Thanh Xuyên - địa danh vàng

Phùng Quang Trung| 13/11/2017 15:16

Theo bia đá Thiệu Long thứ 12 (1270) đời Trần Thánh Tông (1258 - 1272) chùa làng Thanh Xuyên (xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) thì làng Thanh Xuyên xưa gọi là làng Đồng Vàng (hay Đường Hoàng), hương Đường Hoàng Trung, huyện Phù Lưu, lộ Quốc Oai. Vùng đất nổi tiếng của nhiều nghề này cũng đã đi vào tục ngữ ca dao: “Đào Xá có nghề làm men/ Cổ Hoàng làm kẹo, Thanh Xuyên buôn ngài/ Muốn ăn bánh đúc với ngài/ Bỏ cha bỏ mẹ theo trai Đồng Vàng/ Kẻ Dũi đi dủi bán tôm/ Cổ Hoàng bán mật, Thanh Xuyên bán ng

THANH XUYÊN địa danh vàng
Đình thờ Thành hoàng làng Thanh Xuyên

Đào Xá, Cổ Hoàng, Thanh Xuyên, Dũi, Vân, Đầu đều là những địa danh thuộc làng Đồng Vàng. Đồng Vàng xưa là trung tâm buôn bán sầm uất, trên bến dưới thuyền, điểm hội tụ giao lưu kinh tế giữa các vùng miền trong vùng. Tương truyền: “Có một người chở đò là Nghiêm Đạt ở làng Đào Xá. Cụ Đạt không có con, hiền lành, thật thà, chất phác, giàu tính thương người. Vào một đêm đông giá rét, đã quá nửa đêm, nghe có tiếng gọi đò văng vẳng bên kia sông cụ lái đò sang để chở người nhưng lạ thay lúc sang chẳng thấy một ai. Quay đò trở lại bên kia sông, nhưng rất lạ, vừa đặt mình nằm thì cụ lại nghe tiếng gọi đò tha thiết. Lại quay đò sang sông nhưng đến bên kia bờ vẫn chẳng thấy một ai. Lần thứ 3, vừa thiêm thiếp ngủ, lại có tiếng gọi đò vọng lại nghe rất thương cảm. Không chần chừ, cụ lại từ tốn chèo đò sang sông. Khác với những lần trước, lần này khách là một cô gái trẻ đẹp, vẻ mặt phúc hậu. Cụ nhẹ nhàng, thân tình đưa xuống đò và chở sang sông. Lúc này, cụ đã quá mệt, cô gái lại ngỏ ý muốn trọ qua đêm lấy lại sức để sáng mai đi. Cụ vui vẻ nhận lời, rồi nhường chăn, chiếu cho cô gái, còn mình ra cạnh lều nằm. Nghe theo lời khách, đến canh tư cụ gọi khách dậy, cô gái vẫn ngủ yên. Rồi canh năm cụ gọi, cô gái vẫn không thưa. Cụ khẽ khàng mở chiếu để tỉnh giấc cho cô thì ôi! Chỗ nằm của cô gái là một đống vàng sáng chói. Cụ sững sờ… nghĩ rằng: Dân làng ta còn nghèo đói, trời Phật hóa thành cô gái để thử mình giữa đêm khuya giá rét, thấy lòng tốt và tình thương người rộng lớn của mình mà trao số vàng để giúp đỡ dân lành. Cụ liền đem hết số vàng và những đồng tiền mà cụ dành dụm được trong bấy lâu nay mua gỗ vật liệu làm cầu, mở chợ, xây am, xây đình, xây chùa, hỗ trợ dân làng và cái tên Đồng Vàng cũng được khai sinh từ đấy. Dựng cầu, mở chợ, xây đình, làm chùa xong, một hôm cụ trèo lên mái cầu để kiểm tra thì bỗng nhiên phong ba, bão táp, sấm chớp ầm ầm kéo đến, một cơn lốc lớn lay cây, rung núi, mặt sông biến sắc, mây tía đưa Người đi, thật là hiển Thánh. Hôm đó là ngày mồng một giữa giờ Ngọ tháng 8. Toàn dân đội ơn Đức Thánh, cậy nhờ lòng nhân, hội họp, tạo tượng Thánh, lập điện thờ Ngài để sau này cầu đảo hoặc khi đại hạn đều võng rước Thánh ngự đến chợ Đồng Vàng để dân 5 thôn quanh vùng tưởng ngưỡng”. 

Thanh Xuyên có quần thể kiến trúc khá hoàn chỉnh: chùa Tân Phúc (Bình Xuyên) dựng năm 1270, đền Thượng thờ Nguyễn Phục, miếu thờ Hoàng Tế Cư Sĩ – Nguyễn Độ, quán, điếm canh, chợ Đồng Vàng có nghề hàng ngài một thời vang bóng, có lẽ chỉ lưu lại trong ký ức người già bóng dáng các cô, các bà duyên dáng trong chiếc áo tứ thân nâu, yếm lụa có xẻ, váy nái mềm mại phất phới, với chiếc bao lụa vân xa, đầu đội nón ba tầm có quai mây tết, chân đi dép quai ngang gánh hai đẫy ngài bằng chiếc đòn gánh nhỏ có mấu, đi bán khắp các chợ gần, chợ xa…

Thành hoàng làng Thanh Xuyên thờ phụng là “Đông Hải Đại Vương Nguyễn Phục”. Nguyễn Phục chính là ông tổ nghề hàng ngài của làng. Ông là vị tướng lừng danh của đời nhà Lê, ba lần đi sứ Trung Quốc, người đã mang giống trứng tằm về nước và dạy truyền nghề cho quê hương đẻ giống trứng tằm (hay còn gọi là nghề hàng ngài). Làng còn lưu bản sắc phong Khải Định năm thứ 9 (1925) “Sắc cho thôn Thanh Xuyên, Hoàng Trung, Phú Xuyên, Hà Đông phụng thờ Thành hoàng Nguyễn Phục (Thượng Đẳng thần) phong mỹ tự là Dũng Quyết, Hoằng Chí, Quảng Tế, Hàm Chương, Bỉnh Chính, Trác Vĩ, Dực bảo Trung Hưng, linh phù Hoàng Tế Tư Sĩ Chi Thần ” và 6 đôi câu đối cổ: “Nhất điểm tinh trung tồn thục khẩu/ Bách niên hương hóa đối Tùng Giang” nghĩa là “Một tấm lòng trung truyền miệng thế/ Trăm năm hương hoả bến Tùng Giang” hoặc “Anh chi dục, tú chi trung, vọng đối Nam Sơn, thiên cổ ngưỡng/ Nam giả toàn, nguy giả phúc, trạch đồng Hà Nội, ức niên lưu”. Trong Đại Nam nhất thống chí đã xác nhận “Trứng tằm sẵn ở các Đoàn Lâm, Đào Lâm, Phạm Lâm huyện Gia Lộc” và trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép “Tháng 10 năm 1468 Thừa tuyên sứ Thanh Hóa dâng một giỏ kén dại đã thành tơ, vua khước từ” và có thể khi về làm quan ở Thanh Hóa, ông mang theo nghề đẻ giống trứng tằm truyền lại cho nhân dân Đoàn Lâm một nguồn thu nhập lớn. Còn ở Thanh Xuyên, xung quanh có nhiều nơi trồng dâu, dọc sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ có điều kiện tốt cho phát triển nghề tằm. Chính vì vậy, nhân dân Thanh Xuyên đã sang quê ông học nghề để giống chăn tằm. Nhớ ơn người có công khai sáng ra nghề hàng ngài, Thanh Xuyên đã tôn ông làm tổ sư của nghề hàng ngài và từ đấy ông được ngự trị trong tâm thức của người dân nơi đây.

Nghề hàng ngài là chăn tằm, kéo kén, buôn bán, mua để giống, rồi nhân giống tốt sẽ bán cho các nơi nuôi tằm kéo kén. Người ta mua kén tốt, kén đẹp, lọc ra làm giống, kinh doanh bán giống tốt, còn các kén được loại thì lọc dùng để quay tơ. 
Xưa người Thanh Xuyên có đến gần hai phần ba số hộ dân làm nghề hàng ngài, thường 1 tạ kén được làm từ 5 lao động chính. Đó là nghề phụ nhưng thu nhập lại là chính, nên đã tạo công ăn việc làm cho người dân nơi đây lúc nông nhàn. Làng lập “Hội làng ngài” lấy trứng bán đi khắp các vùng trong nước. Đến nay tuy dân làng không còn tiếp tục duy trì làm nghề hàng ngài nữa, nhưng những ký ức về nghề hàng ngài vẫn còn mãi mãi. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thanh Xuyên - địa danh vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO