Đêm hội Giã La là đêm hội cuối cùng của hai làng La Nội, Ỷ La nay là làng La Cả, (phường Dương Nội, quận Hà Đông) được mở đại đám năm năm một lần từ ngày mồng Sáu đến hết ngày 14 tháng Giêng tại Đình làng.
Đây là Lễ hội tưởng niệm Lạc tướng Đương Cảnh Công thời vua Hùng thứ XVIII, có công diệt trừ hổ dữ để cứu dân làng trong vùng. Khi hóa, Ngài được tôn thờ làm Thành hoàng làng. Hội làng La Cả nổi tiếng từ xưa vì vào đêm giã hội có tục đánh hổ - dân gian gọi là đánh biệt, để tưởng nhớ chiến công xưa của đức Thành hoàng.
Đến nay tại quán còn lưu được bản “La Nội, Ỷ La nhị xã lưu truyền khu hổ lang tích” (Sự tích săn hổ, lưu truyền ở hai xã La Nội và Ỷ La), bằng chữ Nôm chép năm Long Đức thứ 3 (1754). Văn bản ghi rõ các nghi thức của cuộc săn hổ. Theo đó, chiều tối ngày 14, sau cuộc tế giã, một cánh rừng giả được dựng lên ở gian giữa, ngay dưới gầm ban thờ ở hậu cung để hổ dữ nấp trong đó. Người đóng vai hổ đội lốt “hổ lang vàng mép” thửa công phu như thật. Cùng ở trong rừng còn có bốn người đóng vai chim kêu, vượn hót, nai tác, gà gáy, làm cho khu rừng trở nên âm u, vang vọng như thật. Trước cửa rừng ở gian giữa, các quan viên mặc quần áo đen thắt lưng xanh, cầm côn sẵn sàng múa võ. Ở mép tiếp giáp gian giữa với hai gian bên có hai người cầm cờ đuôi nheo chỉ huy đoàn thợ săn. Lực lượng chính của đoàn thợ săn cầm đuốc, cầm giáo mác đứng chờ ở ngoài đại bái. Sát cửa rừng về hai phía có hai người xướng trò, bên trái là nam giới, bên phải là nữ giới. Trước cửa lớn gian giữa là nơi dành cho nhà trò múa hát. Dân làng đứng xem chật cứng trong đình và xung quanh đình trên đường hổ chạy.
Trình tự cuộc đánh hổ như sau:
Màn thứ nhất:
Hát chúc Thánh do các ca nữ giáo phường ca trù Đồng Trữ trình bày, tiếp theo là các điệu múa tiến lộc, múa lọ, múa trượng.
Màn thứ hai:
Đèn nến trong đình phụt tắt chỉ còn ánh sáng ngoài sân đình hắt vào lờ mờ. Từ trong cánh rừng vang lên tiếng gà gáy chim kêu.
Bên nam dõng dạc xướng:
Ơi đồ lũ chúng taĐi săn đón đường
Đón thánh giá hoàn cung
Đón lấy quan cao lộc vị, về cho hai chạ
Đồ lũ chúng ta
Hãy vây tứ vi đình
Khứ hồi đình trung
Vừa dứt lời, đoàn săn với hàng chục cây đuốc thắp sáng từ nhà bái đường chạy ra sân, đến cổng đình rẽ về tay trái, vòng quanh đình một lượt theo chiều ngược kim đồng hồ. Đuốc rực cháy, tiếng hò reo, tiếng trống, chiêng, mõ, thanh la, tù và vang động khắp trời. Rồi đoàn thợ săn lại vào nhà bái đường chờ lệnh.
Tiếp đó, bên nữ hỏi:
Bên chú đi săn đến đâu? Có thấy chi chăng?
Bên nam đáp:
Bên chú đi săn đến mả Thiền quan
Nào thấy chi đâu
Thấy một cái chim, là cái chim chích
Thấy một cái chích, là cái chích chim
Đón lấy quan cao lộc vị về cho hai chạ
Hà đường xa về, hà đường xa về!
Vừa dứt lời, từ trong rừng lại nổi lên tiếng chim thú… và đoàn thợ săn lại cầm đuốc, nổi truống mõ chạy quanh đình như trước rồi trở về đình.
Bên nữ hỏi:
Bên cháu đi săn ở đâu
Có thấy chi chăng?
Bên nam đáp:
Bên cháu đi sắn đến mả Thiền quan
Nào thấy chi đâu
Thấy một cái ốc, là cái ốc bươu
Thấy một cái bươu, là cái bươu ốc
Đón lấy quan cao lộc vị về cho hai chạ
Hà đường xa về, hà đường xa về!
Tiếng muông thú lại nổi lên. Và đoàn thợ săn lại chạy vây quanh đình một vòng rồi quay về đình như trước.
Lần thứ ba, đến lượt bên nam hỏi:
Bên trường đi săn đến đâu?
Có thấy chi chăng?
Đáp rằng:
Bên trường đi săn đến mả Thiền quan
Nào thấy chi đâu
Thấy một cái hổ, hổ lang vàng mép.
Nó làm ủ ê, phiền não
Nó làm sầu ủ ruộng dâu
Giúp người dùng sức
Bắt cho kỳ được cái hổ lang vàng mép
Rước lấy quan cao lộc vị, về cho hai chạ
Hà đường xa ra về, hà đường xa ra về!
Màn thứ ba: Đả hổ lang (Đánh hổ)
Bên nam xướng:
Đồ lũ chúng ta
Nam thì cho mạnh, khí giới cho bền
Lưới thay ống nỏ
Bắt cho kỳ được cái hổ lang vàng mép
Lột da, lốt ngại cho Đức vua ngồi
Lấy nanh làm cán dao cho Đức vua cầm
Lấy thịt nấu canh cho Đức vua ăn
Lấy xương làm am sơn kiệu cho Đức vua ngự
Đón lấy quan cao lộc vị, về cho hai chạ
Màn thứ tư: Uy hùng đả hổ (Oai hùng diệt hổ lang).
Sau lời xướng của người nam giới cầm trò “Bên chú đánh nhất cấp, bên cháu đánh nhất cấp, bên trường đánh nhất cấp” hổ dữ từ trong rừng lao ra. Các quan viên làm động tác đánh nhau với hổ. Tiếng chiêng, trống, mõ, tù và nổi lên dồn dập. Hổ dữ bị trọng thương, vọt khỏi cung ra ngoài. Đoàn săn đuổi theo. Tiếng hò reo vang dậy. Nhưng lần này, nó chạy đến “cống đá cửa đình” thì gục xuống. Theo lệ, người đóng vai hổ, trút bỏ lốt hổ, rồi chạy một mạch về nhà, không được ngoái đầu lại, lên giường nằm thở dốc, như vừa qua khỏi một cuộc vật lộn thực sự. Trong khi đó, mọi người dự hội thi nhau xô vào dẫm, giằng xé lốt hổ để biểu thị sự trừng phạt, đồng thời, lấy được một mảnh lốt để “làm khước”.
Sau hàng giờ diễn ra cảnh “đánh biệt” căng thẳng và hấp dẫn, đèn nến trong đình lại bừng sáng. Đoàn thợ săn trở vào cung dọn sạch cánh rừng, kết thúc lớp trò chính của đêm giã hội bằng các lời ca chúc Thánh, múa bông, mừng thắng lợi.
Đến 4 giờ sáng, đám rước về tới đình, cất long đình và kiệu Ông, hai kiệu Bà vào cung. Kết thúc kỳ hội mà chắc chắn, có một lần theo dõi trọn vẹn nó mọi người mới thấy được vì sao mà từ xưa Tục đánh hổ Hội La đã nổi tiếng với câu ca lưu truyền trong vùng:
Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy
Vui thì vậy, chẳng tầy Giã La.