Ngắm cánh đồng lúa vàng đượm màu no ấm, nhớ chuyện xưa. Khi ấy, tôi mới học lớp 3, cũng là lúc bắt đầu học xay thóc. Năm ấy, mưa bão liên tiếp, nhà chỉ còn vài bát gạo trong cái chum sành ở góc buồng. Trước khi đi chợ bán rau, bác Cả giao cho anh chị tôi xay hai thúng thóc rồi giã ngay để có đủ gạo ăn cả tuần chống bão.
Chị tôi học lớp 5, anh tôi học lớp 4, tôi bé nhất nhà học lớp 3 chạy lò cò chơi quanh cối xay thóc. Chị tôi cười rõ tươi: “Em thử học xay thóc xem nào?”. Tôi tròn mắt: “Em xay được thóc á?”. Tính tôi ưa học hỏi, lam làm nên háo hức thử ngay. Anh tôi bảo: “Cầm một bên cái tay giằng cho chắc, anh cũng cầm một bên, rồi anh em mình đưa tay nhịp nhàng thế này, thế này...”. Tôi đưa hai tay nắm chắc một bên tay giằng. “Bắt đầu nhé!”, anh tôi hô. Được nửa vòng, cối xay khựng lại. “Em đưa tay đều cùng tay anh, anh đưa nặng, em đưa nhẹ, cối không xoay tròn đều được. Chân trước, chân sau cũng phải nhịp nhàng với tay nắm giằng cối để khi người vươn ra phía trước là được nửa vòng tròn cối xay, rồi lại hơi ngửa lưng ra phía sau, kéo tiếp nửa vòng, đủ một vòng cối thóc. Làm lại nào!”.
Lúc đầu, tôi không học được, cú lắm. Nhìn anh tôi xay đều đều, mồ hôi chảy trên má, tôi nóng bụng: “Cho em tập lại”. Lần này, chị tôi phải đứng sau lưng, vừa nắm cổ tay tôi vừa hướng dẫn cách làm: “Tay kết hợp với chân nhún, rồi đưa giằng cối cho thật đều thì cối quay được nửa vòng tròn sẽ không bị đứng ì ra... Thế... thế... được rồi! Tiếp vòng nữa nào!”. Chị vừa rời tay, nhưng do tôi kéo mạnh quá, cái giằng cối đập vào ngực, đau điếng. Tôi ngồi thụp xuống khóc. Anh tôi dỗ: “Thôi, đền em kẹo trứng chim bà Đóa nhé”. “Không, tại em”. Tôi nắm lại giằng cối. Lại lựa tay và chân. Được rồi! Mồ hôi ra như tắm, nhưng đang đà hứng khởi, tôi cùng anh quay tiếp. Thóc xay rơi xuống nong, cao dần...
Xay được nửa cối thóc, anh em tôi nghỉ giải lao. Tôi lùa tay vào nia, xòe tay cho thóc rơi qua kẽ tay, hít hà mùi thơm ngọt dịu man mát của thóc gạo. Hiệp hai, anh em tôi xay đã nhàn hơn. Bác tôi đi chợ về, anh tôi chạy ào, khoe: “U ơi, hôm nay cái Thu biết xay thóc rồi đấy”. Bác cười vui hẳn, hàm răng hạt na đen nhánh bảo chúng tôi: “Bánh đa hàng bà Đà đây, đợi u sàng xảy rồi tối giã gạo đấy”. Ôi chao, hương vị bánh đa sau buổi giã gạo đầu tiên mới thơm, giòn, ngậy làm sao!
Buổi tối, gió mát, trăng thanh, chị tôi đổ gạo xuống cối đá xanh mà ông tôi chôn dưới mặt nền chái bếp, phân công: “Cho em tập giã gạo, đứng ở trên cùng. Đoàn đứng thứ hai. Chị đứng cuối chày giã gạo là lao động nặng nhất đấy nhé”. Mỗi lần ba chị em dồn lực xuống bàn chân, ấn đuôi cần giã xuống thì đầu cần nhấc bổng lên hơn một mét, rồi rơi xuống cối gạo. Từng nhịp chày thịch... thịch... Một trăm, hai trăm, một nghìn. “Chị ơi, xem gạo trắng chưa?”. Lúc này, tôi đã mỏi nhừ chân, kêu lên. Chị tôi chạy đến miệng cối, quỳ chân, vốc gạo lên tay, chúm miệng thổi cám phù phù. “Chưa trắng đâu, giã thêm vài trăm chày nữa mới được”. Trăng đã lên cao, lọc ánh sáng qua cành hồng đang trĩu quả chín đỏ. Những đêm trăng giã gạo đầy thơ mộng thấm sâu vào ký ức của tôi một cách đẹp đẽ và hạnh phúc. Cả nhà đều thích ăn gạo giã dối còn nhiều cám và đậm cơm hơn. Bây giờ, kiếm đâu ra thứ gạo giã thơm ngon như thế. May ra, chỉ còn gạo nương từ Tây Bắc chuyển về thành phố.
Từ sau năm 1972, không phải đi sơ tán, lũ chúng tôi đã quen với việc xếp hàng mua gạo. Hồi này chỉ có “gạo mậu dịch” - loại gạo có giá 4 hào/kg, được Sở Lương thực quy định theo giá bao cấp. Phần lớn gạo do Nhà máy xay Lương Yên được xây dựng ở cửa ô Yên Lãng xưa (chỗ bây giờ là chung cư Sun Grand City Ancora, số 3 Lương Yên, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) cung cấp cho dân thành phố. Rõ ràng là gạo mậu dịch trắng hơn gạo giã, mà ăn cơm nhạt hẳn. Còn ở làng quê, đến những năm 1990 - 1995, trạm điện mọc khắp nơi thì cối xay thóc, giã gạo giảm dần rồi mất hẳn. Các xóm đều có máy tuốt lúa và máy xay xát.
“Hạt gạo nuôi tất cả chúng ta no/ Nhưng cái mộc mạc lên hương của lúa/ Đâu dễ chia cho tất cả mọi người”. Một nhà thơ đã rất tinh tế khi viết về hương lúa như thế. Ký ức một thuở xay thóc, giã gạo ngày mùa, thơm hương lúa chín, đã đi vào trang sách, trang thơ. Nhớ thương lắm, một thuở xay thóc, giã gạo khi chưa có máy xay xát công nghiệp...