Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ vài tháng đầu sau đám cưới. Nhưng đến tháng thứ 4, Lâm bắt đầu bộc lộ ra tính cách thật sự của mình. Nhìn bên ngoài thì Lâm vẫn kiếm tiền đều, không chơi bời tệ nạn gì, hết giờ làm là về nhà. Nhưng thật sự có ở trong chăn mới biết chăn có rận.
Thời gian đầu mới chung sống, nhiều lúc về nhà Ánh không hiểu Lâm khó chịu chuyện gì, mà mặt anh lầm lì, cau có. Cô hỏi, anh không đáp, im lặng đùng đùng đi chỗ khác. Sau đó cô mới biết, thì ra lúc ấy anh còn "nhịn" cô, chưa muốn nói thẳng ra. Tất nhiên chẳng ai nén lòng được mãi. Sau mấy tháng e ngại, Lâm liền bùng phát tất cả khó chịu trong lòng ra ngoài một cách thoải mái, tự nhiên nhất.
Ánh lau dọn còn tí tẹo bụi trên lưng ghế, Lâm cằn nhằn cả buổi. Ánh trót quên 1 chiếc bát bẩn không rửa, Lâm mắng cô xối xả hàng tiếng đồng hồ. Ánh chưa là quần áo cho chồng đã treo vào tủ, Lâm chỉ thẳng mặt cô lên án. Ánh rửa bát xong mệt quá đi tắm trước, chưa lau bệ bếp và khu nấu ăn, Lâm làm như trời sắp sập đến nơi. Ti tỉ thứ, tất cả đều nhỏ nhặt và liên quan đến vấn đề gọn gàng, sạch sẽ.
Vâng, Lâm dường như mắc bệnh sạch sẽ. Mọi thứ xung quanh anh phải bóng loáng, long lanh từ sáng tới tối mới khiến anh hài lòng. Nếu vô tình vương dính 1 hạt bụi cỏn con đã đủ khiến anh ngứa mắt không yên. Và đối tượng bị chỉ trích chính là Ánh – người chịu trách nhiệm dọn dẹp nhà cửa. Việc nhà là của đàn bà – Lâm thuộc nằm lòng câu nói đó. Nhà bẩn khiến anh tột độ khó chịu, song nó chả liên quan đến anh.
Hễ anh mà thấy nhà bẩn – tất nhiên là theo tiêu chí sạch của anh, chứ người ngoài nhìn vào vẫn luôn khen Ánh chịu khó, gọn gàng chán. Là anh nổi khùng lên, dùng những từ ngữ nặng nề nhất để nói vợ. "Ngữ đàn bà vô dụng, chẳng được tích sự gì, dọn cái nhà mà không xong", "bẩn thỉu, luộm thuộm như cô may mà có tôi rước chứ không ma nó lấy", "cô ăn cái gì mà cô ngu thế, tôi nhắc bao nhiêu lần rồi không sửa được"… Vân vân và vân vân, toàn các câu nói khiến người khác tổn thương nặng nề.
Ban đầu Ánh sốc nặng, cô khóc ròng cả đêm. Dần cô chai lì, Lâm thì không thể thay đổi, cô chỉ còn cách nín nhịn tránh cho cãi vã nảy lửa. Nhưng cô càng nhường thì Lâm càng được nước làm tới, Ánh nhiều lúc cảm thấy mọi chuyện đang quá sức chịu đựng của mình. Đây đích thị là một kiểu tra tấn tinh thần người khác không kém!
Hôm đó, đang ngồi ăn cơm. Ánh lỡ làm rơi mấy hạt cơm ra sàn nhà. Nhưng cô lại không nhìn thấy, vẫn tiếp tục ăn cơm. Đột nhiên Lâm đặt mạnh chiếc bát xuống mâm, quắc mắt nhìn cô, gầm gừ: "Cô nhìn xuống chân mình đi, cô làm ra cái việc gì thế hả? Ăn cơm kiểu gì để rơi vãi? Rơi không nhặt lên ngay, tí nữa đi dẫm vào thì biết mặt…". Sau đó là những từ "vụng thối vụng nát", "hạng phụ nữ vứt đi", "chắc phải mang về để bố mẹ dạy lại"… phát ra từ miệng Lâm.
Một cảm giác chán nản cùng cực lan tỏa khắp toàn thân Ánh. Tại sao cô phải chịu đựng những điều này? Và cô có nín nhịn được cả đời hay không? Sau này con cô sẽ thế nào khi ngày ngày chứng kiến cảnh bố mẹ chúng hằm hè, chửi mắng, xúc phạm nhau? Hơn nữa, chút cảm tình cô có ban đầu với Lâm giờ cạn kiệt hoàn toàn, chỉ còn chán ghét và ghê sợ. Với tất cả những điều đó, cô còn lí do gì để tiếp tục cuộc hôn nhân này?
"Chúng ta ly hôn đi", Ánh nhẹ nhàng để bát cơm xuống, nhìn Lâm gằn từng chữ. Lâm sững người lại một lát, rồi cười phá lên: "A ha. Được thôi, ly hôn thì ly hôn. Cô tưởng tôi sợ chắc? Hay tôi báu bở cô lắm ấy. Nói thật tôi cũng chán ngấy cô rồi. Tôi cố chịu đựng, bao dung cho cô mà cô không biết điều, thì tôi đành mặc kệ, sau này đừng có hối hận hay oán trách gì tôi nhé". Ánh im lặng không đáp lời.
Ánh và Lâm nhanh chóng hoàn tất thủ tục ly hôn trong cái nhìn ngỡ ngàng, ngạc nhiên của mọi người. Ai cũng thắc mắc lí do chia tay của vợ chồng cô, bởi nhìn qua thì hình như hôn nhân của Ánh và Lâm đâu có vấn đề gì lớn. Anh cười nhạt, chả biết giải thích ra sao. Nếu nói cô ly hôn với Lâm vì mấy hạt cơm rơi trên sàn nhà thì liệu người nào tin?