Tín hiệu vui của Du lịch Thủ đô

An Nhi/HNM| 21/02/2018 10:40

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất kéo dài 7 ngày, là thời điểm “vàng” để mọi người chọn cho mình chuyến khởi hành ý nghĩa đầu xuân. Tại Hà Nội, với sự tăng trưởng về lượng khách và số thu đã được ghi nhận, ngành Du lịch Thủ đô đã có những ngày đầu năm bận rộn nhưng hiệu quả.

Tín hiệu vui của Du lịch Thủ đô
Du khách quốc tế thích thú chụp ảnh một em bé Việt Nam trong trang phục áo dài truyền thống dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Ảnh: Nhật Nam

Hấp dẫn điểm đến Hà Nội 

Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, những không gian mang đặc trưng Tết Hà thành như Hội chữ Xuân Mậu Tuất tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, “Tết Việt” tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long hay khu phố cổ Hà Nội… đón không ít du khách quốc tế tham gia trải nghiệm. Williams Hocking, người Australia, chủ định chọn đến Việt Nam du lịch đúng dịp Tết Nguyên đán năm nay theo gợi ý của cô bạn người Việt công tác cùng anh. Trong những ngày giáp Tết, Williams được đưa đến chợ hoa Hàng Lược - Hàng Mã, vườn đào, vườn quất ở khu vực gần hồ Tây, tham quan Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, bước vào không gian Tết tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ và đến nhà bạn bè để tìm hiểu về phong tục đón Tết của người Việt. Anh kể, mình đã tham gia cùng người dân Thủ đô đón Giao thừa, xem pháo hoa tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và sau đó cùng bạn về “xông đất”, nhận lì xì ở nhà bạn. Điều ấn tượng với Williams trong những ngày này là không khí rộn ràng và màu sắc lễ hội rực rỡ. Anh thấy người dân Thủ đô ai cũng tươi vui, thân thiện. “Có thể năm sau tôi sẽ đi cùng bố mẹ đến Việt Nam đúng vào dịp Tết”, Williams Hocking bày tỏ.

Dịp Tết Nguyên đán năm nay, Hà Nội đón lượng khách tăng đáng kể so với năm trước, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Theo tổng hợp của Sở Du lịch Hà Nội, ước tính, trong 7 ngày nghỉ lễ, từ ngày 14 đến 20-2 (tức 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng năm Mậu Tuất), lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 374.560 lượt, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng nói là lượng khách du lịch quốc tế trong dịp Tết Nguyên đán đạt khoảng 124.500 lượt, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, lượng khách lưu trú đạt gần 89.700 lượt, tăng 31% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán đạt khoảng 1.280 tỷ đồng, tăng 19% so với dịp Tết năm 2017.

Theo thông tin từ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP Hà Nội, khách du lịch từ 146 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đến Hà Nội trong dịp này, trong đó, chủ yếu là khách từ thị trường trọng điểm của Hà Nội như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Đức, Australia, Malaysia và Thái Lan…

Tuy không tổ chức không gian đi bộ tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu vực phố cổ trong những ngày Tết Nguyên đán nhưng trong đêm Giao thừa (ngày 15-2) và bắt đầu từ ngày mùng 3 Tết, lượng khách thưởng ngoạn không khí đón xuân tại đây khá tấp nập. Nhiều cửa hàng dịch vụ đã khai xuân phục vụ du khách. Các dịch vụ vẽ tranh truyền thần, ký họa chân dung, viết chữ bằng mực Tàu, nặn tò he… hấp dẫn du khách hơn cả. Một số điểm tham quan đón lượng khách đáng kể trong dịp này là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (tăng 30% so với Tết Nguyên đán 2017), Khu di tích Hoàng thành Thăng Long trong ngày mùng 1 và mùng 2 Tết đón 12.557 lượt khách (tăng 55,4% so với cùng kỳ năm 2017), Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn đón 70.000 lượt khách trong 3 ngày Tết (tăng 22% so với cùng kỳ năm trước)…

Du xuân muôn nơi

Hiện nay, nhiều người dân Thủ đô thích đi du lịch và đón xuân mới tại những miền đất khác thay vì chỉ ở Hà Nội. Gia đình chị Phùng Thu Hoài, cán bộ ngân hàng, nằm trong số đó. Thái Lan là điểm đến mà gia đình chị bay đến ngay từ chiều mùng 1 Tết, sau khi đã đón Giao thừa và thực hiện nghi thức cúng gia tiên tại căn nhà nhỏ của mình. Từ TP Pattaya biển xanh, nắng vàng, chị Phùng Thu Hoài chia sẻ: “Mọi sinh hoạt, dịch vụ ở Thái Lan vẫn như ngày thường, không bị tăng giá do người Thái không ăn Tết như mình. Hướng dẫn viên Việt Nam theo đoàn nhiệt tình, vui vẻ nên đã đem lại cho chúng tôi một kỳ nghỉ trọn vẹn”.

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Hanoi Red Tours, khách du lịch thường chọn xuất hành từ ngày mùng 2 Tết. Các điểm đến được nhiều người Hà Nội lựa chọn là Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa (Lào Cai), Đồng Văn (Hà Giang), Nha Trang (Khánh Hòa) và các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Tây Nam Bộ. Tour nước ngoài được người dân Hà Nội ưa chuộng là Nhật Bản, Hàn Quốc và những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á do được miễn visa, dễ dàng đi cả gia đình. Trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đều đón và đưa lượng khách du lịch tăng so với cùng kỳ năm trước, tiêu biểu là Công ty cổ phần Lữ hành quốc tế Kim Liên (tăng 300%), Công ty Saigon Tourist tại Hà Nội (tăng 5%), Công ty Du lịch Bến Thành tại Hà Nội (tăng 18%), Công ty Vietravel chi nhánh Hà Nội (tăng 30%), Công ty Hanoi Red Tours (tăng 49%)…

Nhiều cơ sở lưu trú trên địa bàn Thủ đô và khu vực lân cận đã tích cực trang hoàng và tổ chức các hoạt động tạo không khí Tết Việt truyền thống để giữ chân du khách. Đặc biệt, Công viên Thiên đường Bảo Sơn (Lê Trọng Tấn, Hoài Đức, Hà Nội) tổ chức chương trình lễ hội hòa âm ánh sáng “Light music festival” và lần đầu tiên mở cửa đón khách vào ban đêm; Khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải Resort (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) có hội xuân “Hương sắc Tết Việt” hấp dẫn nên những ngày qua đã đón nhiều du khách đến tham quan, lưu trú.

Trước và trong dịp Tết Nguyên đán, Sở Du lịch Hà Nội đã cử đoàn kiểm tra tới một số điểm đến tiềm năng như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, đền Quán Thánh…; kiểm tra các hướng dẫn viên, lái xe vận chuyển khách du lịch, nhắc nhở họ thực hiện đúng quy định. Các khu, điểm đến đều được kiểm tra việc chuẩn bị đón khách, đặc biệt là công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… Các doanh nghiệp lữ hành cũng được kiểm tra, giám sát việc thực hiện đưa, đón khách trong dịp này.

Lượng khách ấn tượng, chất lượng dịch vụ tăng, chưa thấy ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân và khách du lịch liên quan đến môi trường du lịch, điều kiện bảo đảm an ninh, an toàn cho khách trong những ngày đầu Xuân Mậu Tuất. Đó là tín hiệu vui đối với ngành Du lịch Thủ đô trong năm mới.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Tín hiệu vui của Du lịch Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO