“Từ phẫn nộ đến can đảm”: Nữ quyền ở các quốc gia nghèo
Bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 ở khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ từ các hội nhóm phụ nữ, phong trào nữ quyền, bình đẳng giới tính đến nay đã lan rộng ra hầu khắp thế giới. Với nỗ lực hơn 100 năm qua của các phong trào, nhận thức về nữ quyền và bình đẳng giới đã có nhiều chuyển biến tích cực trên thế giới và các khái niệm này đã có vẻ hiển nhiên. Nhưng đó là biểu hiện ở các nước phát triển và đang phát triển, còn tại các quốc gia/ vùng lãnh thổ nghèo thì sao?
Là cuốn sách thứ 3 thuộc Tủ sách Que Sera (tủ sách có nội dung về nữ giới) của Book Hunter, Từ phẫn nộ đến can đảm của tác giả Anne Firth Murray bàn về khía cạnh sức khỏe phụ nữ đã bị coi nhẹ như thế nào, nhất là phụ nữ ở các khu vực đói nghèo.
Với 10 chương sách, tác giả Anne Firth Murray cho người đọc thấy thực trạng cuộc sống của phụ nữ ở các nước nghèo: Họ phải trải qua một nền giáo dục chịu không ít phân biệt đối xử cùng những thiếu hụt về giáo dục sức khỏe, giới tính. Đó là các vấn đề về sức khỏe mà họ phải đối diện từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành, là việc phá thai do chọn lọc giới tính, là khả năng tiếp cận thực phẩm mỗi ngày, là khi họ bị bạo hành – lạm dụng và khủng bố, bị mắc kẹt trong các hoàn cảnh xung đột và tị nạn, bị lão hóa trong thế giới của đàn ông…
Trong cuốn sách, Murray đã chỉ rõ các vấn đề mang tính xã hội, đạo đức và chính trị nhiều hơn là y tế, và hơn thế nữa, là những quan điểm để mang đến hy vọng rằng sự thay đổi tích cực có thể xảy ra.
“Một quan điểm về quyền của con người đòi hỏi những điều mà chúng ta phải thừa nhận, ví dụ như giáo dục cho trẻ em gái, không chỉ là một quyết định tốt cho phát triển mà đó còn là yếu tố công lý và quyền cá nhân. Điều đó khiến chúng ta thấy rằng việc dung túng cho lạm dụng tình dục không chỉ là một lựa chọn kinh tế tồi tệ xét về mặt chi phí y tế, mà còn vi phạm quyền toàn vẹn thân thể của phụ nữ. Một quan điểm nhân quyền cho thấy, tử vong ở người mẹ là một bi kịch không chỉ vì nó tước đi quyền được chăm sóc của trẻ em mà còn tước đi quyền được chăm sóc sức khỏe cơ bản của một người phụ nữ” (trích đoạn trong sách).
Khi phải trải qua và chịu đựng quá lâu, và chỉ khi đạt đến sự phẫn nộ, phụ nữ mới có thể vùng lên hành động. Họ đã can đảm thoát khỏi các giới hạn như thế nào? Họ đã bắt đầu đòi lại quyền của mình ra sao?
Cuốn sách giúp người đọc hình dung rõ hơn về tình trạng bất bình đẳng và thiếu lành mạnh đối với phụ nữ ở những quốc gia nghèo cũng như cách họ hành động trong bối cảnh ấy.
Anne Firth Murray (sinh năm 1935) là một nhà hoạt động, tác giả, giảng viên của Đại học Stanford, Mỹ. Bà cũng là chủ tịch sáng lập Quỹ Toàn cầu dành cho Phụ nữ, chuyên gây quỹ và ủng hộ kinh phí cho các nhóm hoạt động nữ quyền trên khắp thế giới. Kể từ năm 2001, Murray giảng dạy về quyền con người và sức khỏe phụ nữ quốc tế tại Đại học Stanford. Bà là thành viên hội đồng quản trị và/hoặc cố vấn cho một số tổ chức, bao gồm CIVICUS, Grass Roots Alliance for Community Education (GRACE), Initiative for Equality (IfE) và No Means No Worldwide (NMNW).
Năm 2005, bà là một trong số hàng nghìn phụ nữ cùng được đề cử giải Nobel Hòa bình. Năm 2022, bà được trao giải Thành tựu nổi bật của Hiệp hội các nhà địa lý nữ