Toàn cảnh hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước và đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Năm 2018, cả nước ghi nhận 164.671 ca mắc mới ung thư, 114.871 trường hợp tử vong do ung thư. Hiện có hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư ở Việt Nam đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Ung thư quốc gia cho biết thêm, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới ở cả hai giới. Theo Globocan 2018, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu ca mới mắc và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 23.667 ca mới mắc và 20.170 ca tử vong do căn bệnh này. Vì thế, vấn đề nâng cao kiến thức về dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư phổi là vấn đề hết sức quan trọng, cần nhận được nhiều sự quan tâm của ngành Y tế nói riêng và xã hội nói chung.
Theo PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K, nhiều năm nay, ung thư phổi vẫn đứng đầu trong số các loại ung thư ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo số liệu từ đầu năm 2018 tới nay, tỷ lệ mắc ung thư phổi đã tụt xuống vị trí thứ 2 sau ung thư gan dù thực tế số mắc bệnh vẫn tăng lên. Do đó, hội thảo này tập trung vào tất cả các lĩnh vực trong điều trị ung thư phổi, từ phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, đặc biệt là bàn về liệu pháp điều trị miễn dịch – phương pháp mới nhất trong điều trị ung thư hiện nay. Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực ung thư đến từ Pháp, trong đó có các chuyên gia của 6 bệnh viện lớn ở Paris.
PGS.TS Lê Văn Quảng khuyến cáo, đối tượng mắc ung thư phổi chủ yếu ở lứa tuổi trên 50, đặc biệt là ở người có tiền sử hút thuốc lá hoặc thường xuyên hút thuốc lá thụ động. Vì vậy, những người từ 50 tuổi trở lên, những đối tượng có nguy cơ cao như: Người hút thuốc lá, người thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động… nên chủ động đi tầm soát ung thư khoảng 6 tháng - 1 năm/lần.