Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam
Chiều 11 /12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, TP. Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam”.
Diễn đàn là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện thuộc Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam”,“Tinh hoa hàng Việt Nam” năm 2023. Đây là Chương trình thường niên do Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Tạp chí Công Thương thực hiện.
Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam” là cơ hội để các cơ quan, đơn vị, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động sản xuất và tiêu dùng hàng Việt; từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ, chính sách khuyến khích, ưu đãi nhằm đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng hàng Việt trong những năm tiếp theo; qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương Lê Việt Nga cho biết, sau hơn 14 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hàng Việt Nam có thế mạnh (đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, hàng tiêu dùng) đã, đang và tiếp tục bao phủ rộng khắp các mạng lưới phân phối từ các kênh phân phối truyền thống tới các hệ thống phân phối hiện đại.
Cụ thể, trong hệ thống siêu thị của một số DN trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80-90% như Co.opmart (90%), Winmart (90%), BRG Retail (80-90%). Các hệ thống phân phối có vốn đầu tư nước ngoài cũng có nhiều nỗ lực trong việc thu mua, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm địa phương, đặc sản vùng miền và giữ tỷ lệ hàng Việt Nam cao trong kênh phân phối của mình.
“Nhiều ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam đã ghi dấu ấn, liên tục giữ vị trí nhóm đầu trong kim ngạch xuất khẩu, đưa Việt Nam vào trong nhóm 23 nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới. Các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng hàng Việt Nam đã đóng góp vào việc duy trì mức tăng trưởng của thương mại trong nước và hỗ trợ tiêu thụ cho sản xuất trong nước”, bà Nga thông tin.
Tại diễn đàn, các ý kiến tập trung trao đổi giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng Việt Nam trong tình hình mới. Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), xuất khẩu dệt may luôn đạt kim ngạch cao, riêng năm 2023 đạt hơn 40 tỷ USD. Hàng Việt Nam không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn chinh phục cả người tiêu dùng nước ngoài.
"Nếu tới các nước phát triển trên thế giới, trên các kệ hàng của họ có rất nhiều sản phẩm “Made in Việt Nam” là điều rất đáng tự hào”, ông Trương Văn Cẩm chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) dẫn chứng, nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển bền vững thị trường nội địa, các DN Việt trong những năm qua đã không ngừng nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm, đa dạng các loại hình kinh doanh để sản phẩm được tiếp cận nhiều nhất tới người tiêu dùng.
“Chỉ riêng trong năm 2023 đã có 519 DN đạt Chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao” do người tiêu dùng bình chọn. Cả nước hiện nay có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 10.881 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên... Đồng thời, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng ưu tiên sử dụng những sản phẩm nội địa chất lượng cao”, bà Thủy đánh giá.
Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam”,“Tinh hoa hàng Việt Nam” năm 2023 là nhiệm vụ thuộc Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025, và là nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh./.