Tháo gỡ điểm nghẽn thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển
Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các cơ sở sản xuất phân bón trên cả nước.
Ngày 27/3, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội phân bón Việt Nam tổ chức hội thảo: “Một số bất cập trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp”.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng môi trường và điều kiện kinh doanh hàng hóa của Việt Nam "thoáng" ở tầm vĩ mô, nhờ có nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng, Chính phủ và rất nhiều các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết. Thế nhưng, điều kiện kinh doanh hàng hoá còn nhiều hạn chế ở các quy định cụ thể, chưa thực sự phù hợp.
Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, quy định sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2 phải được kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu.
Theo TS. Nguyễn Xuân Dương, cũng là sản phẩm gạo, khi nhập khẩu về làm lương thực cho người thì được xếp vào nhóm 1, nên không cần phải kiểm tra chất lượng, nhưng gạo nhập khẩu về để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc thì bị xếp vào nhóm 2, nên mỗi lô hàng khi nhập về đến cảng, đều phải lấy mẫu phân tích thành phần.
Doanh nghiệp mất 3-5 triệu đồng cho việc thuê phân tích một mẫu hàng, lại mất chi phí lưu kho. Những chi phí này khiến giá thành thức ăn chăn nuôi tăng lên và người chăn nuôi phải gánh chịu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá thành chăn nuôi tại Việt Nam luôn cao hơn 10-15% so với các nước trong khu vực.
TS. Nguyễn Xuân Dương, Nhà nước, cơ quan chủ trì xây dựng Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật, phải xác định đây là công việc rất quan trọng, có ảnh hưởng quyết định đến sức sản xuất, sức cạnh tranh, giá trị thương hiệu của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
“Phải khảo sát, nghiên cứu thật kỹ những tồn tại, bất cập hiện nay trong thực tế sản xuất của các ngành, lĩnh vực và những yêu cầu đòi hỏi nâng tầm chất lượng, thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trong thời kỳ tới của phát triển và hội nhập”, ông Dương đề nghị.

Chia sẻ về chính sách hỗ trợ ngành nông nghiệp, TS. Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký - Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thông tin: "Trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã có nhiều quyết sách quan trọng để hỗ trợ ngành nông nghiệp, trong đó có việc thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón thay vì miễn thuế như trước đây.
Đây là bước tiến quan trọng giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón được hoàn thuế đầu vào, giảm giá thành sản phẩm, hỗ trợ nông dân. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh: “Gỡ điểm nghẽn thể chế để không lỡ thời cơ phát triển”. Thực hiện chỉ đạo này, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để rà soát và tháo gỡ các rào cản về thể chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh".
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật là hai đạo luật có tác động sâu rộng, chi phối gần như toàn bộ điều kiện sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, việc sửa đổi các luật này sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất và gia tăng giá trị thương hiệu của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Dự kiến, trong tháng 5 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sửa đổi) và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật (sửa đổi). Đây được xem là cơ hội quan trọng để Việt Nam có một khung pháp lý hoàn thiện hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người nông dân, đồng thời nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa nông sản trên thị trường.
Việc sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật là cần thiết để tháo gỡ các rào cản đang kìm hãm sự phát triển của ngành nông nghiệp, đặc biệt là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y. Chính sách hợp lý không chỉ giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tăng cường năng lực cạnh tranh mà còn mang lại lợi ích trực tiếp cho người nông dân. Với quyết tâm của Quốc hội và các cơ quan chức năng, hy vọng rằng những thay đổi trong thời gian tới sẽ mở ra cơ hội phát triển mới, nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế./.