Tác giả Judith Butler (24/2/1956) là một nhà triết học và nhà lí thuyết giới người Mỹ có những tác phẩm ảnh hưởng đáng kể đến triết học chính trị, đạo đức cũng như đến các lĩnh vực thuộc làn sóng nữ quyền thứ ba, lí thuyết queer và lí thuyết văn học.
Trong số những bài viết, công trình nghiên cứu của Judith Butler, nổi bật là cuốn Rắc rối giới. Cuốn sách xuất hiện từ năm 1990 và mặc dù không hề dễ đọc một chút nào, song sách đã bán hơn 100.000 bản với khoảng 30 ngôn ngữ trên toàn cầu.
Dịp kỷ niệm 30 năm xuất bản Rắc rối giới, Tạp chí Nghiên cứu châu Á (The journal of Asian Studies) đã dành trọn một số để các học giả trong khu vực bàn về cuốn sách này. Trong đó, các học giả đại diện cho từng khu vực đã có nhiều bàn luận thú vị.
Bàn về Rắc rối giới ở Nam Á, Geeta Patel mặc dù không đánh giá cao các nguồn dữ liệu của Butler trong cuốn sách, song tin tưởng rằng “những thách thức mà Butler ném ra cho các dữ liệu này (...) có thể được triển khai ở mức độ rộng hơn nhiều”.
Còn Gail Hershatter thì kết luận: “Nhìn lại nhiều thập kỷ từ khi Rắc rối giới xuất hiện, sau sự xuất hiện của thuyết lệch pha, chính trị về chuyển giới, giới phi nhị phân, và việc tư duy lại về cả giới tính lẫn giới trong mọi lĩnh vực hoạt động, từ chăm sóc trẻ cho đến sinh học tế bào, rõ ràng là Butler đã mang lại cho giới học thuật và chính trị biết bao nhiêu thói quen tư duy mới. Mặc dù Rắc rối giới khởi sự một cuộc đối thoại, nhưng nó không phải là lời kết luận cuối cùng, hay thậm chí là lời cuối cùng của Butler về chủ đề này”.
Nói về tác phẩm của mình, chính Judith Butler cũng đã chia sẻ: “Cuốn sách của tôi khiến nhiều người ngạc nhiên có lẽ vì chúng ta đã đánh giá thấp độc giả. Trên thực tế, độc giả có đủ khả năng và ham muốn đọc những văn bản phức tạp và thách thức, khi sự phức tạp có lý do của nó, khi sự thách thức có mục đích chất vấn những sự thật hiển nhiên, khi tính hiển nhiên của những sự thật ấy quả thật đang áp bức người khác”.
Không chỉ chứa đựng tầng tầng thuật ngữ được đan cài trong lớp lớp văn phong phức tạp, không chỉ huy động, viện dẫn kiến thức đa ngành đầy thử thách... mà ở sâu thẳm cuốn sách của Butler còn cho thấy những từ thương tổn cá nhân hết sức “đời thường”.
Phát biểu tại buổi họp báo ra mắt sách, bà Khúc Thị Hoa Phượng – Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam cho biết, đây là kết quả từ sự nỗ lực, bền bỉ của NXB cùng nhóm dịch giả Tiên Phong và 2 người hiệu đính trong suốt 4 năm liền. Cuốn sách ra đời đã góp thêm 1 ấn phẩm chất lượng cho Tủ sách Phụ nữ tùng thư (Tủ sách Giới và Phát triển) của NXB Phụ nữ Việt Nam. Tủ sách này được Nhà xuất bản triển khai từ năm 2017 với các mảng sách: Biên khảo, tư liệu; Hợp tuyển, tinh tuyển, Nghiên cứu và Dịch thuật.
“Rắc rối giới quả thực đã tỏa bóng cho nhiều lớp người trong xã hội, và ra nhiều ngành nghiên cứu như chính trị học, dân tộc học, ngôn ngữ học, tâm lý học xã hội, nghiên cứu nhân văn. NXB Phụ nữ Việt Nam tin tưởng rằng bản tiếng Việt sẽ tiếp tục góp phần nâng thêm các con số nói trên.” – bà Khúc Thị Hoa Phượng nhấn mạnh.