Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội cuối cùng cũng đã được tiến hành sau một thời gian chuẩn bị quá lâu! Anh chị em hội viên đến với Đại hội đều có rất nhiều băn khoăn và kỳ vọng, đó cũng là điều dễ hiểu.
Có thể nói, tâm lý băn khoăn và chờ đợi này bắt nguồn từ trách nhiệm cao của toàn thể anh chị em cầm bút đối với ngôi nhà chung của mình cũng như với vận hội mới của mình trong thời gian tới. Anh chị em đòi hỏi ngôi nhà chung của cả giới phải vững chắc và thông thoáng hơn, cũng như mọi điều kiện dành cho sức sáng tạo của văn nghệ sĩ phải được chăm chút kỹ lưỡng và có trọng tâm hơn; và nhất cử nhất động của Hội đều phải hướng tới hội viên, lợi ích chính đáng của hội viên phải được Ban Chấp hành quan tâm một cách thích đáng.
Đó là những yêu cầu hoàn toàn có cơ sở để đáp ứng, miễn là Ban Chấp hành mới của Hội thực sự động não vì lợi ích chung, biết thực sự cầu thị vì quyền lợi của anh chị em hội viên, dám đứng mũi chịu sào bảo vệ tư cách nghệ sĩ trung thực của mỗi hội viên cũng như thực sự biết gắn bó cùng nhau và phát huy tính dân chủ cao, tính cộng đồng trách nhiệm cao trong mọi động thái ứng xử.
Hội nghị triển khai công tác 2017 của Hội Nhà văn Hà Nội
Chúng ta hay nói đến tỷ lệ đầu tư và chất lượng của tác phẩm. Đây chính là một trong các điểm mấu chốt để bứt phá nhằm đưa tác phẩm phải dần đạt tới đỉnh cao, như chúng ta mong đợi. Cần tập trung tinh tường và sâu sắc hơn nữa đến phương thức đầu tư không cào bằng, mà “trông giỏ bỏ thóc” để có tác phẩm giá trị. Cần phát huy ở mức cao nhất hình thức “ký hợp đồng theo thỏa thuận” để nắm bắt và tiên lượng được tầm vóc của những sáng tác tâm huyết, có chất lượng cao khi phải chấp nhận bỏ ra hàng chục năm trời mới có, không thể cứ vội vã theo kiểu ăn xổi ở thì!
Trong suy nghĩ, đừng có ảo tưởng chỉ biết dè sẻn đầu tư kiểu “mì ăn liền” mà ra được tác phẩm để đời! Mặt khác, cần ưu tiên tối đa để đưa thời lượng sinh hoạt học thuật của Hội vào các chủ đề cấp thiết của sáng tác hiện nay, vào những quan tâm thiết thân của hội viên đối với việc “cách tân” lại trang viết của mình, luôn luôn có ý thức cân đo theo sát từng bước chuyển mình, từng động thái đổi mới của mỗi nền văn học nghệ thuật xung quanh ta; mà nếu không có kiến thức chuyên sâu và cách nhìn khoa học và thấu thị thì không dễ gì nhận ra những đổi thay trong một sớm một chiều.
Tất cả những việc này cần một quá trình liên tục tiếp cận và đổi mới cách nhìn của tất thảy chúng ta, từ đó, gắng tạo ra bước chuyển mình cho sáng tác của Hội.
Chúng ta cũng cần mạnh dạn đổi mới các sinh hoạt Hội, cách thức tập hợp hội viên, đổi mới phương thức và điều kiện mở các trại sáng tác cũng như tổ chức các cuộc đi điền dã, các cuộc đi thâm nhập thực tế của hội viên, sao cho từng việc đều có ý nghĩa thiết thực hơn và hiệu quả cao hơn, đồng thời cũng nhiều bổ ích và thú vị hơn.
Trong việc này, cần huy động thật cởi mở và dân chủ mọi sáng kiến của hội viên. Chúng ta cũng còn phải quan tâm đến việc đội ngũ văn nghệ sĩ tên tuổi của cả nước hiện nay đang dần bước vào độ tuổi cao. Thế hệ kháng chiến chống Pháp hầu như đã rời khỏi văn đàn gần hết, thế hệ kháng chiến chống Mỹ cũng đã bước vào độ tuổi “thất thập cổ lai hy” đến nơi rồi! Nhiệm vụ vô cùng lớn lao trước mắt chúng ta là gắng sức phát hiện, bồi dưỡng, tạo điều kiện để một đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ kế cận sớm kịp thời trưởng thành và đạt tới thành tựu cao, khẳng định được vị trí của mình trên văn đàn trong nước và quốc tế.
Đồng thời, cũng từng bước đào tạo để sớm hình thành một đội ngũ lãnh đạo văn hóa văn nghệ chuyên sâu của cả nước từ tầng lớp có sức trẻ cả về tuổi đời tuổi nghề, nhưng lại được trang bị kiến thức và tầm nhìn rộng mở và phong phú hơn thế hệ cũ.
Một điểm cuối cùng cũng rất đáng quan tâm hiện nay là chúng ta phải tạo nên thực lực và thế đứng cho đội ngũ và tổ chức của mình bằng chính cái đầu và nội lực của mình. Hội cần phải tạo ra nhiều phương tiện hoạt động và cả điều kiện nuôi dưỡng khả năng sáng tạo, trang bị kỹ năng chuyên sâu cho chính mình; Hội cần phải xây dựng và trang bị lại cơ sở vật chất tương xứng với tiềm năng của hội viên; Hội cần có ý thức và kế hoạch nhằm tăng dần tính tự chủ trong mọi hoạt động nghề nghiệp, thoát dần khỏi cơ chế “xin – cho” hoàn toàn theo kiểu bao cấp từ trước đây, không chủ động được các hoạt động bằng nội lực của mình. Hiện nay, xu thế chung của việc xây dựng một bộ Luật về Hội là Nhà nước khuyến khích các Hội nỗ lực tạo điều kiện cân đối và tự chủ về tài chính, mạnh dạn xã hội hóa từng khâu nào thích hợp và có trình tự hợp lý, nhằm tiến tới giảm bớt gánh nặng về biên chế, về tài chính của ngân sách nhà nước đối với các Hội.
Tất cả các việc này đòi hỏi một cách tiếp cận mới của chúng ta đối với các hoạt động Hội, đặc biệt là Ban lãnh đạo mới của Hội, phải bằng tư duy khoa học và sáng tạo, bằng nỗ lực phi thường của bản thân, bằng các sáng kiến thực sự mạnh bạo và mới mẻ, để có thể tạo ra cho Hội một thế đi cân đối trên hai chân của mình, tạo ra được một niềm tự hào chính đáng bằng chính khối óc cống hiến và chất xám của đội ngũ chúng ta, đủ tạo nên giá trị tinh thần cao đẹp và đồng thời cũng có giá trị thực tiễn của mình. Đây cũng chính là những thử thách lớn, thậm chí là những thách thức sinh tử, mà tất thảy chúng ta phải gắng sức chấp nhận và tìm cách vượt qua trong thời gian tới.