Dù bàn về dự thảo luật điện ảnh nhưng khái niệm “phim” mà Chủ tịch nước nói ở đây phải hiểu không chỉ riêng phim điện ảnh mà còn bao gồm cả phim truyền hình. Phim điện ảnh là phim nhựa được làm để chiếu tại rạp. Phim truyền hình là phim được sản xuất đại trà để phát sóng trên các kênh truyền hình. Xét về phạm vi lưu hành, đối tượng khán giả và tác động xã hội thì phim truyền hình có thể nói lợi thế hơn hẳn phim điện ảnh. Do đó, nhiều phim điện ảnh sau khi chiếu rạp cũng đã được phát hành dưới dạng video, DVD để phát sóng trên truyền hình nhằm tiếp cận được với số lượng khán giả nhiều hơn.
Bài viết này nhìn nhận vấn đề mà Chủ tịch nước đặt ra chủ yếu ở góc độ phổ biến phim trên hệ thống truyền hình quốc gia (điều 21 của dự thảo). Đây cũng là vấn đề mà dư luận đã phản ánh từ lâu nhưng hình như vẫn không có gì thay đổi, thậm chí phim nước ngoài ngày càng phủ sóng truyền hình trên diện rộng từ trung ương đến địa phương. Bất kỳ giờ nào trong ngày, bật các kênh truyền hình lên, đều thấy nhà đài chiếu phim nước ngoài, đặc biệt là phim Trung Quốc, chiếm số lượng và tần suất chủ yếu.
Trên facebook cá nhân, TS. Nguyễn Ngọc Chu cho rằng việc để cho phim nước ngoài chiếm sóng hầu hết các kênh truyền hình (cả nước có khoảng 200 kênh truyền hình của trung ương và địa phương) có thể xem đấy là “cuộc xâm lược mềm, vô cùng nguy hiểm. Chiếu phim nước nào là quảng bá cho nước đó, là chịu ảnh hưởng có mức độ của nước đó”. Theo ông, “Văn hoá là sức sống độc lập của một dân tộc. Khi người lớn hoạt động trong lĩnh vực văn hoá tự mình bị phụ thuộc vào văn hoá nước khác thì không thể nào truyền cho trẻ thơ một nền văn hoá độc lập”.
Giờ thêm câu hỏi mà người đứng đầu Nhà nước đặt ra, các cơ quan hữu trách không thể không có động thái tích cực trước “cuộc xâm lược mềm, vô cùng nguy hiểm” bằng phim ảnh.
Trong status nói trên, TS Chu đề xuất: “Các Tổng giám đốc các đài truyền hình VTV, VTC và lãnh đạo của tất cả các kênh truyền hình khác cần một sự thức tỉnh. Đây cũng là lúc Ban Tuyên giáo Trung ương cần vạch ra ranh giới”.
Đó là cách tốt nhất cần làm ngay để giải đáp một phần câu hỏi Chủ tịch nước đã đặt ra, nhìn từ góc độ quản lý nhà nước.
Bởi không chỉ phát sóng quá nhiều phim nước ngoài mà chúng ta còn để lọt nhiều phim có nội dung, hình ảnh xuyên tạc lịch sử, xâm phạm chủ quyền đất nước. Có thể dẫn chứng những phim như thế đã từng lọt qua chế độ kiểm duyệt được cho là “gắt gao” để được công chiếu trong nước như phim Điệp vụ Biển Đỏ (2018), phim Everest - người tuyết bé nhỏ (2019).
“Văn hóa dân tộc (trong đó có điện ảnh - người viết) rất quan trọng, nhưng lại là khâu yếu trong thời gian qua cần được khắc phục”, Chủ tịch nước chỉ rõ.
Đó là mệnh lệnh của đất nước, của dân tộc.
Một đất nước giàu truyền thống văn hóa, có lịch sử hào hùng mấy nghìn năm đấu tranh dựng nước, giữ nước chắc chắn không thiếu đề tài để làm phim, để tạo dựng hình ảnh, bản sắc dân tộc.
Ở lĩnh vực văn học, gần đây nhiều tiểu thuyết về đề tài lịch sử gây được tiếng vang, nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn hay với đề tài đương đại thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhưng, dường như ngành văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng đang không mấy mặn mà đối với những thành tựu của văn học trong nước – vốn quý để chuyển thể thành kịch bản điện ảnh?
Chưa có một tác phẩm điện ảnh nào xứng với tầm vóc lịch sử hào hùng của dân tộc. Cũng rất hiếm tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ các bộ tiểu thuyết tiêu biểu của văn học Việt Nam đương đại. Nhiều phim chiếu trên truyền hình được cho là ăn khách đều mua bản quyền kịch bản của nước ngoài. Theo một đạo diễn phim truyền hình cho biết, chỉ riêng năm 2017, kịch bản nước ngoài chiếm khoảng 40% trong số phim đơn vị sản xuất trong năm.
Bởi thế, cho dù đã được “Việt hóa”, những phim này phần lớn vẫn xa lạ với đại đa số người dân. Bối cảnh phim toàn chuyện gia tộc của những doanh nhân giàu có là chủ tịch tập đoàn, giám đốc công ty, với cảnh sống xa hoa, sang trọng, khi gặp chuyện buồn thì lại đi bar giải sầu.
Thật khó để tìm thấy trên phim Việt hình tượng những anh hùng, những danh nhân văn hóa, lịch sử; những chiến công hiển hách trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Đó có phải là sự bất lực của phim Việt? Có phải chúng ta đang thiếu những nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên tài năng? Câu trả lời là không. Bởi đạo diễn, diễn viên, biên kịch không sống được với nghề. Họ làm phim vì đam mê. Nhưng đam mê thôi chưa đủ để giúp tài năng nảy nở. Cần một cái gì khác.
Cái gì khác ấy, xin nhắc lại lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Nếu luật pháp cản trở hay làm hư hỏng ngành nghệ thuật này thì đó là vấn đề lớn”.
Đó phải chăng là lời giải đích đáng cho câu hỏi “Tại sao Việt Nam phải chiếu quá nhiều phim nước ngoài?” mà Chủ tịch nước đã nêu ra?
Hãy mạnh tay cải cách, xóa bỏ mọi rào cản để điện ảnh Việt Nam thay đổi và phát triển, người Việt được xem phim Việt, văn hóa Việt được bảo tồn và quảng bá rộng rãi tới bầu bạn khắp nơi trên thế giới.