Hoa gạo hồ Gươm - Ảnh: Xuân Chính
Các trại sáng tác được mở liên tục hơn, với các chuyên đề đi sâu vào các chủ đề lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội; các cuộc hội thảo khoa học và đi thực tế cũng tập trung vào các vấn đề trọng tâm của Thăng Long – Hà Nội 1000 năm. Thành phố cũng ban hành các văn bản mới, quy định việc mở rộng ký hợp đồng đặt hàng các công trình và sản phẩm chất lượng cao, không hạn chế khối lượng và giá trị đầu tư, nếu cần thì cho phép ký hợp đồng theo giá thỏa thuận, không cần đấu thầu đối với các tác phẩm và công trình mang giá trị sáng tạo.
Những bước đi đột phá ấy đã đem lại nhiều kết quả đầy thuyết phục: Tượng đài Thánh Gióng ở trên đỉnh Sóc Sơn và Con đường gốm sứ dọc đê sông Hồng là hai tác phẩm hoành tráng ở ngoài trời được hoàn thành đúng dịp Đại lễ 1000 năm đầy ý nghĩa ấy. Các bộ tiểu thuyết lịch sử của tác giả Nguyễn Xuân Khánh và Hoàng Quốc Hải cũng là những thành tựu đáng nhớ trong thời kỳ này. Tập thơ tuyển của tác giả Dương Kiều Minh, vở thanh xướng kịch (oratorio) “Hoa Lư - Thăng Long” của nhạc sĩ Doãn Nho, tập sách “Ảnh nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội” của nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng, tác phẩm “Thiên đô” của họa sĩ Nguyễn Đình Huống, bộ sách biên khảo “Hội làng Thăng Long - Hà Nội” gồm 3 tập, do soạn giả Lê Trung Vũ chủ biên và “Nghệ thuật múa cổ truyền và hiện đại” của tác giả Lê Ngọc Canh… đều là những tác phẩm và công trình có chất lượng cao, thể hiện tâm huyết của văn nghệ sĩ Thủ đô đối với Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi.
Điểm qua các tác phẩm được trao Giải thưởng VHNT Thủ đô năm 2012, chúng ta vui mừng thấy nhiều tên tuổi quen thuộc với VHNT Thủ đô vẫn sáng tác đều và có nhiều thành tựu, đơn cử như nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ với tập truyện “Thành phố đi vắng”, nhà văn Tạ Duy Anh với tập truyện “Lãng du”, nhà thơ Vũ Quần Phương với tập sách bình thơ và thẩm định thơ. Về Sân khấu, năm 2012 có các vở diễn gây tiếng vang là “Những gương mặt thấp thoáng”, vở kịch về đề tài xã hội hiện đại của Nhà hát Kịch Hà Nội (kịch bản Xuân Đức, đạo diễn Doãn Hoàng Giang) và “Linh thiêng hai tiếng đồng bào”, múa rối nước của Nhà hát Múa rối Thăng Long (kịch bản của Hoàng Tuấn và Đặng Tiến, âm nhạc của Đặng Hữu Phúc, lời bình của TS Phạm Quang Long).
Về Điêu khắc, có tượng đài “Khâm Thiên căm thù, bất khuất” của Nguyễn Tự, được dựng lên ở Khu tưởng niệm phố Khâm Thiên đúng 40 năm sau ngày Khâm Thiên bị B.52 hủy diệt trong trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972. Về Điện ảnh, có tác phẩm “Ngôi nhà 30 liệt sĩ” (biên kịch và đạo diễn NSND Lê Thi), miêu tả đầy cảm xúc về các thế hệ chiến sĩ và nghệ sĩ, đã từ ngôi nhà số 17 phố Lý Nam Đế lên đường ra trận và không bao giờ trở về. Về đề tài lịch sử Điện ảnh, năm đó còn có cả tác phẩm “Phật hoàng Trần Nhân Tông”, phim tài liệu nghệ thuật tái hiện lại cuộc đời và sự nghiệp của đức vua Trần Nhân Tông và còn cố gắng đi sâu vào diễn giải nội dung căn bản trong tư tưởng Thiền của Người.
Về Điện ảnh, có bộ phim tài liệu nhựa “30 tháng Tư, ngày thống nhất” (biên kịch Lê Thi, Phạm Minh Lợi, quay phim Vũ Trọng Quảng). Thông qua các nhân chứng lịch sử từ hai phía, các tác giả đã cho thấy một cái nhìn trung thực, khách quan khi nhìn lại 40 năm ngày thống nhất đất nước và các bài học lịch sử cần đúc rút. Một cuốn phim tư liệu nghệ thuật thú vị nữa là phim “Lang thang như đám mây trời” (biên kịch Lương Đức, đạo diễn Trịnh Quang Tùng, quay phim Dương Văn Huy), đặc tả chân dung nhà văn hóa Hữu Ngọc, người đã suốt 70 năm làm công tác nghiên cứu và quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, đã viết hơn 30 đầu sách giá trị bằng các thứ tiếng Pháp, Anh và Đức để bạn bè nước ngoài hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam. Nay đã cận kề tuổi 100, ông vẫn cứ “lang thang như đám mây trời”, lúc ở trong nước, lúc ra nước ngoài, say mê và đầy sảng khoái, hào hứng với công việc thú vị và hữu ích của mình. Về Âm nhạc, có một tác phẩm thuộc thể loại romance trích từ opera, trên nền nhạc piano của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính “Huyền diệu biển”, được đánh giá cao vì tạo được hiệu ứng thẩm mỹ hài hòa, lời và nhạc hòa quyện, tôn tạo cho nhau khi biểu diễn. Hội Kiến trúc sư Hà Nội thì được vinh danh với đồ án thiết kế “Quy hoạch chung thị xã Sơn Tây”, một đồ án công phu và khá hoàn chỉnh, mang tính quy hoạch định hướng cho một thị xã có truyền thống lịch sử văn hóa xứ Đoài vừa cổ kính vừa hiện đại (các tác giả thiết kế: KTS Lưu Hồng Quang và KTS Lê Thị Thu Hà), là một đô thị trọng điểm đang trên đà khởi sắc và phát triển, với quy mô 20 vạn dân trong chùm đô thị sinh thái có tính chiến lược ở phía Tây Thủ đô. Về tác phẩm Mỹ thuật, có “Giấc mơ Long Biên”, tranh sơn mài của họa sĩ Trần Văn Ninh, một giấc mơ đẹp muốn được bằng tâm linh và màu sắc hội họa, lưu giữ lại những con phố cổ, cây cầu Long Biên, những tán cây cổ thụ, những ngõ nhỏ thân quen đầm ấm của Hà Nội thân thương, cho dù đã trải qua bao nhiêu thăng trầm khắc nghiệt của thời gian và biến động lịch sử. Về Sân khấu, có vở chèo “Nàng thứ phi Đặng Thúy Hạnh” (kịch bản Nguyễn Toàn Thắng, chuyển thể chèo Xuân Hanh, đạo diễn Doãn Hoàng Giang), đã đạt huy chương Vàng Liên hoan Nghệ thuật Chèo toàn quốc 2016. Về múa rối, có vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, là vở rối cạn do NSƯT Nguyễn Văn Tiến chuyển thể thành công từ kịch bản của Lưu Quang Vũ, đạo diễn Lê Chí Kiên), đã đoạt Giải “Tiết mục Rối thử nghiệm xuất sắc nhất” tại Liên hoan Sân khấu Thử nghiệm Quốc tế 2016. Về Văn nghệ dân gian, có tập nghiên cứu “Làng ven đô và sự biến đổi văn hóa”, của các tác giả Nguyễn Thị Phương Châm và Đỗ Thị Lan. Thông qua thực tiễn biến đổi đa dạng về văn hóa và nếp sống của làng Xuân Đỉnh, một làng quê ven đô, các tác giả đã khái quát được các xu thế chuyển hóa và thích ứng linh hoạt của người dân khi bước vào quá trình đô thị hóa, trong đó có việc tái cấu trúc các nét văn hóa truyền thống và du nhập thêm các yếu tố mới, hiện đại, đồng thời làm rõ được sự chủ động thích nghi của người dân trước mọi thách thức phức tạp, trong cả quá trình hội nhập.