Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát triển văn hóa, Hà Nội là địa phương tiên phong
Tại Hội nghị nghiên cứu, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sáng 29/10 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, bà Phạm Thị Thinh – Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, cho biết, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hà Nội là địa phương tiên phong, có nhiều cách làm cụ thể để phát triển văn hóa như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944 - 2024).
Theo bà Phạm Thị Thinh, cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được thực hiện từ tháng 3/2023 và đến ngày 21/6/2024 được phát hành. Cuốn sách do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức biên tập, xuất bản.
“Khi thực hiện cuốn sách, tôi may mắn được làm việc trực tiếp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các thư ký của ông. Tôi đã học hỏi được nhiều điều từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chẳng hạn, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật bấy lâu không dùng cụm từ “Danh nhân văn hóa thế giới” đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến khi biên tập cuốn sách của Tổng Bí thư, bắt gặp cụm từ này, nhóm biên tập đã xin phép Tổng Bí thư sửa cụm từ ấy thành “Nhà văn hóa kiệt xuất”. Tổng Bí thư sau đó đã không đồng ý với sửa đổi của nhóm biên tập và đồng thời lý giải, dịch từ bản tiếng Anh của UNESCO thì phải gọi là “Nhà văn hóa kiệt xuất” nhưng Bác Hồ đã được UNESCO vinh danh, có nghĩa Người đã mang tầm thế giới và Người xứng đáng là “Danh nhân văn hóa thế giới”. Chúng ta hoàn toàn đủ tự tin để dùng cụm từ “Danh nhân văn hóa thế giới” khi nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh”, bà Phạm Thị Thinh, chia sẻ.
Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, thông tin thêm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất cẩn thận trong việc làm sách, ông luôn căn dặn những người làm sách phải trình bày phù hợp với nội dung bên trong. Chẳng hạn cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, Tổng Bí thư đề nghị nhóm biên tập cố gắng đưa hình ảnh cây tre vào cuốn sách, thực hiện vẽ lá tre như thế nào để đúng là lá tre chứ không phải lá trúc, đúng với hình tượng cây tre Việt Nam.
“Trong hai ngày, chúng tôi đã đặt 150 tiêu đề cho cuốn sách và Tổng Bí thư căn dặn kỹ về việc chọn tiêu đề phù hợp nhất, phải đúng đường lối và chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” của Việt Nam. Từ đó, chúng tôi học được từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ cách rút tít, trình bày, triển khai nội dung” – bà Phạm Thị Thinh kể.
Thông tin thêm tại Hội nghị, bà Phạm Thị Thinh, cho biết cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Ban biên tập đã tuyển chọn 92/282 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư... của Tổng Bí thư thể hiện được sự toàn vẹn, đầy đủ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa và phát triển văn hóa. Theo bà Thinh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đến văn hóa, điều này thể hiện ở chỗ bài viết đầu tiên cũng như bài viết cuối cùng của đồng chí gửi báo Đại Đoàn kết trước khi mất cũng về văn hóa.
Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, góp phần xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong thời kỳ mới.
Nội dung cuốn sách chia thành 3 phần: “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc”, “Phát triển toàn diện, đồng bộ để văn hóa thật sự là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước bền vững”, “Từ luận điểm văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thực tiễn cuộc sống” thể hiện cốt lõi những mục tiêu, nội dung, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc hiểu rõ và quán triệt thực hiện góp phần tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong Nhân dân về chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bà Phạm Thị Thinh khẳng định, cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là tài liệu nghiên cứu quý giá; hệ thống hóa, khái quát hóa các chủ trương, nguyên tắc, tư tưởng chỉ đạo, phương châm, phương thức triển khai đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nội dung của tác phẩm là sự chắt lọc, đúc kết từ nghiên cứu lý luận sâu sắc và hoạt động thực tiễn cách mạng phong phú của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng góp phần phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn hóa.
“Trong quá trình làm sách tôi may mắn được làm việc trực tiếp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi cảm nhận được tinh thần làm việc nghiêm túc, tận tụy nhưng cũng gần gũi của ông. Có một điều đáng chú ý là, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư có bài phát biểu rất quan trọng, được đánh giá là kim chỉ nam định hướng cho sự phát triển của nền văn hóa dân tộc.
Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chia sẻ, Hà Nội là địa phương tiên phong, có nhiều cách làm cụ thể, hiệu quả để phát triển văn hóa theo. Nổi bật nhất, Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa, đó là Nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 22/2/2022 phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 – bà Phạm Thị Thinh, nhấn mạnh./.