Diễn ra trong 55 ngày đêm với tốc độ “một ngày bằng 20 năm”, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, là chiến công chói lọi, là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thắng lợi đó là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12-1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, bao gồm đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức cán bộ, đổi mới phương pháp lãnh đạo và phong cách công tác. Sức mạnh Việt Nam làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 đã và đang là động lực thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước Sức mạnh Việt Nam từng làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 thể hiện trong nhiều lĩnh vực nhưng tập trung ở chủ nghĩa yêu nước; tinh thần đại đoàn kết dân tộc; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng; truyền thống ngoại giao độc lập, tự cường và hòa bình, thân thiện với các nước trên thế giới.
Sức mạnh Việt Nam trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 bước đầu đã được kế tục, phát huy và phát triển trong công cuộc đổi mới. Đó là cơ sở để chúng ta tin rằng tinh thần chiến thắng 30-4 lịch sử cũng là tinh thần và ý chí của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiến lên giành những thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam bắt nguồn từ truyền thống dân tộc, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đoàn kết toàn dân tộc làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lãnh đạo thắng lợi các cuộc kháng chiến oanh liệt chống các thế lực thực dân, đế quốc mạnh nhất trong thế kỷ XX, giành độc lập, thống nhất hoàn toàn. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng chủ trương động viên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao chủ nghĩa yêu nước thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống được phát triển, bổ sung những nội dung mới. Yêu nước là phấn đấu vì sự cường thịnh của Tổ quốc, thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Yêu nước là ra sức học tập, lao động, làm việc với chất lượng, hiệu quả cao nhất, thiết thực nhất, là không tham nhũng, lãng phí, là thật sự vì nước, vì dân. Yêu nước là sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, biển đảo của Tổ quốc.
Đại đoàn kết dân tộc là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam. Nhờ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chiến thắng thực dân pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong công cuộc đổi mới toàn diện, xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng.
Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng được thể hiện và khẳng định trong Cách mạng Tháng Tám và chiến tranh cách mạng, nổi bật trong Đại thắng mùa Xuân 1975; Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Những thành tựu nổi bật trong công cuộc đổi mới vừa qua của đất nước chứng tỏ Đảng không ngừng vươn lên lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng kinh tế, xã hội, đưa đất nước từng bước vững chắc đi lên con đường chủ nghĩa xã hội.
Ngoại giao độc lập, tự cường và hòa bình, thân thiện với các nước trên thế giới là truyền thống của ngoại giao Đại Việt. Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước từ năm 1986, cùng với đổi mới chính sách, pháp luật về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, Đảng và Nhà nước đổi mới mạnh mẽ chính sách và hoạt động đối ngoại. Sau hơn 30 năm đổi mới, hội nhập quốc tế, gia nhập WTO và gần đây là tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đã tận dụng được cơ hội và thu được nhiều thành tựu quan trọng, GDP liên tục tăng trưởng ở mức độ cao, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, an sinh xã hội đảm bảo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.