Xuân Canh Tý đã đến bên thềm với ngập tràn sắc xuân tươi mới len trong đất trời và lòng người
Xuân Canh Tý đã đến bên thềm với ngập tràn sắc xuân tươi mới len trong đất trời và lòng người. Mùa xuân này thêm phần ý nghĩa khi mảnh đất nghìn năm văn hiến Thăng Long hân hoan đón sinh nhật 1010 tuổi. Trên những lớp tầng văn hóa được bồi đắp theo chiều dài lịch sử đất Thăng Long, người Hà Nội hôm nay vẫn đang vun đắp và dựng xây để in những dấu mốc mới trên hành trình gìn giữ và phát huy văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã khẳng định: “Quy hoạch văn hóa là cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt trong lĩnh vực phát triển sự nghiệp văn hóa của Hà Nội”. Thế nên, có thể nhìn thấy những dấu mốc văn hóa trong các con số đã được hiện thực hóa trong năm vừa qua: Thành phố đã hoàn thành vượt kế hoạch 8/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích và 8,29% về dân số, nhưng Hà Nội đóng góp 16,96% giá trị GRDP cả nước, 19% về thu ngân sách, 5,68% về xuất khẩu... Đặc biệt, Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020” đã được thực hiện đồng bộ, tạo sức lan tỏa từ thành phố đến cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Đến nay, cơ bản các mục tiêu đặt ra tại chương trình giai đoạn 2016 - 2020 đều đã hoàn thành. Đó là nền tảng dẫn đường, đưa các chỉ tiêu khác về đích đúng hẹn.
Ở thời khắc của năm kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội 1010 tuổi này nhìn lại, không thể không tự hào với những dấu ấn ghi tên Thủ đô. 20 năm sau ngày được UNESCO trao tặng danh hiệu, Hà Nội vẫn tự hào là Thủ đô duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương được vinh danh “Thành phố Vì hòa bình”. Hà Nội đã trở thành trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, là địa điểm được lựa chọn tổ chức nhiều hội nghị quốc tế quan trọng: Hội nghị cấp cao APEC vào năm 2006, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN, ASEM, IPU-132, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai năm 2019. Những ngày cuối năm 2019, Hà Nội lại được ghi danh trong Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO - một dấu mốc quan trọng để thúc đẩy “nguồn lực văn hóa” và “sáng tạo văn hóa” làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.
Cánh cửa của năm 2020 đã mở ra, đón người Hà Nội bước vào năm cuối cùng thực hiện và phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 5 năm (2015 - 2020); bước vào những sáng tạo mới để ghi dấu ấn Thăng Long - Hà Nội tròn 1010 tuổi; bước vào Đại hội đảng các cấp và các sự kiện trong khuôn khổ Năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020… Cơ hội rộng mở phía trước đồng nghĩa với nhiều thách thức phải gồng gánh trên vai, đòi hỏi người Hà Nội chung sức đồng lòng để biến cơ hội thành hiện thực.
10 nội dung trọng tâm đã được Hà Nội đặt ra nhằm thực hiện thành công các nhiệm vụ năm 2020, trong đó nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2020 ở mức trên 7,5%. Mục tiêu mang nhiều thách thức, song đội ngũ những người làm khoa học, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ... với tiềm năng và nhiệt huyết sẵn có, Hà Nội chắc chắn sẽ có thêm những dấu mốc mới trên hành trình phát triển phía trước.