Thuận theo hương ước, làng nước an yên - Bài 2: Vận dụng hương ước, rào làng chống dịch

tuoitrethudo| 22/04/2022 08:13

Trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới hiện nay, hương ước tiếp tục phát huy những lợi thế, kinh nghiệm của mình. Đặc biệt, nhiều làng xã đã lấy hương ước làm nền tảng để giãn cách, phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả.

Vận dụng tốt những ưu điểm của hương ước

Theo Báo cáo về tình hình xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư năm 2016 của Bộ Tư pháp, Hà Nội có 6.732 hương ước, quy ước được niêm yết, phổ biến đến cộng đồng dân cư. Trong đó, 2.094 hương ước, quy ước được kiểm điểm, thực hiện hằng năm.

Điều đáng chú ý là, những hương ước xưa hay quy ước văn hóa ngày nay đều được người dân vận dụng linh hoạt, kết hợp với những quy định thực tế một cách nhuần nhuyễn, trên cơ sở những điều tốt đẹp cũ để hương ước trở nên gần gũi, thiết thực với cuộc sống hiện đại ngày nay.

Định Công Hạ là một con phố nhỏ, nằm giữa hai con phố Định Công Thượng và Định Công, thuộc phường Định Công. Dù nằm trong “vùng đỏ”, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng của quận Hoàng Mai nhưng từng con ngõ nhỏ xương cá trên trục đường chính đều là những tấm biển “vùng xanh” mát mắt. Ngõ ngách san sát, mật độ dân cư đông nhưng chốt chặn nào cũng có hai, ba người trực thường xuyên, bất kể mưa hay nắng.

Đều là người gắn bó với nơi đây mấy chục năm nên lực lượng trực ban tại đây hầu hết đều quen biết từng người ra, vào ngõ, nắm rõ địa chỉ, gia cảnh từng nhà, từng người. Ông Nguyễn Thanh Bình, chi hội trưởng hội Người cao tuổi phụ trách khu Hạ cho biết: “Hiện nay tại thôn Hạ có lưu bản hương ước từ năm 1938 do các cụ truyền lại. Là vùng trồng lúa nước truyền thống, khác với tính chất phường hội của vùng lân cận nên dù ngày nay có trở thành phố, tình làng nghĩa xóm của người dân nơi đây cũng rất đậm đà, đúng như tính chất làng xã khi xưa”.

Ông Nguyễn Thanh Bình (bên trái) cùng các cán bộ trực chốt ở Định Công Hạ (Hoàng Mai, Hà Nội)
Ông Nguyễn Thanh Bình (bên trái) cùng các cán bộ trực chốt ở Định Công Hạ (Hoàng Mai, Hà Nội)

Là người hiểu rõ về truyền thống ông Bình cũng nắm chắc các quy định mới để cùng người cao tuổi trong khu vực nêu gương cho cháu con. Ông đánh giá cao tính chất quy kết cộng đồng và của hương ước mà người xưa ở vùng này đã truyền lại cho hiện tại. Ông Bình vô cùng tâm đắc việc những điều ghi trong hương ước xưa đã giúp tổ dân phố của mình đạt được kết quả tốt đẹp trong việc tổ chức lãnh đạo Nhân dân thực hiện những quy định về phòng, chống dịch mà Chính quyền đưa ra trong thời gian vừa qua.

Ngày xưa, khi có dịch thì ông lý trưởng phải chịu trách nhiệm rào làng lại, giao nhiệm vụ cho các nơi canh gác. Người làng vẫn nhớ Định Công Hạ xưa kia có 5 cái điếm canh quản lý toàn bộ đường ra lối vào của làng, đảm bảo không ai ra vào làng mà không được phép. Ngày nay cũng vậy, người từ Đại Kim, Thịnh Liệt không được vào, ngược lại người trong khu này muốn sang các khu vực khác cũng phải có giấy đi đường, ai nấy đều chấp hành nghiêm chỉnh vì các quy định về phòng, chống dịch.

Như vậy, từ những quy định xưa, hương ước ngày nay đã được làm tươi mới hơn, phù hợp tình hình thực tế hơn bởi sự lãnh đạo của Đảng, của chính quyền các cấp, dưới sự đồng thuận của Nhân dân, tăng thêm tính hiệu quả của hoạt động chống lại những điều bất trắc từ cuộc sống, mà đợt giãn cách dài ngày do Covid-19 vừa qua là một minh chứng rõ nét nhất.

Ông Phạm Đức Cường, trưởng thôn Nga My Hạ (xã Thanh Mai, huyện Quốc Oai, Hà Nội) cũng cho biết trong quá trình xây dựng Nông thôn mới hiện nay thôn có quy ước làng văn hóa thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của mỗi người trong cộng đồng. Người dân đa phần thể hiện rõ tinh thần cảnh giác cao, chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch.

Một vài trường hợp liên quan đến lò mổ Minh Hiền tuy không tiếp xúc trực tiếp nhưng người dân tự giác cách ly tại nhà. Nhiều người tự giác nghỉ chợ, không buôn bán để tránh đi lại, đảm bảo giãn cách. Người dân còn bảo nhau vận động quyên góp, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Nhờ đó, tình làng nghĩa xóm những ngày dịch bệnh rất ấm áp mà vẫn thực hiện nghiêm chỉnh quy định nhà cách ly với nhà, thôn cách ly với thôn.

Điều kì kiệu của “phép vua thua lệ làng”

Ông Nguyễn Vũ Hán, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Quốc Oai cho biết: “Quy ước làng văn hóa là một trong những điều thể hiện ý chí của cộng đồng dân cư, được xây dựng trên sự đồng thuận của toàn thể Nhân dân và căn cứ thượng tôn pháp luật để triển khai, xây dựng và thực hiện. Điều khác biệt của hương ước (hay quy ước văn hóa) có những điều vượt trội mà ngay cả luật cũng không chi tiết bằng. Luật không thể chi tiết đến mức áp dụng cho các phong tục tập quán của các địa phương toàn thành phố giống nhau được nhưng hương ước làm được.

Chính bởi vậy, hương ước nó phù hợp với văn hóa của mỗi làng xã, từ đó để Nhân dân dễ thực hiện theo”. Ông Hán lấy ví dụ làng quê ở Quốc Oai, hương ước từ xa xưa quy định những người chết vì dịch tả, dịch bệnh khác thì không bao giờ được phép về làng. Quy ước đó đã được cộng đồng dân cư xây dựng, chấp nhận và lưu hành từ nhiều đời nay nên thực hiện rất nghiêm chỉnh. Nghiêm đến nỗi mà trở thành tính tự động, tự giác cao đến mức có một số trường hợp trở thành quy định riêng của làng. Một số trường hợp đặc biệt ai yêu cầu mở chốt người làng cũng không mở. “Phép vua thua lệ làng” chính là vì thế.

Những chốt trực nghiêm túc kiểm soát người qua lại ở huyện Quốc Oai
Những chốt trực nghiêm túc kiểm soát người qua lại ở huyện Quốc Oai

Chính bởi vậy, người dân ở Quốc Oai thời gian qua thực hiện rất tốt việc phòng, chống dịch, đặc biệt trong những ngày giãn cách xã hội. Đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khi về kiểm tra và làm việc tại Quốc Oai đã đánh giá cao việc xưa Quốc Oai rào làng đánh giặc, nay lại tiếp tục rào làng để phòng chống dịch. Đó là điều mà Quốc Oai phát huy rất tốt trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh việc lập chốt theo quyết định của huyện, của chính quyền, theo chế độ, hướng dẫn thì người làng tự bảo nhau, cắt cử nhau, góp tiền để nuôi lực lượng trực chốt, giữ cổng làng, không cho người ngoài vào. Người ra cũng phải cẩn thận, người vào cũng phải cẩn thận, tự giữ nhau, tự giữ cho nhau. Chính vì thế đảm bảo an toàn được cho người dân trong vùng. Nhân dân rất phấn khởi với kết quả đó.

Trong thời gian giãn cách, Quốc Oai không tổ chức đám cưới nào. Đám tang thực hiện đúng quy định từ 20-30 người, không tổ chức các đoàn phúng viếng và người dân trong vùng cũng không đến viếng. Với tính chất làng xã, người dân nơi đây rất tôn trọng nếp làng, nếp xã đã được quy định từ xa xưa. Nếu không chấp hành tốt quy định của dòng họ, sau này nhà có việc hiếu hỉ, người trong họ, trong làng sẽ không đến. Những “luật bất thành văn” như thế tạo nên những chiếc “vòng kim cô” mềm nhưng vô cùng hiệu quả để mỗi người tự kiềm chế mình, suy nghĩ cặn kẽ trước khi thực hiện điều gì đó mà không được cộng đồng cho phép.

Thuận theo hương ước, làng nước an yên - Bài 2: Vận dụng hương ước, rào làng chống dịch

“Chính bởi vậy, trong thời gian qua, có thể nói Quốc Oai phát huy rất tốt những ưu điểm của hương ước, quy ước làng văn hóa từ thời rào làng đánh giặc cho đến rào làng chống dịch. Tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân, người dân nơi đây đã giữ vững được vùng xanh, góp phần vào thành công trong công cuộc chiến đấu với dịch bệnh của Hà Nội”, ông Nguyễn Vũ Hán tự hào tổng kết.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Chương Mỹ cũng cho biết, trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, các hương ước, quy ước được xây dựng theo đúng quy định của Nhà nước. Vận dụng hương ước xưa, kết hợp với các quy định phòng, chống dịch ngày nay, người dân trên địa bàn huyện Chương Mỹ thời gian qua nghiêm túc thực hiện giãn cách. Không có đám cưới nào được tổ chức trong lúc giãn cách. Đám tang được bà con tiến hành đúng quy định, khâm liệm xong hôm sau đi hỏa tang luôn, không để xảy ra các tình trạng vi phạm về lề lối của làng xã.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thuận theo hương ước, làng nước an yên - Bài 2: Vận dụng hương ước, rào làng chống dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO