Tìm hiểu cha đẻ của sút phạt đền

Đức Thiện/CA.TP.HCM| 05/09/2017 15:04

Từ lâu, sút phạt đền hay còn gọi là sút luân lưu, trở thành một phần không thể thiếu trong bóng đá. Nó có thể mang yếu tố quyết định số phận của trận đấu, hay thậm chí quyết định cả nhà vô địch của một giải đấu.

Ý tưởng của…thủ môn

Nỗi ám ảnh lớn nhất với các thủ môn là chứng kiến trọng tài thổi còi và chỉ tay vào chấm phạt đền. Đó là cuộc đối đầu riêng tư giữa thủ môn và cầu thủ đối phương, với chỉ một quả bóng ngăn cách hai người ở cự ly 11 mét. Người thất thế hơn thường là thủ môn.

Thế nhưng không nhiều người biết rằng sút phạt đền được cho ra đời từ ý tưởng của một…thủ môn. William McCrum sinh ra ở ngôi làng nhỏ bé Milford, hạt Armagh, nay thuộc Bắc Ireland năm 1865. Cha ông là triệu phú Robert McCrum. Gia đình McCrum trở nên giàu có nhờ kinh doanh vải sợi. William là con trai duy nhất của ông Robert, và vì vậy được kỳ vọng sẽ nối tiếp nghiệp kinh doanh của gia đình. Thế nhưng, William lại đam mê thể thao từ bé và khi lớn lên, ông quyết định trở thành một thủ môn bóng đá.

Vào cuối những năm 1880, McCrum khi đó thi đấu cho đội bóng nhỏ trên quê hương Ireland của mình. Chán nản với việc những cầu thủ bị phạm lỗi trong vòng cấm chỉ được hưởng một quả phạt trực tiếp có hàng rào, góc sút hẹp và dễ dàng bị cản phá, ông nảy ra sáng kiến mới.

McCrum chậm rãi lên ý tưởng về cuộc đối đầu cá nhân chỉ diễn ra giữa thủ môn và cầu thủ sút phạt, và cú sút được thực hiện ở khoảng cách 11 mét. Ông cho rằng giải pháp này sẽ công bằng hơn đối với trường hợp một cầu thủ bị phạm lỗi trong vòng cấm.

McCrum đề xuất ý tưởng lên Liên đoàn Bóng đá Ireland năm 1890 và hy vọng nó sẽ được trình lên Ủy ban Bóng đá Quốc tế (IFB – thời điểm này FIFA chưa được thành lập). Tuy nhiên, nó nhanh chóng vấp phải chỉ trích của giới chuyên môn và báo chí. Nhiều người cho rằng giải pháp này vi phạm “đạo đức” trong bóng đá khi cầu thủ và thủ môn phải sử dụng những mánh khóe, chiêu trò để đánh lừa đối phương.

Sau cùng, nhận thấy sự hiệu quả từ ý tưởng này, ngày 2 tháng 6 năm 1891, Luật sút phạt đền được xếp vào Điều 13 Luật bóng đá lúc bấy giờ. Tuy nhiên, cha đẻ của nó, William McCrum, dần bị lãng quên.

Sáng kiến của McCrum nhanh chóng được áp dụng trên toàn cầu ở cả các trận đấu nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp. Cho đến nay, sút phạt đền trở thành một trong những yếu tố không thể thiếu trong bóng đá.

Cú lốp Panenka

Sút phạt đền thường thiên về khía cạnh tâm lý hơn kỹ năng. Nhờ đó nó không chỉ đem đến cơ hội chiến thắng cho một đội bóng mà còn mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.

Trước năm 1978, hầu hết các trận đấu loại trực tiếp tại World Cup chưa phân định thắng thua bằng sút luân lưu. Các đội sau khi hòa nhau sẽ phải đá lại. World Cup chỉ mới bắt đầu áp dụng luật phạt đền vào năm 1978. Tuy nhiên năm đó, không có trận đấu nào phải giải quyết thắng thua bằng cách này.

Phải đến kỳ World Cup tiếp theo diễn ra vào năm 1982, người ta mới được lần đầu chứng kiến một trận đấu áp dụng thể thức sút luân lưu. Đó là trận bán kết giữa Tây Đức và Pháp sau khi hai đội hòa nhau 3-3 sau 120 phút. Tây Đức là những người có được chiến thắng chung cuộc 5-4 ở loạt sút phạt đền.

Sau này nhiều cầu thủ sáng tạo ra những hình thức sút phạt đền kiểu mới. Một trong số đó ra đời trong trận chung kết Euro 1976. Antonin Panenka lãnh nhận trọng trách thực hiện cú sút quyết định cho Tiệp Khắc khi đội của ông đang dẫn trước người Đức 4-3 trong loạt sút luân lưu. Ông bước lên, chậm rãi tiến về trái banh và tung chân về phía quả bóng. Tưởng như đó sẽ là một cú sút mạnh về hai phía khung thành, và thủ thành Sepp Maier đã đổ người về bên trái. Nhưng Panenka đã đánh lừa tất cả mọi người, khi chỉ thực hiện pha lốp bóng nhẹ nhàng vào chính giữa cầu môn.

Về sau này, cái tên Panenka được đặt cho kiểu sút phạt đền như vậy. Kiểu sút Panenka cũng được không ít ngôi sao hàng đầu thế giới áp dụng khi cần đến, điển hình như Zidane, Pirlo, Ramos, Messi,…

Luật sút ABBA

Từ năm nay, một luật sút phạt đền mới được chính thức ra đời có tên gọi là ABBA. Đây không phải tên của ban nhạc đình đám đến từ Thụy Điển. Các ký hiệu “A” và “B” thực tế nhằm ám chỉ hai đội bóng tham gia vào loạt sút.

Sau khi hòa nhau và cần phân định thắng thua bằng loạt sút luân lưu, thì đội đá trước (đội A) sẽ tiến lên thực hiện lượt đá của mình. Sau cú sút này, đến lượt đội đá sau (đội B) sẽ lần lượt tiến hành hai lượt sút liên tiếp mà không cần chờ đội A đá. Sau hai lượt sút của đội B, đội A sẽ tiếp nhận lại và cũng sẽ thực hiện hai loạt sút liên tiếp tiếp theo. Cứ như thế, cho đến khi tìm ra được đội thắng cuộc.

Lần đầu tiên luật ABBA được áp dụng là tại trận bán kết World Cup U17 bóng đá nữ hồi tháng 5, với phần thắng 3-2 nghiêng về tuyển Đức trước Nauy. Sau đó, các trận đấu loại trực tiếp World Cup U20 cũng đã xuất hiện loạt sút kiểu này. Và gần đây nhất là trong trận chung kết Siêu cúp Anh hồi đầu tháng 8 đã chứng kiến Arsenal vượt qua Chelsea với tỉ số 4-1.

Trong khi những cú sút phạt đền ngày càng trở nên quan trọng trong bóng đá, William McCrum qua đời trong im lặng vào năm 1932, chỉ hai năm sau khi kỳ World Cup đầu tiên trong lịch sử diễn ra.

Câu chuyện về cha đẻ của những cú sút phạt đền trong thời gian dài chỉ được lưu truyền trong phạm vi ngôi làng Milford nhỏ bé. Mãi cho đến tận cuối những năm 1990, khi mà người hâm mộ được trải qua nhiều cảm xúc trái chiều từ các loạt sút cân não, McCrum mới được nhắc đến một cách rộng rãi.

Giờ đây, khách du lịch khi đến tham quan làng Milford có thể được chiêm ngưỡng bức tượng của William McCrum được đặt ngay tại khu vực cách đây hơn 100 năm là sân bóng đá mà ông từng thi đấu. Người dân làng cũng đầy tự hào khi được nhắc đến là quê hương của cha đẻ những quả sút luân lưu.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Nét thanh lịch trong trang phục của người Hà Nội xưa
    Theo thời gian, trong nhịp sống hối hả của thời hội nhập, có rất nhiều thứ, nhiều giá trị đã bị "cuốn trôi", song với người Thăng Long - Hà Nội, dù cho đi đâu, ở đâu, họ vẫn luôn âm thầm giữ gìn nếp nhà, giữ văn hóa đất Tràng An qua việc dậy bảo con cháu cách nói năng, đi đứng, ăn uống và tất nhiên không thể thiếu việc dậy bảo con cháu về cách mặc sao cho đẹp, cho nền nã; chọn trang phục sao cho giữ được nét thanh lịch, mặc sao cho "đậm chất kinh kỳ”....
  • Tôi “phải lòng” hội họa như cách tôi từng say mê văn chương
    Tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu tình cờ đến với hội họa từ năm 2016. Chọn dòng tranh lụa kén người vẽ, chị đã nhanh chóng thể hiện tài năng sử dụng cọ và màu không thua kém tài năng ngôn ngữ. Với chị, điểm chung trong các sáng tạo nghệ thuật của mình là chất thơ và tính nữ. Xoay quanh góc nhìn “viết hay vẽ cũng chỉ là phương tiện nghệ thuật để người nghệ sĩ tỏ bày với thế giới, về thế giới”, tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu đã dành cho tạp chí Người Hà Nội một cuộc trò chuyện thú vị.
  • Bài 2: Hà Nội phát huy truyền thống lịch sử, xứng danh Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến
    Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô (10/10/1954), Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân khẩn trương khôi phục những cơ sở bị chiến tranh tàn phá, ổn định tình hình, từng bước vượt qua khó khăn, tổ chức lại sản xuất, bảo đảm đời sống Nhân dân, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội.
  • Quận Đống Đa: Tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề nhân dân quan tâm
    Sáng 19/9, quận Đống Đa, Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn quận Đống Đa năm 2024.
  • Hà Nội: Ấm lòng tinh thần “lá lành đùm lá rách” của các trường học tại quận Hoàn Kiếm
    Phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo”, mới đây, 2 trường: THCS Ngô Sĩ Liên và THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã tổ chức ủng hộ, hỗ trợ cho các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn cùng quận bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra.
Đừng bỏ lỡ
Tìm hiểu cha đẻ của sút phạt đền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO