BHYT chi trả 38.272 tỷ đồng
Theo BHXH Việt Nam, trong tháng toàn ngành thực hiện chi BHXH, BHYT, BHTN 29.143 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 5/2018, số chi BHXH, BHYT, BHTN toàn ngành là 122.509 tỷ đồng, đạt 41,62% kế hoạch cả năm; trong đó: chi BHXH từ nguồn ngân sách 18.472 tỷ đồng, chi BHXH từ Quỹ BHXH 62.871 tỷ đồng, chi Quỹ BHTN 2.892 tỷ đồng và ước chi KCB BHYT 38.272 tỷ đồng.
Cũng theo BHXH Việt Nam tính đến nay, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,79 triệu người; BHXH tự nguyện là 240 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp là 11,6 triệu người; bảo hiểm y tế (BHYT) là 81,3 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86,6% dân số.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh thông tin tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 5/2018.
Về công tác giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN, trong tháng, toàn ngành đã giải quyết 10.125 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 85.117 người hưởng trợ cấp 1 lần; 858.380 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Lũy kế 5 tháng đầu năm đã giải quyết 49.765 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết 296.916 người hưởng trợ cấp 1 lần; 3.954.791 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Trong tháng, cả nước có khoảng 15,3 triệu lượt người khám chữa bệnh (KCB) BHYT; lũy kế 5 tháng đầu năm có 70,6 triệu lượt người KCB BHYT.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam phối hợp với ngành lao động - thương binh và xã hội giải quyết cho 72.164 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 2.797 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề. Lũy kế 5 tháng đầu năm, giải quyết cho 205.894 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp,11.528 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.
Liên quan đến việc chi trả chế độ BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam cho biết, trong tháng toàn ngành thực hiện chi BHXH, BHYT, BHTN 29.143 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 5/2018, số chi BHXH, BHYT, BHTN toàn ngành là 122.509 tỷ đồng, đạt 41,62% kế hoạch cả năm; trong đó: chi BHXH từ nguồn ngân sách 18.472 tỷ đồng, chi BHXH từ Quỹ BHXH 62.871 tỷ đồng, chi Quỹ BHTN 2.892 tỷ đồng và ước chi KCB BHYT 38.272 tỷ đồng.
Tiếp nhận xử lý trên 185.000 hồ sơ điện tử
Về cấp và quản lý sử dụng thẻ BHYT, đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tổng số đơn vị đăng ký giao dịch điện tử lên tới trên 302 nghìn đơn vị; số hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử khoảng 2,9 triệu hồ sơ trên tổng số 6,8 triệu hồ sơ giao dịch (tỷ lệ là 42%); trong lĩnh vực cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế đã tiếp nhận xử lý trên 185 nghìn hồ sơ điện tử.
Đặc biệt từ đầu năm 2018 đến nay, số lượng đơn vị đăng ký giao dịch điện tử là 30.606 đơn vị; số hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử hơn 1,7 triệu hồ sơ trên tổng số 4 triệu hồ sơ giao dịch (tỷ lệ là 42,5%); riêng số hồ sơ điện tử trong lĩnh vực cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế đã tiếp nhận xử lý là trên 116 nghìn giao dịch (tỷ lệ 62,7%). BHXH Việt Nam đang nghiên cứu cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử cho người dân tham gia BHYT tại một số địa phương, thay thế thẻ BHYT giấy hiện nay. Việc cấp thẻ BHYT điện tử giúp tiết kiệm chi phí cho ngành BHXH thuận lợi trong khám, chữa bệnh và cơ sở y tế kiểm soát được quá trình khám, chữa bệnh của người bệnh.
Về quản lý khám chữa bệnh BHYT, từ tháng 6/2016, BHXH Việt Nam đã triển khai quyết liệt hệ thống giám định BHYT ban hành kèm theo quyết định 917/QĐ-BHXH về việc ban hành Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin Giám định BHYT; kết nối, liên thông dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bệnh ở 4 tuyến từ cấp Trung ương, tỉnh, huyện và xã. Trong thời gian qua BHXH Việt Nam đã có phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong quá trình tiếp nhận thông tin đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh.
Đến nay, tất cả các cơ sở KCB BHYT đã kết nối, liên thông dữ liệu KCB BHYT trên phạm vị cả nước đến hệ thống giám định BHYT của cơ quan BHXH để thực hiện giám định tự động trên phần mềm. Đây là một cải cách lớn trong quy trình khám chữa bệnh BHYT (Thống kê của BHXH Việt Nam việc cơ sở KCB gửi dữ liệu điện tử theo Quyết định số 4210/QĐ-BYT ngày 20/9/2017: cuối năm 2017 số cơ sở gửi dữ liệu/ số cơ sở ký hợp đồng KCB là 9.686/12.703 cơ sở, chiếm tỷ lệ 76%; Tính đến ngày 28/5/2018 là 12.210/12.528 cơ sở chiếm tỷ lệ 97,46%)…
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tin học hóa trong quản lý KBCB, thống nhất trong giám định và thanh toán BHYT là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế và BHXH, góp phần minh bạch thông tin, đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT. Bệnh nhân có thẻ BHYT đến khám, chữa bệnh sẽ được kiểm tra trực tiếp với CSDL thẻ do cơ quan BHXH cấp, quản lý tránh được tình trạng lạm dụng thẻ, thẻ cắt giảm, hết hạn. Dữ liệu, thông tin liên quan đến khám, chữa bệnh được gửi ngay sau khi bệnh nhân ra viện lên cổng thông tin của cơ quan BHXH và Bộ Y tế để có thể quản lý thông tuyến và thực hiện tạm ứng, thanh quyết toán dựa trên hệ thống thông tin giám định (Công văn 1677/BYT-BH, ngày 28/3/2018 của Bộ Y tế). Sau gần 2 năm đưa vào vận hành, hệ thống thông tin giám định BHYT đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát, giám sát thực hiện các dịch vụ y tế của các cơ sở y tế và người tham gia BHYT, là công cụ hỗ trợ đắc lực dùng để giám sát, cảnh báo những vấn đề bất thường, cung cấp thông tin cho các cơ sở y tế để hoàn thiện và đảm bảo quyền lợi cho người bệnh…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, BHXH Việt Nam cũng chỉ ra một số hạn chế tồn tại về cấp và quản lý sử dụng thẻ BHYT như: Trong quá trình triển khai cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc, như: Việc người dân thay đổi địa bàn cư trú khi đi làm hoặc lập gia đình, chuyển sang hộ mới giữa hộ gia đình kê khai với dữ liệu thẻ không khớp. Thời gian đầu do không hiểu ý nghĩa của cấp mã số BHXH và cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH nên còn thiếu sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, người lao động và người dân trong quá trình triển khai thực hiện, dẫn đến việc cung cấp thông tin chưa chính xác khi thực hiện tờ khai tham gia BHXH, BHYT, dẫn đến việc rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT còn chậm, chưa chính xác, phải rà soát nhiều lần. Đối với quản lý khám chữa bệnh BHYT, việc phối hợp với cơ quan khám chữa bệnh đôi khi còn chưa nhịp nhàng dẫn đến thắc mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT tham gia khám chữa bệnh…
Trong thời gian tới, BHXH tỉnh/ thành phố tiếp tục tập trung rà soát đồng bộ mã số BHXH, đảm bảo mã số BHXH duy nhất cho mỗi người, góp phần đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia cũng như hiện đại hóa hoạt động của ngành BHXH. Duy trì tổ công tác, số điện thoại, đầu mối để giải đáp vấn đề liên quan đến cấp và quản lý thẻ BHYT. Tăng cường phối hợp giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế trong việc xây dựng văn bản hướng dẫn đảm bảo tính thống nhất khi cơ sở KBCB tra cứu thông tin thẻ BHYT của cơ quan BHXH đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đi KCB. Cơ sở khám chữa bệnh BHYT tăng cường hiện đại hóa thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ tốt trong việc đón tiếp, giải quyết thủ tục cho người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh.