Tết trẻ con và những mùa hè được người lớn "lập trình"

Nhà báo Phạm Trung Tuyến/ANTĐ| 01/06/2018 16:24

Hôm nay, tôi nhận được 200.000 đồng. Đó là món quà 1-6 mà cơ quan gửi cho hai đứa con nhỏ của tôi. Tối, tôi thông báo cho bọn trẻ về món quà, giải thích ngày 1-6 là Tết Thiếu nhi. Chúng đồng thanh: “Bọn con biết rồi, nhưng mà chẳng thấy giống tết gì cả”.

ảnh 1Trẻ em bây giờ dường như không còn nhiều ý niệm về Tết thiếu nhi - Ảnh: Lam Thanh

Thực ra, tôi không ngạc nhiên về phản ứng của bọn trẻ. Bởi, ngày 1-6 đối với chúng không có gì đặc biệt so với những ngày thường. Tôi chỉ bất chợt nhớ, về những ngày thơ ấu của mình, về ngày 1-6 của tôi khi xưa, khi đó thực sự là ngày tết của trẻ con.

Không biết những người cùng trang lứa của tôi ra sao, chứ với tôi, 1-6 còn hơn cả tết. Từ giữa tháng 5, khi thi học kỳ xong, tôi đã bồn chồn mong ngày đó sẽ đến. Sáng nào tôi cũng tự mình xé tờ lịch, nhẩm đếm những ngày chờ đợi. Đêm nào tôi cũng thao thức với những kế hoạch cho mùa hè 3 tháng. Thường, mùa hè tôi sẽ được về quê, nghĩa là tôi sẽ được gặp lại bạn cũ sau một năm xa cách.

Tôi thường lên kế hoạch cho mùa hè của mình từ rất sớm. Những cuốn sách nào sẽ mang về quê để đọc, để chia sẻ với lũ bạn quê? Những món đồ chơi thị thành nào sẽ khiến bọn bạn quê thích thú, những câu chuyện gì sẽ kể với chúng nó, những trò nghịch dại của bọn trẻ phố có thể phổ biến nơi làng quê? Trong đầu tôi đầy những dự định, đầy những âm mưu trong khi chờ đợi.

ảnh 2Nhà báo Phạm Trung Tuyến

Ngày 1-6, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ dài, tôi theo ông cậu, lúc ấy là sinh viên trường Y, ra bến xe đi về Nam Định. Từ thành phố Nam Định, cậu cháu tôi chở nhau, cùng với hai cái hòm tôn trên một cái xe đạp lọc xà lọc xọc hơn 40 cây số để về nhà ông ngoại.

Đi từ sáng, nhưng thường về đến nhà thì trời đã đầy sao. Cả một tiểu đội trẻ con đã đợi tôi nơi cái sân gạch nhà ông ngoại. Bọn trẻ, có đứa tôi phải gọi bằng cậu, có đứa là anh, thậm chí có đứa là ông trẻ… nhưng mà không quan trọng, lúc đó mày tao chí tớ hết. Đêm đó là đêm trừ tịch của bọn tôi, cả lũ trẻ tranh nhau kể chuyện, những sự kiện trong suốt một năm học, từ mùa hè năm trước đến mùa hè năm nay.

Chúng tôi rải chiếu giữa sân, nghe nắng mùa hạ thấm ngược lên từ nền sân gạch, nghe sương đêm nhè nhẹ thở trên trời, và nghe những câu chuyện trẻ con rì rầm bất tận rồi ôm nhau thiếp đi trong tiếng dế chân tường.

Mùa hè của tôi xưa thường bắt đầu như thế, bằng một đêm giao thừa 1-6, và miên man suốt 3 tháng trời với biết bao kỷ niệm. Sau mỗi mùa hè, tôi thấy mình lớn lên nhiều lắm, rất nhiều kỹ năng mới được học cùng bạn bè, từ cách phát hiện hang cua nào có rắn, đến cách vượt cửa sông khi nước rút cuối chiều. Hết mùa hè, khi trở lại thành phố, trở lại trường học, tôi lại mong ngày 1-6 năm sau.

Các con của tôi bây giờ không có nhiều ý niệm về ngày 1-6. Chúng có quá nhiều cái tết trong một năm. Chúng có Trung thu, có ngày Halloween, có cả Giáng sinh để nhận quà. Món quà 1-6 chúng nhận rất thờ ơ. Bọn chúng nghỉ hè cả một tuần trước 1-6, ngay sau khi có kết quả thi học kỳ. Mùa hè của chúng năm nào cũng thế, sẽ là những học kỳ ngoại khóa được thiết kế chuyên nghiệp, là những lớp học thêm, vài ngày du hý cùng bố mẹ. Chúng gần như không có những kế hoạch cho riêng mình, thay vào đó là những chương trình tiện lợi và “bổ ích” theo cách nhìn nhận của mẹ cha. 

Tôi không bất ngờ với sự hờ hững của lũ trẻ con tôi trước ngày Tết Thiếu nhi. Bởi, tôi biết rằng chúng không được may mắn như mình. Bởi, với tôi, ngày 1-6 xưa kia là ngày tết của sự tự do, là khởi đầu cho những tháng ngày rong chơi bất tận, khám phá thế giới xung quanh, khám phá chính tuổi thơ của mình, và quyết định tương lai của mình bằng những ước mơ chia sẻ cùng lũ bạn đêm hè. 

Các con tôi thì khác, chúng sẽ trải qua một mùa hè được mẹ cha lên kế hoạch, chúng sẽ được định hướng tương lai bằng ước mơ của mẹ cha. Và mỗi mùa hè mẹ cha chúng lại có thể mang về một ước mơ mới mẻ, theo trend.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Tết trẻ con và những mùa hè được người lớn "lập trình"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO