Bộ phim Sóng ở đáy sông được nhà làm phim khai thác thành công từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lê Lựu.
Văn học nghệ thuật có vị thế như thế nào trong bối cảnh công nghiệp văn hóa đang tạo đà phát triển liên tục và bền vững? Không có con đường nào khác là văn học nghệ thuật phải tự thay đổi nội dung và hình thức, đặc biệt là phương pháp sản xuất, quảng bá, tồn tại. Nói triết lý thì, ta thay đổi vậy thì ta tồn tại. Không phải loài mạnh, không phải loài thông minh, biết thích nghi thì loài đó tồn tại. Cái gì tồn tại cái ấy là hợp lý - một triết gia đã minh định như thế.
Quan tâm đến văn hóa đại chúng - văn chương đại chúng như một thực thể khi hành nghề chữ, thiết nghĩ là một dấu chỉ đo tính nhạy bén (thích nghi) của nhà văn trước thời cuộc. Đã qua thời nhà văn viết theo ý thích của mình mà không cần biết công chúng cần gì của thời bao cấp. Khi vào thị trường (định hướng xã hội chủ nghĩa) thì mọi hoạt động của con người đều chịu sự điều tiết của nó. Người đọc văn chương đại chúng đã thay đổi căn bản (xét về học vấn, đặc điểm tâm lý, thị hiếu thẩm mỹ, điều kiện kinh tế, không gian sống và công việc,...). Thiết nghĩ, "công nghiệp văn hóa", với ý nghĩa là sản phẩm mang tính đặc trưng thời đại, là “con đẻ” của văn hóa đại chúng. Vấn đề đặt ra là nhà văn cần tìm được khách thế tồn tại trong bối cảnh và không khí mới. Xét trong 7 ngành tiêu biểu của công nghiệp văn hóa, văn chương vẫn có thể tìm ra cách thức dung hợp, tồn tại hợp lý, có hiệu quả.
Đầu tiên là câu chuyện của văn chương và công nghiệp xuất bản. Công nghiệp xuất bản hình thành và phát triển vào thời hiện đại (thế kỷ XX) khi văn minh Âu châu vào Việt Nam. Theo số liệu từ Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và truyền thông, hiện Việt Nam có 55 nhà xuất bản (trong đó, 43 nhà xuất bản cấp Trung ương, 12 nhà xuất bản cấp địa phương), doanh thu năm 2020 là 2.700 tỷ đồng với 33.000 đầu sách/ 410 triệu bản sách. Tuy nhiên, đầu sách văn chương còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn, hơn thế chỉ số đọc sách của người Việt Nam (1 người 1 cuốn/năm) còn quá ít so với khu vực và thế giới. Chúng ta đang cố gắng chấn hưng văn hóa đọc cho các thế hệ tương lai. Hiện nay đang có cuộc giao tranh trong lĩnh vực sách văn chương giữa sách hay và sách bán chạy (best-seller); điều hòa tương quan này ngoài trách nhiệm của cấp quản lý Nhà nước còn là trách nhiệm của nhà văn trước cộng đồng. Sách là biểu trưng văn hóa - hồn cốt dân tộc. Gần đây một số nhà xuất bản như: NXB Phụ nữ, NXB Trẻ, NXB Kim Đồng đã bứt phá ngoạn mục khi ấn hành nhiều sách hay và sách bán chạy (tác phẩm của các nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Phan Thúy Hà, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư...). Hơn lúc nào nhà văn đóng vai trò quan trọng thúc đẩy công nghiệp xuất bản bằng những tác phẩm có chất lượng cao được xã hội chấp nhận. Xu hướng nhà văn tự tổ chức in và phát hành tác phẩm của mình đang là yếu tố kích cầu công nghiệp xuất bản.
Hơn nữa là câu chuyện của văn chương và công nghiệp giải trí. Trước đây do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, chúng ta đề cao chức năng nhận thức và giáo dục của sách văn chương, chức năng giải trí chưa được chú ý đúng mức. Nhưng cứ thử đọc lại phần kết tuyệt phẩm Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du vẫn cứ hạ bút viết: “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh”. Công nghiệp giải trí được ví như một thứ “khủng long” ngoạm vào thị phần sinh hoạt tinh thần của con người thời đại. Vậy văn chương can dự vào thị phần đó theo cách nào? Rõ ràng văn hóa nghe nhìn đang lấn sân, bành trướng, đẩy văn hóa đọc ra ngoại vi, xa trung tâm văn hóa, vì thế có không ít người lo lắng cho một “văn chương lâm nguy” (trong truyền thống văn hóa Việt Nam, văn chương là trọng tâm, nếu không nói là tất cả). Trong bối cảnh văn hóa đại chúng, văn chương có khả năng đem lại năng lượng giải trí (có tác dụng thư giãn, cân bằng tâm thế, phóng chiếu tinh thần, gia tăng khoái cảm,...) trong các thể loại truyện khoa học viễn tưởng, kinh dị, trinh thám, kiếm hiệp, ngôn tình, du ký, tự truyện, hồi ký, truyện tranh (manga) - đang là món hàng “hot” (tuy nhiên trẻ em chúng ta đang chỉ đọc loại sách này của Nhật Bản, Hàn Quốc, đây là thị phần rất mở với ngành công nghiệp xuất bản).
Bên cạnh đó còn là câu chuyện của văn chương và công nghiệp âm nhạc, công nghiệp điện ảnh/ công nghiệp truyền hình. Không còn nghi ngờ gì khi âm nhạc nương tựa vào văn chương, mượn chữ thơ để chế tác ca từ, phổ nhạc các thi phẩm vượt thời gian. Thơ hay của Nguyễn Bính, Hữu Loan, Chính Hữu, Nguyên Sa, Phạm Thiên Thư, Viễn Phương, Hoài Vũ, Vũ Quần Phương, Hữu Thỉnh, Xuân Quỳnh, Đỗ Trung Quân, Lê Huy Mậu... được các nhạc sĩ tài danh phổ nhạc, đã đi vào lòng công chúng thưởng thức âm nhạc. Cùng với đó, trong nghệ thuật thứ bảy đang có xu hướng Việt hóa (phiên bản nước ngoài), tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tình thế. Xét về lâu dài, các nhà làm phim cần biết cách khai thác mỏ vàng - các tác phẩm văn chương cổ điển và hiện đại Việt Nam để có bột gột nên hồ. Công việc này đã được tiến hành, nay càng cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Những bộ phim Thời xa vắng, Bến không chồng, Ăn mày dĩ vãng, Sóng ở đáy sông, Ma làng, Đất và người, Luật đời, Một thế giới không có đàn bà, Truyền thuyết về Quán Tiên... đều được phôi thai từ tác phẩm văn chương.
Ngoài ra, nghe có vẻ xa xôi vì không có liên quan gì giữa nghệ thuật ngôn từ với du lịch và thể thao. Nhưng xem xét kỹ thì vẫn có “họ hàng xa”, như: nhà thơ Anh Ngọc viết Ba cuộc đời và một trái bóng (ký) được văn giới và giới túc cầu hâm mộ. Khách du lịch về Hạ Long (Quảng Ninh), sẽ ghé thăm núi Bài Thơ và chiêm bái thi phẩm khắc trên vách Truyền Đăng của vua Lê Thánh Tông. Các tour du lịch chắc chắn sẽ càng trở nên thú vị khi có sự đồng hành của văn chương.