Ứng xử văn hóa với di sản đô thị Hà Nội

Vũ Hoài Đức| 09/02/2018 14:21

Thủ đô nghìn năm văn hiến, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội là hình ảnh của sự chồng lớp của những tầng di sản theo thời gian. Nét đẹp của nó chính là sự hòa trộn - giao thoa trên nền mảnh đất địa linh, hào hoa mà thấm đẫm bản sắc văn hóa riêng của người Hà Nội.

Có một câu hỏi rất thú vị do một chuyên gia quốc tế đặt ra cho chúng ta: “Tại sao Hà Nội không có những di sản đô thị dạng “khuôn vàng – thước ngọc”, chuẩn mực cho giới nghiên cứu, các nghệ sĩ, kiến trúc sư… mà vẫn làm cho người ta thích thú, yêu mến và say mê?” Để trả lời câu hỏi này thật không dễ dàng, bởi đúng là những di sản nổi tiếng của Thủ đô, nếu chỉ nhìn đơn chiếc sẽ cảm thấy, dường như là sự ứng dụng những kết quả, bài học thành công trong lịch sử phát triển của nhân loại ở chừng mực nhất định.

Ứng xử văn hóa với di sản đô thị Hà Nội
Phố cổ Hà Nội xưa (Ảnh tư liệu)
Quả thật, những địa danh Tây Hồ, Văn Miếu, Hoàng thành Thăng Long… ngay tại Việt Nam, nhiều đô thị cổ ở thời phong kiến, cũng xuất hiện chứ chưa nói đến ở xứ Bắc xưa kia. Cầu Long Biên, Nhà hát Lớn, ga Hà Nội, Phủ Chủ tịch… và nhiều di sản đô thị cận hiện đại ở Hà Nội được xây dựng thời thuộc địa hầu hết được dựng theo phong cách, nghệ thuật, kỹ thuật phương Tây. Các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch nước ngoài còn có ấn tượng khá mạnh với một số công trình được xây dựng ở thời kỳ bao cấp (1954 - 1986). Họ cho rằng nhiều công trình trong số đó đáng được coi là di sản thời hiện đại ở một giai đoạn không thể quên của một thế hệ người Hà Nội. Cho dù dường như chúng cũng là sản phẩm của sự học hỏi từ mô hình ở các nước xã hội chủ nghĩa thời bấy giờ.

Trung tâm chính trị Ba Đình là nơi các công trình kiến trúc chủ đạo: Lăng Bác Hồ, Phủ Chủ tịch, Bộ Ngoại giao, Đài liệt sĩ vô danh, cổng Đoan Môn… đều được xây dựng tại các nút giao thông và quảng trường hoặc là nơi hội tụ của các tầm nhìn. Một sự giao hòa giữa các công trình chủ chốt của quốc gia, trong lịch sử và hiện đại rất rõ rệt. Nghệ thuật kiến tạo không gian kiểu phương Tây trên phế tích thành quách phương Đông, trên nhiều phương diện, đã làm nên giá trị của khu vực được coi là trái tim – bộ óc của đất nước.

Hồ Gươm - viên ngọc của Thủ đô. Nơi mà ai ai cũng cảm thấy dường như bản sắc, tâm hồn và văn hóa Hà Nội hội tụ và tỏa sáng. Những tháp Rùa, đền Ngọc Sơn – cầu Thê Húc soi bóng xuống mặt hồ. Bao bọc phía Đông và phía Tây là những công trình kiến trúc thời Pháp thuộc. Những ngôi nhà ống mang dáng dấp khu phố cổ án ngữ trên những con phố hai phía Bắc, Nam của hồ. Những thủ pháp quy hoạch này dù vô tình hay hữu ý đã làm cho hồ Gươm trở thành nơi hồn đất Việt tỏa sáng trong lòng khu phố Pháp.

Sự lựa chọn ngẫu nhiên của tạo hóa và lịch sử đã làm nên một phố cổ Hà Nội rất riêng. Những lớp mái ngói lô xô, phủ đầy bụi thời gian, với những mặt tiền mang phong cách kiến trúc đa dạng, ngày đêm ngắm nhìn mạch sống bền bỉ, cần cù, nhẫn nại mà vô cùng dẻo dai của người Hà Nội trên ngõ nhỏ - phố nhỏ. Sự hòa trộn của phố nghề, của không gian sinh kế và cư trú đã làm nên một khu phố đặc biệt, ấm cúng, thân thiện, quen mà lạ, lạ mà quen.

Có thể hiện nay, những khu tập thể xây dựng thời bao cấp đang trở nên xấu xí bởi sự xuống cấp, chật chội. Nhưng đừng quên rằng, nơi đây đã từng là niềm tự hào của một Thủ đô vừa trải qua những năm dài bão lửa, mà vẫn gắng vươn mình đứng dậy. Nếu loại trừ những bộ phận cơi nới, lấn chiếm, thử hỏi có những khu định cư nào, kể cả trong quá khứ lẫn đương đại có được sự chỉnh chu về cơ cấu quy hoạch và tổ chức không gian kiến trúc – cảnh quan như những Kim Liên, Trung Tự, Phương Mai, Thành Công…? Nếu có phép so sánh kiểu toán học, để mà đồng quy được những yếu tố khác biệt giữa các thời kỳ, thì những tiểu khu nhà ở này xứng đáng có một chỗ đứng trong lịch sử đô thị Hà Nội. Nó cũng là chứng nhân của một thời gian khó, của những bàn tay trắng - nhưng đong đầy niềm tin; là bài học của ngày hôm qua, để có ngày hôm nay tươi sáng.

Thủ đô Hà Nội đang đổi thay với những khu đô thị, cơ sở hiện đại. Thời gian chẳng bao giờ dừng lại, những gì của ngày hôm nay rồi sẽ được nhìn nhận, đánh giá bởi nhiều thế hệ mai sau. Chúng ta có thật sự trân quý những di sản của ngày hôm qua, thì tương lai cũng sẽ đối xử với chúng ta như vậy.

Trở lại với câu hỏi ban đầu, có lẽ chúng tôi chỉ dám trả lời rằng “Nếu con người có số phận, có lẽ đô thị cũng có định mệnh. Định mệnh đã cho Hà Nội hệ thống di sản đậm, đầy… chồng lớp lên nhau, đứng bên cạnh nhau để chứng kiến những thăng trầm của nghìn năm lịch sử. Điều đó làm nên vẻ đẹp riêng của Thủ đô của chúng ta”.

Nhưng, chính con người đã làm nên những tầng không gian di sản đô thị trên mảnh đất nghìn năm ấy. Trong quá khứ đã vậy, tương lai cũng chẳng là ngoại lệ. Ứng xử có văn hóa với di sản, chắc chắn sẽ làm nên những di sản mới của tương lai. Đó chính là sự phát triển đô thị bền vững của Thủ đô muôn đời của chúng ta. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Ứng xử văn hóa với di sản đô thị Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO