Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ do bão số 3

Đặng Sơn Dương| 12/08/2019 21:58

Ngày 3/8, Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ do bão số 3 gây ra gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Nghệ An; Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ do bão số 3
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn báo cáo Bộ trưởng công tác ứng phó, 
khắc phục hậu quả mưa lũ ngày 3/8
Công điện nêu rõ, bão số 3 đã gây mưa to đến rất to tại nhiều địa phương khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đặc biệt tại các huyện Quan Sơn và Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa và một số địa phương khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, tính mạng và tài sản của nhân dân, một số người còn mất tích.

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới các gia đình có người thân bị chết, mất tích do mưa lũ, chia sẻ những khó khăn, mất mát của chính quyền và người dân vùng lũ. Dự báo, tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An) có thể còn tiếp tục có mưa lớn; nguy cơ cao xảy ra lũ cục bộ, lũ quét và sạt lở đất tại vùng núi. 

Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả bão, mưa lũ, triển khai một số nhiệm vụ cấp bách như: Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa và các địa phương tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, khu khai thác khoáng sản, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời; Tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn mất tích (bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn); Tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người bị chết, mất tích; hỗ trợ cứu chữa người bị thương. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, không để người dân bị đói; Kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở, ngập sâu.

Các địa phương huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường ngay sau lũ; Chủ động khắc phục hậu quả, tập trung khôi phục công trình hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước, y tế, giáo dục để phục vụ công tác cứu trợ và sinh hoạt cho người dân. 

Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 4, các lực lượng đóng quân trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương, nhất là tại tỉnh Thanh Hóa. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố trên các tuyến quốc lộ, hỗ trợ địa phương khắc phục các điểm bị sạt lở, ách tắc trên các trục giao thông chính nhằm đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt để phục vụ công tác cứu trợ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo kiểm tra, kịp thời sửa chữa các hồ đập thủy lợi, thủy điện, các công trình bị sự cố do mưa lũ nhằm đảm bảo an toàn, sớm khôi phục sản xuất và chủ động ứng phó các các đợt mưa lũ tiếp theo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo sẵn sàng phương án phòng chống lũ theo cấp báo động. Đồng thời, công điện cũng yêu cầu các cơ quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời để nhân dân và các cơ quan liên quan biết chủ động phòng, tránh, ứng phó…

Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính chính, ngày 3/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức họp tiếp tục chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3 và mưa lớn. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tổ chức thường trực theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ; tổ chức đoàn công tác vào Quan Sơn, Thanh Hóa chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 4, các lực lượng đóng quân trên địa bàn triển khai 807 cán bộ, chiến sĩ, 27 phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là tại tỉnh Thanh Hóa. Bộ Công thương chỉ đạo cung cấp 2.860 thùng mỳ tôm, 39 thùng lương khô, và nước uống đến các bản bị cô lập, chia cắt…

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT ngày 4/8, mưa lũ đã làm 3 người chết là anh Vàng A Lâu ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa và bà Trần Thị Tư, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn (một người chết vừa được phát hiện ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa đang xác định danh tính), 13 người mất tích ở tỉnh Thanh Hóa (huyện Mường Lát: 1 người, huyện Quan Sơn: 12 người; đã cứu được 05 người tại Quan Hóa bị lũ cuốn). Mưa lũ tại Thanh Hóa cũng đã làm 32 nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 50 nhà bị thiệt hại rất nặng; 176 nhà bị thiệt hại một phần; 5 điểm trường bị ảnh hưởng; 112 điểm giao thông bị ách tắc, sạt lở, hư hỏng…
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ra mắt bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” - Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
    Tối 31/3, tại Landmark 81 (TP.HCM) đã diễn ra sự kiện ra mắt bộ phim 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối'. Bộ phim tái hiện cuộc sống và quá trình chiến đấu của những du kích ở Củ Chi trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
  • Hình ảnh người mẹ qua các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay
    Trong thơ ca Việt Nam, hình tượng người mẹ không chỉ mang ý nghĩa sinh thành, dưỡng dục mà còn là biểu tượng của sự hi sinh thầm lặng, lòng bao dung vô hạn và những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
  • “Hồn Việt” và “dặm đời” trong thơ Lê Cảnh Nhạc
    Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc từng đảm nhiệm chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số, Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Anh đã in bốn tập truyện và truyện kí cùng nhiều tập thơ như: “Khúc giao mùa” (2005), “Không bao giờ trăng khuyết” (2010), “Khúc thiên thai” (2015), “Non nước đàn trời” (2015). Tập thơ thứ 5 của anh có tên là “Đi về phía mặt trời”, do cơ duyên mà đến tay tôi. Tôi đọc và không khỏi ngạc nhiên, khâm phục trước sức cảm, sức viết của anh. Nhan đề của tập thơ giàu tính biểu tượng, thể hiện khái quát nội hàm hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng.
  • Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ khởi công và xây dựng 43 cụm công nghiệp
    UBND TP Hà Nội ban hành Thông báo số 171/TB-VP ngày 31/3 về kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tại cuộc họp rà soát quy trình thành lập cụm công nghiệp.
  • Hà Nội điều chỉnh lộ trình và tần suất hàng loạt các tuyến xe buýt từ 1/4
    Căn cứ vào quyết định của Sở Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã điều chỉnh lộ trình luồng tuyến, tần suất hoạt động, các chỉ tiêu dịch vụ đối với 44 tuyến buýt của Tổng công ty từ ngày hôm nay (1/4).
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ do bão số 3
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO