Thực phẩm Tết: Nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định

Ngọc Quỳnh/HNM| 19/11/2018 07:47

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nông dân và nhiều doanh nghiệp hối hả tái đàn, xuống giống nhằm tạo nguồn cung đáp ứng nhu cầu "ăn Tết". Đặc biệt, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, nếu như thời tiết không diễn biến phức tạp thì dự kiến, nguồn thực phẩm vẫn dồi dào với giá cả ổn định.

Thực phẩm Tết: Nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định
Nguồn cung cấp thực phẩm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 bảo đảm nhu cầu của người tiêu dùng. Ảnh: Nhật Nam

Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng

Theo Bộ NN&PTNT, đàn trâu cả nước phát triển ổn định, đàn bò duy trì tốt, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng đàn lợn cả nước tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2017. Đàn gia cầm tiếp tục phát triển khá, thị trường tiêu dùng ổn định, dịch bệnh lớn không xảy ra... khiến người chăn nuôi yên tâm đầu tư, mở rộng quy mô đàn, nên tổng đàn gia cầm cả nước hiện tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2017. 

Ngoài ra, vào những tháng Tết, trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp dự trữ khoảng một triệu tấn thịt lợn, 200.000 tấn thịt gia cầm, thịt bò khoảng 30.000 - 40.000 tấn. Về nguồn cung rau xanh, hiện diện tích rau cả nước khoảng 880.000ha, nếu thời tiết bình thường, không có đột biến thì bảo đảm cung ứng dịp Tết...

Tại Hà Nội, dự kiến nhu cầu tiêu dùng trong tháng Tết năm nay khoảng: 24.000 tấn thịt lợn, tăng 18-20%; thịt bò 6.153 tấn, tăng khoảng 15%; thịt gà 6.500 tấn, tăng khoảng 20%; thủy hải sản 5.500 tấn, tăng 10%; rau, củ khoảng 100.000 tấn, tăng 15%; trứng gà, vịt khoảng 100 triệu quả, tăng 5-10% so với các tháng thông thường… 

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, hiện đàn bò của thành phố có 131.686 con; đàn lợn 2,04 triệu con; đàn gia cầm 29,8 triệu con. Nông dân đang xuống giống triển khai sản xuất vụ đông năm 2018-2019, tổng diện tích gieo trồng 39.000ha với các giống ngắn ngày: Đậu tương, khoai tây, rau các loại...

Với khả năng sản xuất và nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu của người dân trong tháng Tết thì Hà Nội cơ bản đáp ứng đủ sản lượng thịt lợn, thịt gà. Các mặt hàng khác như: gạo đáp ứng được 35%; thịt bò khoảng 15%; trứng gia cầm 66%, rau, củ, quả 66%... Do đó, để bảo đảm nhu cầu thực phẩm cho thành phố, Hà Nội đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng thông qua các chuỗi liên kết. 

Ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) cho biết, với quy mô 650 lợn nái, 6.000 lợn thịt/lứa, hợp tác xã đang đẩy mạnh chăm sóc, dự kiến, trong dịp Tết Nguyên đán, cung cấp 200-250 tấn thịt lợn phục vụ người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đẩy mạnh kết nối với các tỉnh, thành phố nhằm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết, hiện các tỉnh, thành phố đã xây dựng được 377 chuỗi cung ứng nông sản an toàn cho Hà Nội. 

Không để thừa, thiếu cục bộ

Theo nhận định của Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương, từ nay đến cuối năm, giá thịt gia súc, gia cầm sẽ không đáng lo ngại. Đặc biệt, với sự chỉ đạo quyết liệt của các bộ, ngành và ủng hộ của doanh nghiệp, đến nay, giá thịt lợn đã giảm, chỉ còn 46.000-48.000 đồng/kg và ít có khả năng tăng giá đột biến do tổng đàn trong tầm kiểm soát. 

Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân trong dịp Tết sẽ tăng khoảng 20% so với các tháng thông thường nên giá một số mặt hàng thực phẩm có thể tăng nhẹ. Để bình ổn giá thị trường và chống tình trạng "găm" hàng ở doanh nghiệp, thương lái, các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra việc buôn bán ở các chợ và doanh nghiệp kinh doanh nông sản để không xảy ra tình trạng “sốt giá ảo”...

Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho rằng, các bộ, ngành cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả, kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật. 

Các địa phương cần khuyến cáo người dân sản xuất theo nhu cầu của thị trường, bảo đảm cân đối nguồn cung, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu cục bộ; đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá của doanh nghiệp cũng như chất lượng các mặt hàng bán trên thị trường. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, phục vụ công tác chuẩn bị nguồn hàng và tham gia chương trình bình ổn giá.

"Từ nay đến cuối năm, Sở NN&PTNT sẽ tích cực phối hợp với các địa phương, hướng dẫn nông dân tái đàn, xuống giống theo nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu; phối hợp với các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc kết nối, xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản an toàn, bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết. Sở NN&PTNT đề nghị các bộ, ngành chức năng: NN&PTNT và Công Thương... thường xuyên rà soát, đánh giá số liệu các mặt hàng nông sản đang sản xuất và nhu cầu thực tế. Từ đó, các đơn vị liên quan có cơ sở điều tiết “cung - cầu” thị trường Tết" - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhấn mạnh.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Thực phẩm Tết: Nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO