Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với Tổ tư vấn kinh tế.
Theo Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, TS Vũ Viết Ngoạn triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2018-2020 trên 3 kịch bản chính. Kịch bản 1, tăng trưởng GDP trung bình đạt 6,71%/năm, kịch bản 2 là 6,83%/năm và kịch bản 3 là 7,47%/năm. Với 3 kịch bản được tính toán dựa trên mô hình kinh tế lượng dạng cấu trúc, Tổ tư vấn đề xuất mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân trong 3 năm tới, từ 2018-2020, ở mức 6,85%.
Khát vọng thôi, chưa đủ
Cho rằng chủ nghĩa bảo hộ cùng xu hướng phản đối thương mại tự do đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây mà tiêu điểm là nguy cơ chiến tranh thương mại và tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc, Tổ tư vấn kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng kịch bản ứng phó các nguy cơ trên.
Tổ tư vấn cho rằng chính sách kinh tế năm 2018 và các năm tiếp theo cần tiếp tục ưu tiên mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đồng thời kiến nghị chưa tăng thuế đối với doanh nghiệp.
Hoan nghênh các ý kiến quý báu, sát thực, Thủ tướng cho rằng, chưa thể thỏa mãn trước kết quả bước đầu vừa qua trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động và tồn tại không ít bất cập của nền kinh tế trong nước. Theo Thủ tướng, đây là điều gây nhiều lo lắng, phải có biện pháp ứng phó, “chứ chỉ có khát vọng thì chưa đủ mà nếu chủ quan thì dễ vấp ngã”. Nhất trí với các ý kiến cho rằng phải phát triển cao hơn nhưng phải bền vững, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục giải phóng sức sản xuất thông qua thể chế chính sách, đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Năng lực sản xuất trong nước đã gia tăng, vấn đề đặt ra là cần tìm thị trường mới, tổ chức sản xuất trong nước. Phải chuyển hướng tăng trưởng theo hướng xanh, chất lượng.
Đặt vấn đề tìm động lực mới cho tăng trưởng, Thủ tướng nhất trí cho rằng, động lực là tiếp tục đổi mới thể chế quản lý, cải thiện môi trường đầu tư, nâng đỡ doanh nghiệp thông qua giảm chi phí và thủ tục, phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế trong tất cả các lĩnh vực.
“Chúng ta cố gắng tìm một số động lực cụ thể trong tiềm năng mà chúng ta đã nói trong báo cáo và các ý kiến phát biểu như du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp xuất khẩu”- Thủ tướng nói.
Trao đổi với thành viên Tổ tư vấn về đề xuất dự án Luật Thuế tài sản mà Bộ Tài chính đưa ra, Thủ tướng cho rằng, câu hỏi lớn cần đặt ra là làm sao sử dụng nhà đất tốt hơn, cần điều chỉnh đúng đối tượng như đối với người giàu, người có 2 nhà trở lên… và mức khởi điểm nào phù hợp với tình hình Việt Nam, thời điểm thực hiện Luật như thế nào cho phù hợp…
Định hướng cho kiến trúc Việt Nam
Sáng ngày 21/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam (1948-2018). Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực về những thành tựu quan trọng của các thế hệ lãnh đạo, hội viên của Hội KTS và toàn thể giới KTS Việt Nam đã đạt được trong 70 năm qua.
Thủ tướng nêu rõ, đất nước ta đang bước vào giai đoạn mới của quá trình phát triển mới với những thời cơ, thuận lợi và thách thức đan xen. Bối cảnh đó, Thủ tướng mong Hội KTS và giới KTS Việt Nam cần đi tiên phong, định hướng cho kiến trúc Việt Nam xanh, sạch, đẹp, hiện đại, tiện nghị, tạo dựng không gian sống nhân văn, an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường cho xã hội, cho nhân dân.
Thủ tướng cũng đề nghị Hội cần nghiên cứu, thiết kế tìm ra những kiến trúc phù hợp cho vùng nông thôn vừa rẻ, vừa giản dị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương cũng như cả nước. KTS cần có hoài bão lớn hướng đến xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc và mang tính ổn định, bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế. Điều này rất quan trọng quyết định đến tương lai và sự phát triển bền vững của nền kiến trúc nước nhà.