Trao 8 giải thưởng cho các tài năng nghệ thuật sáng tạo Việt Nam
Chiều ngày 5/9, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) phối hợp với Quỹ Dàn nhạc Trẻ Thế giới (WYO) tổ chức lễ trao giải Dự án “Âm thanh tình anh em, khám phá các tài năng - Sounds of Brotherhood".
Tới dự lễ trao giải có PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; ngài Marco della Seta - Đại sứ Cộng hòa Italy tại Việt Nam; Nhạc trưởng Damiano Giuranna - Giám đốc Âm nhạc, Quỹ Dàn nhạc trẻ Thế giới (World Youth Orchestra); bà Meggie Nguyễn Vũ Hoàng Minh - Giám đốc TEMIX SPACE Việt Nam; ông Ngô Thanh Tùng - Giám đốc Đại học Greenwich Việt Nam cơ sở Hà Nội cùng đông đảo các nghệ sĩ.
Dự án “Âm thanh tình anh em - Sounds of Brotherhood” đặt ra những mục tiêu quan trọng như: Thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới, cung cấp những cơ hội tiếp xúc, hỗ trợ phát triển chuyên môn, thúc đẩy sự hoà nhập và đa dạng, tạo điều kiện kết nối và hợp tác… ở cả ba lĩnh vực: nghệ thuật thị giác, âm nhạc và sân khấu.
Ngài Marco Della Seta - Đại sứ nước Cộng hòa Italy tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng khi Việt Nam được chọn là điểm đến đầu tiên của dự án “Âm thanh tình anh em” tại Đông Nam Á, và tự hào được hỗ trợ sáng kiến này. Chúng tôi cho rằng dự án này có đóng góp quý báu trong việc thúc đẩy giao lưu giữa nhân dân 2 nước Italy – Việt Nam. Dự án này là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa các thể chế, văn hóa và nền học thuật của hai nước”.
Chỉ sau 3 tháng phát động, VICAS đã nhận được 58 hồ sơ ở các hạng mục: Nghệ thuật thị giác (43 hồ sơ), Âm nhạc (9 hồ sơ), Sân khấu (6 hồ sơ).
Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh: “Để có được kết quả này, chúng tôi đã khá khó khăn cho việc lựa chọn, bởi hầu hết các hồ sơ tác phẩm gửi đến đều có chất lượng nghệ thuật cao, tính sáng tạo, độc đáo và cách các nghệ sĩ kể câu chuyện nghệ thuật của mình vô cùng độc đáo, đa dạng. Với số lượng hồ sơ lớn như vậy, chúng tôi hiểu rằng cộng đồng nghệ thuật, nghệ sĩ ở Việt Nam đang rất lớn mạnh và đa dạng ở rất nhiều loại hình. Với vai trò là cơ quan tổ chức, chúng tôi sẽ coi đây là động lực để có thể kết nối với nhiều hơn các quỹ, các tổ chức ủng hộ cho cộng đồng nghệ thuật ở Việt Nam.”
Sau các vòng chấm giải, Ban tổ chức đã chọn ra 8 tác phẩm xuất sắc nhất.
Ở lĩnh vực Nghệ thuật thị giác có các tác phẩm: “Chúc nghỉ ngon” của Trần Thảo Miên, “Bọ” của Bùi Bảo Trâm, “San hô trắng” của Nguyễn Thị Mỹ Dung, “Thế giới trong mơ” của Bùi Duy Mạnh và Lưu Trọng Việt.
Ở lĩnh vực Âm nhạc, Ban tổ chức trao giải cho Nguyễn An Như với tác phẩm “Hương sen Đồng Tháp” và Nguyễn Ngọc Tú với tác phẩm “Ballet Symphony Hoài Văn Hầu-Trần Quốc Toản”.
Ở lĩnh vực Sân khấu, có hai tác phẩm được trao giải là “Kịch câm trở lại” của Nguyễn Hoàng Tùng và “Cơ thể 0” của Trần Diễm Phương.
Nhạc trưởng Damiano Giurania – Giám đốc âm nhạc, người sáng lập Quỹ World Youth Orchestra cho biết: “Trong xã hội ngày nay, việc thúc đẩy sáng tạo và trí tưởng tượng như một công cụ đặc biệt cho sự phát triển của nền văn minh là rất quan trọng. Nghệ thuật là công cụ cơ bản để đạt được những điều này. Do đó, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Viện VHNTQGVN, các nhà tài trợ, đặc biệt là team Temix Space Việt Nam và Đại sứ quán Italy đã tin tưởng, hỗ trợ và quảng bá một dự án tôi tin là có ý nghĩa cho các nghệ sỹ Việt Nam”.
Để có được kết quả trên, đội ngũ triển khai dự án từ VICAS đã nỗ lực hết mình trong việc truyền tải thông tin, hướng dẫn những cá nhân, nhóm nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam. Bên cạnh đó là sự tham gia ủng hộ cộng đồng giới trẻ của nhiều nghệ sĩ, họa sĩ thành danh. VICAS mong muốn đem đến cơ hội nhiều hơn, hiểu biết nhiều hơn trong việc tiếp cận tới các nguồn tài trợ cho nghệ thuật không chỉ ở Việt Nam và thế giới./.