Cơn sốt kéo dài năm 3 tuổi đã cướp mất tuổi thơ của anh Nguyễn Hữu Phước (quê ở Bình Định), biến anh từ một đứa trẻ hoạt bát, khỏe mạnh thành người khuyết tật với 2 chân bị teo nhỏ. Từ bé, anh chỉ biết bò, mãi đến năm 13 tuổi anh mới chống được nạng và đi lại. Đến năm 1996, anh lên kon Tum và sửa đồng hồ tại đường Nguyễn Huệ - TP Kon Tum. Năm 2003, anh vào TP Hồ Chí Minh bán vé số. Như một định mệnh, anh gặp và bén duyên với chị Nguyễn Thị Hồng Lan (quê ở Cần Thơ). Chị Lan vốn sinh ra cũng rất khỏe mạnh nhưng sau một trận sốt cao, chị cũng bị liệt hai chân, hở vai. Nhưng chị may mắn hơn là được phục hồi đôi chân (khoảng 50 %). Giờ đây, chị vẫn đi lại được mà không cần xe lăn hay nạng hỗ trợ.
Vợ chồng anh Phước và chị Lan tại ngôi nhà nhỏ
Anh Phước tâm sự: “Lúc đầu, cả hai gia đình đều không đồng ý. Bởi cha mẹ sợ chúng tôi vất vả, sợ các con sinh ra cũng sẽ không được lành lặn rồi sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”.
Vượt qua rào cản và sự gièm pha của người đời, sau quãng thời gian dài quen nhau, cặp đôi đã quyết định kết hôn vào năm 2007, nỗ lực vượt lên nghịch cảnh, cùng viết nên câu chuyện gia đình nhiều cung bậc cảm xúc. Ngày trọng đại của cuộc đời, rước dâu trên chiếc xe lăn đã cũ, không đám tiệc rình rang, chỉ có người thân họ hàng chúc phúc cho nhau. Và rồi hạnh phúc cũng đã mỉm cười với vợ chồng anh khi chị Lan hạ sinh bé trai đầu lòng vào năm 2008 lành lặn, mặt mũi khôi ngô. Niềm hạnh phúc ấy đã tô điểm giúp cuộc sống của anh chị trở nên trọn vẹn. Sau hơn 15 năm chung sống, tài sản lớn nhất của anh Phước và chị Lan hiện là 2 đứa con trai kháu khỉnh: Nguyễn Bá Thiên (14 tuổi), Nguyễn Ba Trị (11 tuổi). Hiện nay, cả 2 bé đều đang học tại Trường THCS Trường Sa- TP Kon Tum.
Vui mừng khôn xiết, ngày qua ngày, cả hai vợ chồng cố gắng bươn chải nuôi con bằng nghề bán vé số. Trên chiếc xe lăn cũ, người đàn ông liệt nửa người rong ruổi trên nhiều con đường bất kể nắng mưa, bán vé số kiếm sống. Còn chị Lan bán thêm trái cây, rau củ nuôi con. Từ khi có hai nhóc tì, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh Phước lúc nào cũng rôm rả tiếng cười, nhưng cuộc sống cũng từ đó có nhiều khó khăn hơn. Tìm miếng cơm đã chật vật, 2 con thơ đang độ tuổi ăn, tuổi học càng khiến vợ chồng anh Phước thêm nặng nỗi âu lo. Tuy vậy nhưng vợ chồng anh vẫn luôn phấn khởi và cảm thấy hạnh phúc khi được như ngày hôm nay.
Chị Lan ngậm ngùi chi sẻ: “Các con là động lực sống duy nhất của chúng tôi. Sẽ cố gắng bươn chải để các con được đến trường. Số phận vợ chồng tôi đã không may mắn, điều mong mỏi nhất là tương lai các con được xán lạn hơn”.
Ngoài ra, anh Phước còn là người đã sáng lập ra nhóm “Vòng tay” (dành cho những người khuyết tật, thành lập vào năm 2015). Ban đầu được 10 thành viên, hiện tại đã hơn 50 thành viên tham gia với đủ các lứa tuổi, kiểu dạng khiếm khuyết. Trong đó có 9 cặp vợ chồng. Cứ 3 tháng, nhóm lại tổ chức sinh hoạt một lần, tại nhà anh Phước với nội dung: kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn, giới thiệu việc làm, động viên thăm hỏi nhau.
Nói về ước muốn của nhóm trong thời gian tới, anh Phước bày tỏ: “Hiện tại, khó khăn nhất là nhóm không có kinh phí để hoạt động. Bởi vậy, chúng tôi rất mong muốn được sự giúp đỡ của những tấm lòng, nhà hảo tâm để nhóm “Vòng tay” cố gắng duy trì và giúp đỡ nhau vượt lên nghịch cảnh”.
Anh Phước và những người đồng cảnh đi bán vé số và thảo luận về logo của nhóm “Vòng tay”
Ông Nguyễn Văn Sơn- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Blà cho biết: “Vợ chồng anh Phước luôn chấp hành tốt các quy định tại địa phương. Là người hòa đồng, cởi mở và có ý chí nghị lực vượt lên hoàn cảnh. Hi vọng rằng vợ chồng anh luôn vui vẻ, hạnh phúc, nuôi dạy các con thật tốt”.
Vợ chồng anh Phước đúng như một câu chuyện cổ tích giữa đời thực. Họ đã tìm thấy nhau và dìu nhau đi qua những gian khó của cuộc đời. Họ đã chứng minh, hạnh phúc không chỉ được gắn kết bởi những mảnh ghép hoàn hảo, đẹp đẽ mà đôi khi còn được góp nhặt từ những mảnh đời khiếm khuyết để vẽ nên bức tranh ngập màu yêu thương.