Tháng Tư kỉ niệm

Ngô Nữ Thùy Linh| 12/04/2022 07:44

Tháng tư, nắng dát lên tường nhà một vệt dài, hắt qua giàn chanh leo, lấp lánh quả xanh tím. Những loa kèn trắng nở rộ trước cổng nhà, mùi thơm thoang thoảng, dễ chịu. Cha ngồi bên chiếc chõng tre, lim dim đôi mắt, dõi theo đàn bò thủng thẳng kiếm ăn buổi mai. Ấm trà mới pha, dịu nhẹ hương lài.

Tháng tư kỉ niệm
Tác phẩm “Trên chặng đường chiến dịch” của họa sĩ Nguyễn Thanh Châu.

Cha già yếu theo thời gian, vết thương bom đạn ngày nào hằn lên khóe mắt, những nếp nhăn xô lại, vầng trán cao năm xưa giờ đây cứ nhíu liên tục bởi tuổi tác không còn cho phép như trước nữa. Người cựu quân nhân ấy vẫn hăng say công việc vườn tược trong nhà. Sáng xách thùng ra tưới vườn rau, chiều mát lại lụi cụi nhổ cỏ, tỉa cây, cắt cành. Đối với cha, những tháng ngày đoàn tụ bên con cháu là niềm vui, hạnh phúc lớn lao nhất cuộc đời. Cha bảo, hồi chiến tranh, đào hầm, tránh địch, hành quân xuyên đêm, nhiều khi chỉ muốn ào về bên gia đình, thưởng thức củ sắn, củ khoai. Nằm dưới ụ rơm của nội, nghe tiếng đài phát thanh rù rì và tự tay chăm sóc cho những đứa con thơ. Đợt đóng quân gần nhà, cha chở anh hai xuống tận đơn vị, các bác, các chú xúm xít. Bảo bộ đội thì nghèo, nên mấy chú rủ nhau đi hái rau rừng, tìm thêm được mấy con chẫu chuộc. Vậy là làm thịt, chiên lên cho đứa con nít nhỏ nhất tiểu đoàn ăn. Hôm đó đi về, trời mưa phùn lất phất. Không hiểu sao cha đi xe nghiêng ngả, khi qua cầu thì anh hai rơi tõm xuống sông. Bà con gần đó xúm xít chạy ra lặn ngụp tìm. Trời rét căm căm, lúc đưa lên thì anh hai đã tím ngắt, bác hàng xóm nổi lửa hơ bụng hơ người, xoa dầu khắp nơi. Có lẽ vì đợt ngã khủng khiếp đó nên anh hai cực kì sợ nước. Cha ôm nỗi ân hận đó đến tận bây giờ.
Tháng tư, mỗi lần cha mặc bộ đồ quân phục, chỉnh trang tinh tươm, là tôi biết cha sắp đi thăm đồng đội cũ. Thường thì cha sẽ gọi điện thoại một vòng, xem những đồng đội còn lại được bao nhiêu người đi, vì có thể sức khỏe yếu nên một số chú, bác cũng không thể ngồi xe được. Rồi mọi người sẽ cùng nhau ra nghĩa trang, thắp nén nhang cho người hi sinh, đốt cho nhau mấy điếu thuốc, tâm tình thời chiến. Những người cựu chiến binh tuổi xế chiều, bước đi tấp tểnh. Người thương binh, người bệnh binh, nhưng đã từng chung nhau một chiến hào, một mục tiêu cuộc sống, đó là chiến đấu hết mình để bảo vệ Tổ quốc.
Tháng tư, cha bảo những ngày này luôn làm cho cha nhớ từng khoảnh khắc thời chiến. Nhớ mấy đứa bạn ở mọi miền Tổ quốc, hội tụ cùng nhau, đứa giọng Nam, đứa giọng Bắc, đứa lại miền Trung. Quen nhau chớp nhoáng, rồi cứ thế trải qua với nhau bao nhiêu ngày tháng gian nan. Những khi thời gian thảnh thơi một chút, mọi người sẽ lại xúm xít với nhau, kể chuyện quê nhà. Về người mẹ già tần tảo sớm hôm, ngày ngày trên cánh đồng, kiếm miếng cơm, tấm áo, phụ giúp nơi chiến trường. Về những người vợ hiền thảo, quanh năm quần quật nuôi con một mình, làm hậu phương vững chắc cho chồng, cho em trai, anh trai yên tâm chiến đấu. Nắng tháng tư rọi đều, ươm vàng những bước chân hành quân. Mỗi khi ngồi nghỉ bên sườn dốc thoai thoải, lại nghe văng vẳng tiếng gà trưa. Tiếng kẽo kẹt ru nôi và mùi khói lam chiều. Đâu đó, pháo nổ đì đùng. Trong buổi mai đầy nắng và gió ấy, cũng có những bước chân lặng lẽ, nặng trĩu suy tư sau mỗi mất mát. Quân số dần dần rơi rớt, ám ảnh khói bụi chiến trường. Trong lớp mờ mờ sương ảo đó, lâu lâu người ta lại thấy phảng phất hình ảnh một binh sĩ, vác súng chạy bán sống bán chết. Hay tiếng bom mìn nổ chói tai ngay cạnh hầm trú ẩn.  
Tháng tư về gợi trong họ biết bao kỉ niệm vui buồn thời chiến tranh. Đau đáu một nỗi niềm xa xăm về những đồng đội ngã xuống đất Tây Nguyên, chiến trường miền Nam mà chưa thể tìm thấy thi hài. Những người cựu chiến binh đeo trên mình huân, huy chương kháng chiến nhưng trong lòng họ, chắc hẳn chưa bao giờ quên những khoảnh khắc vào sinh, ra tử cùng nhau. Chưa bao giờ quên lúc hoạn nạn khó khăn, ngồi chia nhau củ khoai, củ sắn. Những lúc như vậy, những người chiến sĩ lại yêu cuộc sống biết nhường nào. Ngồi vác cây sung, nhìn về phía xa xăm để mong chiến tranh nhanh kết thúc, được hát bài ca hòa bình. Bây giờ, mỗi khi ăn cơm, tôi thường thấy cha lầm rầm mấy câu trong miệng. Cha bảo, mời ông bà tổ tiên, mời đồng đội đã mất cùng về ăn. Những ngày tháng gian nan, những đứa bạn chẳng kịp ăn miếng cơm độn, đã vội đi sang thế giới bên kia. Nghe cha kể thôi, thấy thương vô bờ.
Tháng tư, nắng rót vàng mật ong. Cha mặc quần áo chỉnh tề, lại ríu rít điện thoại. Trong ánh mắt ấy, ánh lên niềm hạnh phúc. Hôm qua, cha bảo bên bảo tàng quân khu điện về, nghe nói đã tìm thấy hài cốt một số đồng đội. Cha khỏe khoắn hẳn ra, chuyến xe đi đến Tây Nguyên sẽ xuất phát. Cha là người xung phong đầu tiên. Niềm tin mãnh liệt về việc tìm lại đồng đội cũ luôn thôi thúc bước chân cha. Cha bảo, chiến tranh khốc liệt sá gì, nay hòa bình rồi, tìm cho đông đủ anh em chứ, mai này có về thăm tổ tiên, có hội bàn đào ngồi với nhau uống trà. Anh hai xin nghỉ làm mấy hôm, phụ trách chở cha và đồng đội đi một chuyến. Hành trình tháng tư kỉ niệm, bắt đầu với những chuyến xe…
(0) Bình luận
  • Yêu Hà Nội từ những trang văn
    Dẫu không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng tôi yêu Hà Nội tha thiết. Tình yêu này có lẽ đã có trong tôi từ khi còn thơ bé. Thuở ấy, Hà Nội còn là giấc mơ xa xỉ với một đứa trẻ suốt ngày quanh quẩn bên ruộng đồng vườn tược, bên những dòng sông tít tắp miền Tây Nam Bộ xa xôi.
  • Cô giáo chủ nhiệm mới
    Ngày đầu tiên tới trường luôn là ngày hồi hộp nhất trong cả năm học. Nhưng đối với Hà, cứ nghĩ đến việc phải từ bỏ mọi sự thoải mái trong những ngày hè để lê người đi học là thấy ngại.
  • Có phải em, mùa thu…
    Bầu trời hôm nay như rộng hơn, mây như xanh hơn, gió như thanh mát hơn, mênh mang đến tận cùng. Gió cuối hạ lang thang đầu dãy phố, la đà trên vòm phượng xanh biếc còn sót lại những bông hoa cuối mùa bừng lên rực rỡ. Có phải em, mùa thu…!
  • Cơm cà muối mặn, rưng rưng ngày bão
    Đã hai ngày rồi, cơn bão ghé ngang qua nhà. Mẹ ngồi buồn bã trước thềm. Mưa gió, đàn vịt, đàn gà chẳng đi kiếm ăn được. Chúng nép mình dưới bụi chuối, co ro bởi đôi cánh đã ướt rượt. Đàn gà con nối đuôi nhau, lạc giọng tìm mẹ.
  • Nhớ những cơn mưa quê hương
    Đêm trời Âu, những tia chớp dọc ngang như xé toạc không gian thành trăm mảnh. Ngả nghiêng theo tiếng sấm là màn mưa lộp bộp, rì rào… rồi ào ào như thác đổ. Mưa mùa hạ. Đích thực là mưa mùa hạ...
  • Hương sen vương vấn sợi trà
    Những ngày còn công tác ở Hà Nội, ông ngoại tôi đã xin được giống sen Hồ Tây về trồng trong đám ruộng lầy cải tạo thành ao, bờ mòn dần hóa thành đầm sen đầu tiên ở bản. Những nhà hàng xóm ngắm bông sen to, đẹp thơm ngát một vùng thì đến xin vài ngó già.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Tháng Tư kỉ niệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO