Kể từ đó, vào ngày hội, làng Lại Đà lại cử người mời chạ anh Bắc Cầu sang dự hội làng. Khi đoàn đại diện chạ anh sang, Lại Đà cử đoàn đại diện ra đầu đê sông Đuống, đường dài gần 1km để đón rước. Lễ rước (đón) được tiến hành rất trọng thể, có cờ, trống, bát âm, kiệu, có tuần đinh mặc áo nâu đi phù giá, có chức sắc đi theo. Tráng đinh cầm tay thước, thổi tù và, với tiếng trống, tiếng chiêng làm không khí lễ hội càng thêm sống động. Khi chạ em Lại Đà sang Bắc Cầu, cũng được chạ anh Bắc Cầu đón tiếp trọng thể từ bến đò vào đình.
Trải qua 160 năm giao hảo, tình nghĩa, nghĩa tình giữa hai làng kết chạ Lại Đà – Bắc Cầu luôn luôn gắn bó. Nghĩa tình trang ấp đôi làng không chỉ diễn ra theo nghi thức nơi đình trung, điểm sở, lễ hội mà còn như mạch nước ngầm, thấm đến từng người dân hai chạ, nhất là khi hai làng có công việc lớn hoặc khi gặp khó khăn.
Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân vùng phía Bắc sông Đuống vừa trải qua trận đói nặng nề, thì lại gặp ngay trận lụt do vỡ đê ở Vực Đê (xã Tiên Dương – Đông Anh) làm cả một vùng quê rộng lớn bị ngập lụt. Lại Đà cũng bị lũ nhấn chìm, làng xóm ngập sâu trong nước. Giữa lúc nguy khốn ấy, người an hem Bắc Cầu đã kịp thời sang cứu giúp. Nhiều con thuyền của Bắc Cầu đã vượt sông Đuống vào đồng cứu người và tài sản giúp dân làng Lại Đà. Nhờ vậy, trong trận vỡ đê năm ấy, không có người dân Lại Đà nào bị chết đuối hay bị lũ cuốn trôi…
Mối tình kết chạ giữa hai làng Lại Đà – Bắc Cầu ngày càng gắn bó, bền chặt. Nói về tình nghĩa keo sơn, gắn bó giữa hai làng, dân làng Lại Đà có câu ca dao:
Dân ta kéo gỗ làm đình
Gỗ lim tuy nặng nhưng tình nặng hơn.