Tiếp tục tăng trưởng tốt
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (TCTK), tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý II/2018 đạt mức 6,79%.
Khu vực dịch vụ tăng trưởng tích cực ở mức 6,9% trong 2 quý đầu năm, mức tăng cao nhất kể từ 2012. Trong đó, bán buôn và bán lẻ tiếp tục là ngành có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung của khu vực dịch vụ với mức tăng 8,21%. Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế tới Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 7,9 triệu lượt, tăng 27,2%.
Tăng trưởng 6 tháng đầu năm của khu vực nông - lâm - ngư nghiệp đạt mức cao nhất trong 7 năm với mức tăng 3,93%. Nông nghiệp tiếp tục có sự phục hồi khá rõ nét. Những thuận lợi về thời tiết và giá cả thị trường cũng mang lại mức tăng trưởng cao nhất 8 năm qua cho ngành thủy sản.
Khu vực công nghiệp và xây dựng, nửa đầu năm có mức tăng trưởng tích cực 9,07%, cao hơn khá nhiều so cùng kỳ các năm trước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của khu vực này với mức tăng 13,02%, cao nhất kể từ năm 2012. Tuy nhiên, ngành khai khoáng đã tăng trưởng âm trở lại trong quý II dẫn tới suy giảm 1,3% trong 6 tháng đầu năm, phản ánh mức tăng trưởng dương trong quý I chỉ mang tính thời vụ.
Các chỉ báo sản xuất công nghiệp tiếp tục cho thấy sự cải thiện tích cực trong quý II. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,5%, cao nhất kể từ năm 2011. Chỉ số tiêu thụ cũng duy trì mức tăng cao, đạt 11,9%. Trong khi đó, chỉ số tồn kho tuy có sự cải thiện so với quý I, nhưng vẫn cao hơn khá nhiều so cùng kỳ các năm trước, ở mức 11,4%.
Cũng theo số liệu của TCTK, nối tiếp xu hướng trong quý I, lạm phát tiếp tục gia tăng trong quý II. Lạm phát toàn phần tăng dần từ 2,66% trong tháng 3, lên 4,67% vào tháng 6. Tính chung 6 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 3,29% so cùng kỳ 2017. Đồng thời, CPI tính đến cuối tháng 6/2018, tăng 2,22% so với cuối tháng 12/2017.
Nhập khẩu tăng chậm lại
Trong khi đó, kim ngạch XNK quý II đã tăng chậm lại so cùng kỳ các năm trước. Cụ thể, XK và NK lần lượt tăng 10,20% và 6,03%. Thặng dư thương mại quý II đạt xấp xỉ 1,4 tỷ USD, đánh dấu quý thặng dư thứ tư liên tiếp. Tính chung 6 tháng đầu năm, cán cân thương mại thặng dư 2,7 tỷ USD.
Khu vực FDI tiếp tục là đầu tàu thương mại của kinh tế Việt Nam với mức xuất siêu 8,06 tỷ USD, tăng tới 34,0% so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, khu vực nội địa vẫn chịu mức thâm hụt 6,66 tỷ USD (tương đương mức thâm hụt năm ngoái).
Sau khi đạt thặng dư 21,48 nghìn tỷ đồng trong quý II, cán cân ngân sách của Việt Nam đã thâm hụt trở lại tính chung 6 tháng đầu năm, dù tình hình vẫn tích cực hơn cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nửa đầu năm 2018, ước đạt 2.120,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, tiêu dùng đạt mức tăng 8,3%, thấp hơn mức tăng 8,4% của năm ngoái. Điều này, dường như phản ánh mặt bằng giá cả đã phục hồi tương đối mạnh trong năm nay.
Về thị trường tài chính tiền tệ, việc Fed tăng lãi suất lần thứ hai trong quý II, là một trong những nhân tố quan trọng nhất đẩy đồng USD tăng giá và khiến nhiều đồng nội tệ mất giá. Điều này, tác động đáng kể tới tỷ giá hối đoái VND/USD trong quý II.
Theo số liệu công bố của TCTK, tính tới thời điểm 20/6/2018, tăng trưởng tín dụng đạt mức 6,35% so với tháng 12/2017, thấp hơn so cùng kỳ năm trước.
Các NHTM còn phải nỗ lực nhiều trong nửa sau của năm để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% do NHNN đề ra. Trong khi đó, tăng trưởng huy động vốn của các NHTM lại cao hơn so cùng kỳ năm ngoái.
Vàng trong nước vẫn giữ được sự ổn định, trong khi vàng thế giới có xu hướng liên tục giảm mạnh trong bối cảnh rủi ro địa chính trị tạm lắng cùng với sự tăng giá của đồng USD.
Quý II, chứng kiến sự sụt giảm đáng kể của thị trường căn hộ, cả về lượng mở bán mới và lượng bán ra, so với quý I và quý II/2017. Trên cả 2 thị trường là TP. HCM và Hà Nội, phân khúc trung cấp vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn.
Cơ hội và rủi ro
Theo nhận định của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR - Đại học Quốc gia Hà Nội), trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn nổ ra, các nền kinh tế mở và nhỏ như Việt Nam sẽ đón nhận cả cơ hội và rủi ro.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của cả nền kinh tế với mức chỉ số sản xuất tăng cao. Ngành khai khoáng tăng trưởng âm trở lại - đặt ra thách thức tái cơ cấu lại ngành từng là ngành công nghiệp chủ đạo của Việt Nam. Lạm phát quý II tiếp tục gia tăng trong bối cảnh giá thực phẩm phục hồi mạnh mẽ cùng với sự gia tăng liên tục của giá nhiên liệu. Trong khi đó, lạm phát lõi trở lại ổn định sau khi tăng mạnh vào tháng 2, cho thấy NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng.
Thương mại Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tương đối thuận lợi của thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, độ mở của nền kinh tế lớn như hiện tại cũng đặt Việt Nam dưới nhiều rủi ro, thách thức nếu nền kinh tế toàn cầu bước vào thời kỳ suy giảm vì các cuộc chiến thương mại.
Theo VEPR, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, vẫn còn là bài học sống động cho Việt Nam. Một giải pháp khả thi đó là các DN cần tập trung hơn vào thị trường nội địa với sức mua ngày càng lớn. Nếu bỏ qua thị trường nội địa đầy tiềm năng, khả năng thua ngay trên sân nhà là rất lớn khi hiện tại có rất nhiều DN nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Tất nhiên, thị trường thế giới vẫn là cơ hội lớn nhất để sản phẩm của Việt Nam phát triển trong dài hạn nhờ lợi thế quy mô.
Cán cân ngân sách của Việt Nam thâm hụt trở lại vào quý II, cho thấy thặng dư trong quý I chỉ mang tính tạm thời và Việt Nam còn phải đối mặt nhiều thách thức trong ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong bối cảnh NH trung ương các nền kinh tế lớn có xu hướng thắt chặt tiền tệ cùng với nguy cơ lạm phát gia tăng mạnh trong thời gian gần, tồn tại một khả năng NHNN sẽ tăng lãi suất VND để ổn định tỷ giá. Đây là một rủi ro quan trọng mà các DN và nhà đầu tư cần lưu ý, vì lãi suất tăng sẽ thay đổi toàn bộ trạng thái các thị trường hiện nay.
Nhìn vào những số liệu tổng kết quý, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo ngại rằng, trong quý II, có những nhân tố có thể gây ra khó khăn cho kinh tế năm nay.
Nguy cơ bong bóng BĐS
Đánh giá về thị trường BĐS, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, cần thận trọng vì thị trường này vẫn đang nóng, kể cả sau khi dừng thông qua Luật Đặc khu. Theo đó, tín dụng đổ vào BĐS phải hơn 20%, chứ không phải 7,5%.
“Nếu chúng ta không cẩn thận mà cứ xem 7,5% là cột mốc, tôi e rằng các cơ quan quản lý sẽ nhìn nhận và quản lý thị trường này không chặt chẽ. Việc cung tăng quá nhiều so với cầu, thì sẽ xảy ra bong bóng, đây là một hiện tượng rất đáng lo. Tôi cho rằng, bong bóng có thể vỡ vào đầu năm 2019 hoặc trong năm 2019”, TS. Hiếu lo ngại.
Bàn về thị trường ngoại tệ, TS. Hiếu cho hay, tỷ giá biến động một cách lạ lùng trong vòng 1 tháng vừa rồi. Trong 5 tháng đầu năm, tỷ giá rất ổn định, đùng một cái, trong tháng 6, tỷ giá biến động mạnh, lúc lên đến 22.800 VND/USD và hiện tại dừng ở 23.080 VND/USD. Tức là trong 1 tháng, tỷ giá biến động cỡ 1,2%, trong khi 5 tháng đầu năm, biến động chưa quá 1%. Lý giải sự lạ lùng này, TS. Hiếu cho rằng, có thể do 2 vấn đề đó là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và thị trường chứng khoán.
TS. Phạm Thế Anh (ĐH Kinh tế quốc dân) đánh giá, bức tranh đẹp của 6 tháng đầu năm là nhờ quý I, chứ không phải quý II. Kinh tế Việt Nam, quý nào cũng nhận diện được rủi ro, chưa khi nào chúng ta an tâm, lạc quan vào tương lai. Trong đó, có vấn đề tài khóa chưa lúc nào có thể yên tâm được. Hơn nữa, kinh tế Việt Nam hiện tại còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài, do đó chúng ta luôn luôn bất ổn.