm năm ghi danh các nhà khoa bảng của Thường Tín.

Trước thực tế này, Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Tín khóa XXIII ra Nghị quyết xã hội hóa “Đầu tư xây dựng và phát huy giá trị văn hóa lịch sử công trình Văn Từ Thượng Phúc”. Vận động được nguồn vốn xã hội hóa, Huyện ủy Thường Tín tổ chức khởi công tôn tạo Văn Từ vào ngày 9 tháng Giêng năm 2019, đúng hai năm sau thì hoàn thành. Ngày 9 tháng Giêng Âm lịch hằng năm được chọn làm ngày Lễ hội Khai bút, sản xuất làng nghề truyền thống của huyện Thường Tín tại Văn Từ Thượng Phúc.

“Văn Từ Thượng Phúc được xây dựng mới với tổng diện tích hơn 3.500m2. Công trình có kiến trúc hình chữ Công, gồm có khu vực tiền tế, thiêu hương, hậu cung, tả vu - hữu vu, nhà bia, đồng trụ và các công trình phụ trợ. Người dân chúng tôi vui lắm bởi Văn Từ đã khang trang hơn, rộng rãi hơn nhưng giá trị, nét văn hóa vẫn được gìn giữ”, ông từ Bùi Quốc Tuấn chia sẻ.

Nơi lưu giữ, tôn vinh các bậc hiền tài, lan tỏa tinh thần hiếu học

Văn Từ Thượng Phúc hiện còn lưu giữ văn bia khắc tên các nhà khoa bảng của huyện Thường Tín xưa, trong đó có Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Thái học sinh Nguyễn Phi Khanh, Đệ nhị giáp khoa Tiến sĩ Lý Tử Tấn, các nhà khoa bảng Dương Trực Nguyên, Trần Trọng Liêu, Ngô Hoan, Nguyễn Ý, Dương Công Độ, Ứng Ngạn Lượng, Vũ Đức Chinh, Nguyễn Trác, Doãn Hoành Tuấn, Dương Hạng, Doãn Mậu Khôi, cử nhân nho học – nhà yêu nước Lương Văn Can... Đây là những bậc hiền tài không chỉ của Thường Tín, của Thủ đô Hà Nội mà còn là của cả nước, đã ghi danh lịch sử và có những đóng góp to lớn về việc phát triển văn hóa - giáo dục trong các triều đại phong kiến tại Việt Nam.

img_0339.jpg
Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi được thờ tại Hậu cung Văn Từ.
img_0342.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Ý, bậc hiền tài đỗ Nhất bảng - Đình nguyên năm Minh Mạng thứ 3 được khắc tên đầu tiên trên bia đá Văn Miếu Huế.

Khi công trình văn hóa lịch sử Văn Từ Thượng Phúc hoàn thành, nơi này đã đón tiếp nhiều vị khách quý. Trong đó Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng; Thành ủy viên, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải và Nguyễn Mạnh Quyền đã đến dự Lễ khai bút… Thường ngày, Văn Từ Thượng Phúc thành điểm đến của các em học sinh, sinh viên, thầy cô giáo tới tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp các bậc tiền nhân học rộng tài cao. Nhiều em học sinh về đây xin chữ, dâng hương gửi theo những ước mơ, kỳ vọng cho việc học tập, từ đó lưu giữ và phát triển tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo.

Rời khu vực tiền tế, bước qua cánh cửa gỗ, chúng tôi di chuyển tới khu vực ngoài trời có tên gọi “Thiêu hương”. Khu vực này còn lưu giữ 4 bia đá có tuổi đời hàng trăm năm đặt trên lưng rùa. Trong đó có tấm bia đá bằng chữ Hán ghi danh các nhà khoa bảng của Thường Tín khi mới xây dựng Văn Từ, tấm bia khác lại ghi quá trình di dời bia, những người góp công sức cho việc xây dựng Văn Từ Thượng Phúc thời kỳ đầu.

Ngay cạnh khu “Thiêu hương” là Hậu cung Văn Từ Thượng Phúc. Hậu cung hiện thờ 5 bậc khoa bảng hiền triết nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Đó chính là Nguyễn Trãi – danh nhân văn hóa thế giới, tác giả của Bình Ngô đại cáo, Quốc âm thi tập trường tồn với thời gian. Là Dương Chính - đệ nhị giáp khoa thi Thái học sinh năm Mậu Thìn niên hiệu Trinh Khánh đời 3 vua Lý Huệ Tông, người đỗ đạt khai khoa đầu tiên của phủ Thường Tín xưa. Là Tiến sĩ Dương Trực Nguyên – vị đại thần thanh bạch, liêm chính yêu nước thương dân được 4 triều Vua Lê tín nhiệm. Hậu cung còn thờ Tiến sĩ Trần Trọng Liêu – Đệ nhị giáp tiến sĩ và được ghi danh trên bia số 66 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám khi chưa đầy 40 tuổi. Cuối cùng là Tiến sĩ Nguyễn Ý, bậc hiền tài đỗ Nhất bảng - Đình nguyên năm Minh Mạng thứ 3 được khắc tên đầu tiên trên bia đá Văn Miếu Huế.

img_0345.jpg
Không gian mô phỏng, tái hiện việc dạy học, thi cử thời xưa tại Văn Từ Thượng Phúc.
img_0352.jpg
Mô phỏng thầy đồ Nguyễn Phi Khanh đang ngồi dạy học.

Vòng sang khu tả vu, không gian mô phỏng, tái hiện việc dạy học, thi cử thời xưa hiện lên trước mắt. Đó là tượng thầy đồ Nguyễn Phi Khanh (thân phụ Nguyễn Trãi) đang ngồi dạy học, tay cầm thước tre và phía dưới có bàn học tre. Cạnh đó, cụ Lý Tử Tấn ngồi từ trên cao đang ngồi trông thi, phía dưới là sĩ tử với bút lông, nghiên mực đang chăm chỉ làm bài. Trong không gian mô phỏng còn xuất hiện hình ảnh Tiến sĩ Ngô Hoan, lúc thảnh thơi đang ngồi uống trà bình thơ.

Có thể nói, Văn Tự Thượng Phúc đi qua thăng trầm thời gian, đã trở thành một biểu tượng của vùng đất danh hương trong lòng Hà Nội. Tại đây, những giá trị giáo dục, truyền thống hiếu học được gìn giữ, lan tỏa, khơi nguồn cảm hứng tinh thần cho nhân dân trong công cuộc xây dựng huyện Thường Tín nói riêng ngày một văn hóa, văn minh, hiện đại, hơn nữa góp phần làm đậm nét hơn Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, ngàn năm văn hiến./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Công nhận Mộc bản ở chùa Dâu (Bắc Ninh) là Bảo vật Quốc gia
    Bộ mộc bản chùa Dâu gồm 107 ván khắc là hiện vật gốc duy nhất, độc bản, toàn vẹn và có tính xác thực với nhiều loại hình văn bản như: truyền thuyết về Phật Tứ pháp, kể hạnh về Phật Tứ pháp, kinh Phật, các nghi lễ cầu mưa, cầu tạnh, cúng tế các vị Tổ chùa...
  • Gìn giữ nét Việt cùng giấy Dó giữa lòng Hà Nội
    Vùng Bưởi xưa nổi danh Hà thành với nhiều làng nghề truyền thống, trong đó đặc biệt nhất phải kể đến nghề làm giấy dó làng Yên Thái. Nghề làm giấy dó xưa đã đi vào ca dao người Việt, niềm tự hào nét tinh hoa văn hóa của người Kẻ Bưởi: Mịt mù khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
  • Lễ hội làng Keo được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
    Lễ hội truyền thống làng Keo thuộc thôn Giao Tất, xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) gắn liền với tín ngưỡng thờ thần Thành hoàng, vị thần bảo trợ của cộng đồng làng Keo là tướng quân Đào Phúc và Tiên Anh công chúa đã có công cùng đại danh tướng Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến trên sông Như Nguyệt, đánh tan quân Tống, quân Chiêm Thành xâm lược.
  • Phát huy giá trị di sản văn hóa Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ
    Ngôi đền Đồng Cổ nằm trong không gian di sản bên bờ Hồ Tây, Hà Nội độc đáo vì gìn giữ được Hội thề trung hiếu từ thời nhà Lý đến nay. Đây là di sản không chỉ có giá trị văn hóa mà còn có mang ý nghĩa giáo dục bồi đắp lòng kiên trung, hiếu học theo khát vọng của người xưa.
  • Hiểu rõ hơn lịch sử Quốc Tử Giám dưới thời nhà Lý
    Tại Nhà Đông vu, khu Đại Thành thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), những hiện vật được trưng bày thường xuyên với chủ đề “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” giúp du khách tìm hiểu rõ hơn về lịch sử Quốc Tử Giám dưới thời Lý.
  • Nhiều hoạt động đặc sắc tại Festival Huế 2024
    Diễn ra từ 7 - 12/6/2024, Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024, với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” là điểm nhấn Festival Huế 2024.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • “Âm vang Việt Nam” hào hùng qua từng khúc hát
    Hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tối 16/5 tại Không gian biểu diễn Nghệ thuật - Ẩm thực đường phố quận Tây Hồ tiếp tục diễn ra Chung khảo “Liên hoan Tiếng hát cựu Thanh niên xung phong (TNXP) Hà Nội 2024” (cụm 2), với những phần trình diễn đặc sắc, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân Thủ đô.
  • Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ ra mắt tập thứ 3 trong bộ tiểu thuyết về Bác Hồ
    Cuốn sách “Từ Việt Bắc về Hà Nội” - tập thứ 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” của Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ vừa ra mắt bạn đọc nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
  • Bộ Y tế lần đầu cấp phép lưu hành vaccine sốt xuất huyết
    Ông Vũ Tuấn Cường, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa ký ban hành công văn về việc Cục này cấp phép cho 40 vaccine, sinh phẩm y tế, trong đó có vaccine sốt xuất huyết do Takeda sản xuất. Vaccine sốt xuất huyết sử dụng cho người từ 4 tuổi trở lên, bất kể đã hoặc chưa từng mắc bệnh. Đây là vaccine sốt xuất huyết đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam.
  • Nestlé tăng cường áp dụng nông nghiệp tái sinh, giảm phát thải khí nhà kính
    NESCAFÉ – nhãn hiệu cà phê lớn nhất của Tập đoàn Nestlé và là một trong những nhãn hiệu cà phê được yêu thích trên thế giới, vừa công bố Báo cáo tiến độ Chương trình NESCAFÉ Plan năm 2030 lần thứ hai. Báo cáo cho thấy việc tăng cường áp dụng các phương pháp canh tác nông nghiệp tái sinh giúp cải thiện năng suất và giảm phát thải khí nhà kính (KNK).
Đừng bỏ lỡ
Văn Từ Thượng Phúc: Biểu tượng của vùng đất danh hương trong lòng Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO