Trần Huyền Trân

Trần Huyền Trân| 25/10/2019 15:14

Tên thật Trần Đình Kim, sinh ngày 13/9/1913, mất ngày 24/4/1989. Trần Huyền Trân đăng thơ từ 1939. Hơi thở cổ kính, mực thước, cũng có một khí vị phiêu bạt, bi phẫn, gần với Thâm Tâm và Nguyễn Bính (Nguyễn Bính giai đoạn thị thành đa đoan và vó ngựa chung tình bánh xe).

Trần Huyền Trân

Thu

Mưa bay trắng lá rau tần
Thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa
Có người về khép song thưa
Để rêu ngõ trúc tương tư lá vàng
I. Uống rượu

Cụ hâm rượu nữa đi thôi
Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu
Rồi lên ta uống với nhau
Rót đau lòng ấy vào đau lòng này.
Tôi say?
Thưa, trẻ chưa đầy
Cái đau nhân thế thì say nỗi gì
Đường xa ư cụ?
Quản chi
Đi gần hạnh phúc là đi xa đường.

Tôi là nắng - Cụ là sương
Tôi bừng dậy sớm, cụ nương bóng chiều
Gió mưa tóc cụ đã nhiều
Lòng còn gánh nặng bao nhiêu khối tình.
Huống tôi mái tóc đang xanh
Vâng, tôi trăm thác ngàn ghềnh còn đi
Với đời một thoáng say mê
Còn hơn đi chán về chê suông đời.

Rót đi, rót rót đi thôi!
Rót cho tôi cả mấy mươi tuổi đầu
Nguồn đau cứ rót cho nhau
Lời say sưa mới là câu chân tình.

II. Nhớ nhau

Mờ mờ mưa luống rau xanh
Nắng còn thoi thóp như tình tiễn đưa
Trông mưa chạnh nhớ đời thơ
Với người hôm ấy cũng mưa âm thầm.

Người là một kiếp thi nhân
Tóc xanh đã nhuộm mấy lần biển dâu
Nhà người bên một dòng sâu
Xác xơ khóm trúc, hàng cau lạnh lùng
Hồn thơ về lánh bụi hồng
Quyển vàng, tóc bạc nằm chung một lều
Có đàn con trẻ nheo nheo
Có dăm món nợ eo sèo bên tai
Chừng lâu rượu chẳng về chai
Nhện giăng giá bút một vài đường tơ
Nghiên son lớp lớp bụi mờ
Mọt ôn tờ lại từng tờ cổ thi.

Phải đây là bóng tôi kia
Con đò bến cũ đi về phong ba
Nhìn tôi người bỗng cười khà
"Đời là thế ấy - Ta là thế thôi!"
Tôi giờ ngược ngược, xuôi xuôi
Rót vào lòng khắp tình người hợp tan.

Chiều nay chiều dệt mưa vàng
Tôi buồn trông bóng nắng tàn trong mưa.
Độc hành ca

(Trích)
Ớ kìa! Thiên hạ đang say
Ớ kìa tay nắm nghìn tay đang cười!
Nhớ ngươi nhạt thếch rượu đời
Tay vo chỏm tóc ta ngồi ta ca.

Tình tang lỗi nhịp mình ta
Thương về đầu bạc xót ra má hồng
Đèn chong ai vợ không chồng
Võng đưa ai mẹ bế bồng không con
Nằm đây thép rỉ son mòn
Cái đi mất mát, cái còn lần khân
Cúi đầu bóng rét vương chân
Ngẩng lên đã đụng giời xuân trên cành
Không vui sâu cỏ không đành
Mà cười nghe chửa ngọt lành trái mơ.
Đã toan ném bút vùi thơ
Thõng buông tay áo sợ dơ dáng đời
Trót thừa ừ ngược, ừ xuôi
Chút thân tâm sự ra người hát ngao
Giao tình tợp chén chiêm bao
Ngựa Hồ thôi gió bấc nào đạp chân
Đây người áo đỏ tầm xuân
Đấy đi tang trắng mấy lần trùng quan.
Không dưng rét cả dây đàn
Này cung dâng áo ngự hàn là đây…

Tương tư

Em ơi! Đã có đêm nào
Bóng con chim mộng bay vào màn em
Mỏ hiền thỏ thẻ thưa duyên:
Sao hoa dạ hợp từng đêm ngậm sầu?
Phải đây mùa nhớ thương nhau
Chim ngoài ngọn gió, hoa đầu cành mưa.
Biết yêu thì khổ có thừa
Hình dung một thoáng tương tư chín chiều
Xa nhau gió ít lạnh nhiều
Lửa khuya tàn chậm mưa chiều đổ nhanh
Bóng đơn đi giữa kinh thành
Nhìn duyên thiên hạ nghe tình người ta.
Đêm về hương ngát bên hoa
Tỉnh ra thì lại vẫn là chiêm bao!

Sầu chung

Tặng Quách Thị Hồ
Tự cổ sầu chung kiếp xướng ca
Mênh mang trời đất vẫn không nhà
Người ơi! Mưa đấy hay xênh phách
Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa

Đời bảo nơi đây cõi mộng hờ
Lòng ai sa mạc chả mong mưa
Canh tàn rũ áo còn lau mắt
Bụi đã vương đầy nghĩa tóc tơ.

Thôi khóc chi ai sống đọa đầy
Tỳ bà tâm sự rót nhau say
Thơ tôi gửi tặng người ngâm nhé
Cho vút giọng sầu tan bóng mây.

Xóm nghèo

Bão lên! Rồi bão lại lên
Một trời tang tóc trùm trên đất nghèo

Con chim mất tổ còn kêu
Bao nhà tan nát bao lều xác xơ
Chợ tàn không ngọn rau dưa
Mẹ ôm con vẫn ngác ngơ trông giời:
“- Mẹ ơi! Bão đã tan rồi
Con ơi! Còi rú liên hồi đấy con".

Bão tan lại báo động dồn
Xóm nghèo đạn lạc đã chôn cha rồi
Mẹ con vừa nói dứt lời
Ào ào gió rít mẹ rời tay con
Còn gì sau một trận bom
Xóm nghèo lại mấy hố chôn xác đầy.

Thơ ơi! Hãy chắp nghìn tay
Cho tôi ôm lấy đất này đau thương.

Hải Phòng 
19/11/1946
...
Hải Phòng sừng sững đứng lên
Hải Phòng ghê gớm!
Hải Phòng xưa Pháp treo cờ trắng
Hải Phòng nay vụt cờ hồng!
Hải Phòng chẳng bó tay đau đớn
Hải Phòng trấn cõi biển Đông!
Hải Phòng!
Nẩy lửa trong lòng Nhà hát lớn
Mười ba quyết tử cười hơn hớn
Còn viên đạn cuối cùng!
Nhà hát rung…
Cong véo cầu Ca-rông
Ga An Dương bẹp dí
Máy rú gầm không khí
Bom rơi đầy đồng
Đêm về… vườn trống, nhà không.
Cây đổ hiện lên chiến sĩ
Gạch vụn hiện lên anh hùng
Cả quán Bà Mâu, cả Cánh Gà, cả Hạ Lý,
Cả những gái Pháp kêu “đồ đĩ”
Cả những trai Nhật gọi “lưu manh"
Cả những anh “bấu xấu, voi xanh"
Nửa đêm nay dao bầu, gậy bẫy
Đi băm nát thời nô lệ ấy.
Mình băng lên đại lộ Hồ Chí Minh
Biết bao anh hùng, liệt sĩ vô danh!

Gửi Thanh Châu 

Để kỷ niệm những ngày đã chung sống trên Tao đàn gác Tân Dân 
và gần đây nhất là tìm nhau cho tuần báo Văn nghệ

Đội nắng đi tìm nhau
Vì đời đã biển dâu
Tóc xanh giờ điểm bạc
Đâu biết “cái trong đầu".

.....................................................................
Thơ tuyển rút từ tập “Thơ Trần Huyền Trân tuyển tập”, 
NXB Văn học 2001
(0) Bình luận
  • Chùm thơ của tác giả Minh Huế
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Minh Huế.
  • Chùm thơ của tác giả Lê Minh Tý
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Lê Minh Tý.
  • Trước mùa thu tới
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trước mùa thu tới của tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
  • Chùm thơ của tác giả Nguyễn Đăng Độ
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Nguyễn Đăng Độ.
  • Chùm thơ của tác giả Nguyễn Văn Mạnh
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Nguyễn Văn Mạnh.
  • Dưới trăng
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Dưới trăng của tác giả Dương Văn Lượng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • Trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc
    Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc khai mạc trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc với hơn 600 hiện vật quý hiếm, với nhiều loại hình và chất liệu phong phú.
  • Hà Nội: Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
    UBND Thành phố Hà Nội vừa có công văn gửi các Sở, ngành, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Trần Huyền Trân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO