Để người nông dân không bị bỏ lại phía sau khi nông nghiệp chuyển mình theo hướng công nghệ cao, từ nhiều năm nay Tập đoàn TH đã tự nhận lãnh sứ mệnh dẫn dắt bà con trên hành trình vất vả nhưng đáng tự hào này. TH mong muốn đưa bà con vào chuỗi liên kết chăn nuôi bò sữa công nghệ cao, để người dân được hưởng lợi và cùng doanh nghiệp làm ra ly sữa đồng nhất hoàn mỹ về chất lượng, có thể tự tin xuất khẩu.
Để hiện thực hóa lộ trình này, TH đã triển khai liên kết chăn nuôi – sản xuất với nông dân tại Đà Lạt – Lâm Đồng, qua thương hiệu sữa tươi Dalatmilk. Họ cũng đang triển khai tương tự tại Thanh Hóa và mới đây nhất là Kon Tum với Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao vừa khởi công ngày 18/9 tại xã biên giới Mô Rai – Sa Thầy.
Tại lễ khởi công, rất đông người dân huyện Sa Thầy đã có mặt và bày tỏ sự chờ đợi những đổi thay mà dự án sẽ mang lại cho mảnh đất này.
Ông A Blong, đại diện Già làng xã Mô Rai, huyện Sa Thầy có mặt từ sớm tại lễ khởi công dù trời mưa lớn từ sáng khiến nền đất bazan vùng cao nguyên trơn tuột, lầy lội. Khi được hỏi, người dân Mô Rai (đa số là người dân tộc thiểu số) mong muốn điều gì từ dự án, Già làng phát biểu giản dị: “Bà con chỉ mong muốn dự án triển khai sớm để bà con được hưởng lợi, trồng cỏ, chăn nuôi bò để có thu nhập tốt hơn, xóa đói giảm nghèo!”.
Già làng A Blong – xã Mô Rai – huyện Sa Thầy – Kon Tum.
Già làng A Blong năm nay 67 tuổi, dân tộc Rờ Măm, đã sống ở mảnh đất này từ khi sinh ra. Ông đã chứng kiến những đổi thay tại đây: “Trước dân khổ lắm, nhưng nay đã thay đổi nhiều, điện đường trường trạm đều có. Từ khi có các công ty tới đầu tư, bà con đỡ vất vả hơn, nay lại có công ty TH lên đây nữa bà con rất mừng, trong lòng bà con đều nhất trí đồng lòng theo công ty”. Lời nói của Già làng ở một xã vùng biên chủ yếu là người dân tộc thiểu số như Mô Rai mang sức nặng của tâm tư tình cảm của phần đông người dân và cũng có sức nặng thuyết phục họ khi cần.
Theo Già làng A Blong, người dân vùng này chưa biết chăn nuôi bò sữa là gì, nhưng nếu được chuyên gia hướng dẫn về kỹ thuật, công nghệ thì họ sẽ học hỏi và làm theo được. Hiện bà con sống chủ yếu bằng trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê) hoặc cây ngắn ngày như sắn, lúa nhưng thu nhập bấp bênh, đời sống còn nhiều khó khăn.
Tại Kon Tum, TH đặt mục tiêu phát triển đàn bò liên kết với nông dân lên 20.000 con. Với mỗi hộ 5-10 con bò sữa, vậy sẽ có khoảng 2.000-4.000 hộ nông dân của huyện Sa Thầy và các vùng lân cận trong tỉnh Kon Tum tham gia hợp tác xã, tiếp cận cơ hội cải thiện thu nhập và làm giàu cho gia đình.
Ông Phạm Văn Oanh, 55 tuổi, Hội Cựu chiến binh xã Sa Bình (xã bên cạnh Mô Rai) bày tỏ kỳ vọng: “Thu nhập 6-7 triệu/một tháng chưa kể nguồn thu từ việc trồng vùng nguyên liệu như tôi được nghe lãnh đạo TH nói tại lễ khởi công, tôi thấy mức thu nhập đó là quá hấp dẫn với bà con nơi đây. Tôi đã động viên gia đình con gái tôi đăng ký tham gia hợp tác xã. Hiện vợ chồng cháu làm nông, thu nhập không đảm bảo”.
Trước đó, khi tỉnh thu hồi đất làm dự án, gia đình ông Oanh cũng nhanh chóng bàn giao gần 1 hecta với mong muốn ủng hộ để dự án sớm đi vào hoạt động.
Nhiều bà con huyện Sa Thầy đến dự sự kiện lễ khởi công Dự án và mong trang trại, nhà máy, mô hình hợp tác xã sớm đi vào hoạt động để bà con được hưởng lợi.
Thời điểm khởi công Dự án tại Kon Tum, đã có trên 20 hộ dân sẵn sàng kí cam kết tham gia vào mô hình hợp tác xã để nhận chuyển giao công nghệ từ TH.
Bí thư huyện ủy Sa Thầy, ông Nguyễn Ngọc Sâm, ngoài đánh giá cao việc dự án sẽ giải quyết công ăn việc làm cho người dân trong huyện, còn đặc biệt nhấn mạnh: “Dự án cũng nâng cao hiệu quả sử dụng đất và giải quyết các vấn đề môi trường nông thôn hiện nay, vì phát triển chăn nuôi bò sữa sẽ giảm các hình thức chăn nuôi truyền thống khác như hình thức nuôi thả rông, chuồng trại không đảm bảo vệ sinh”.
“Bản phác họa” người nông dân – công dân công nghệ cao
Tham gia vào hợp tác xã công nghệ cao, bà con nông dân được hỗ trợ vay vốn ngân hàng để mua bò, xây dựng chuồng trại; được TH gắn chip cho bò để theo dõi mọi hoạt động của bò bằng công nghệ cao và thiết bị thông minh; được hỗ trợ về thú y; hỗ trợ cung cấp thức ăn cho bò; bao tiêu hoàn toàn sữa tươi nguyên liệu.
TH sẽ xây dựng một nhà máy chế biến thức ăn để cung cấp thức ăn tinh cho đàn bò nông hộ, xây dựng trạm thu mua và tiến hành kiểm tra sản phẩm sữa ngay trong ngày khi người nông dân mang sữa đến.
TH quyết tâm giúp người nông dân Kon Tum được cải thiện đời sống, tăng thu nhập, giống như người dân Nghĩa Đàn, Nghệ An 10 năm qua. Ảnh: Dàn tưới tự động của trang trại bò sữa TH tại Nghĩa Đàn.
Chia sẻ với bà con nông dân tại lễ khởi công dự án sữa tại Kon Tum, bà Thái Hương (Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH) khẳng định: “Theo mô hình mỗi hộ 5-10-20 con bò sữa, sau 5 năm bà con sẽ thu được toàn bộ giá trị đầu tư ban đầu và thực sự làm giàu được với con bò sữa. Tôi quyết tâm giúp người nông dân ở đây cũng được cải thiện đời sống, tăng thu nhập, giống như người nông dân Nghĩa Đàn – Nghệ An từ 10 năm nay”.
Bà Thái Hương làm một phép tính đơn giản để cụ thể hóa những điều mà người nông dân có thể được hưởng lợi khi tham gia mô hình hợp tác xã kiểu mới – hợp tác xã công nghệ cao của TH: Sau một vài năm nữa, bà con ở đây sẽ trở thành những công dân của thời đại 4.0, lương 1 tháng thấp nhất cũng 6-7 triệu đồng. Cùng với lương là lãi suất của tiền đền bù đất đai, chưa kể thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, chẳng hạn như trồng ngô sinh khối, bán cỏ cho trang trại TH.
Tư duy của tôi là phải đưa cho người dân công việc mà họ muốn làm trên mảnh đất của họ, và cần phải có những doanh nhân và doanh nghiệp đủ Tâm – Trí – Lực đi cùng nông dân thông qua hợp tác xã, nhằm phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo bền vững chứ không phải chỉ thoát nghèo tạm thời” – Nhà sáng lập Tập đoàn TH lý giải nền tảng tư duy dẫn lối cho chuỗi hành động của TH.