Sông Hồng và con người giữ vai trò quyết định sự phát triển đô thị, tương lai của Hà Nội
Đó là đánh giá của GS.TS – NGND Nguyễn Quang Ngọc (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam). Trên thực tế, Luật Thủ đô 2024 cũng như 2 quy hoạch lớn của Thành phố Hà Nội đã xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sông Hồng, nguồn lực con người nói riêng đối với việc phát triển Hà Nội trong tương lai tới đích “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
1.Kết luận số 80-KL/TƯ ngày 24/5 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng.
Qua đó, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung vào các quy hoạch và quyết định quy hoạch định hướng để sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển du lịch, dịch vụ. Như vậy có thể khẳng định, sông Hồng đã, đang và mang trong mình một sứ mệnh rất lớn, trở thành một thành tố, mắt xích không thể thiếu trong việc xây dựng, hình thành và phát triển Hà Nội thành Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại.
Theo GS.TS-NGND Nguyễn Quang Ngọc, lịch sử thế giới từng xác nhận sự hình thành và phát triển rực rỡ của nhiều nền văn minh nhân loại gắn với những dòng sông lớn. Sông là huyết mạch, là nhựa sống, là bầu sữa nuôi lớn các nền văn minh và các đô thị lớn trên trái đất. Nền văn minh sông Hồng và đô thị Cổ Loa - Vạn Xuân - Thăng Long - Hà Nội cũng có quá trình hình thành và biến đổi không nằm ngoài quy luật phổ biến này.
Ngay từ khi châu thổ sông Hồng thành hình thì người Việt cổ chủ yếu theo dòng sông Hồng tiến xuống khai phá, tìm mọi cách “sống chung với lũ” và tạo lập nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước. “Sông Hồng là điều kiện tiên quyết là trung tâm của mọi hoạt động mưu sinh, trung tâm của mọi sáng tạo văn hóa của người Hà Nội.
Từ quy hoạch đô thị cho đến kiến trúc phường phố, chợ búa, thương điếm, bến cảng Kẻ Chợ, các làng nghề, phố nghề, các lễ hội, tín ngưỡng, tập quán, từ các trò chơi dân gian đến các hoạt động cung đình, các kỳ công chống ngoại xâm ở Đông Bộ Đầu, ở Chương Dương, Tây Kết, Hàm Tử… tất cả đều có hình bóng hay sự hóa thân của dòng sông Mẹ - sông Hồng. Đấy là nét đặc trưng và bản sắc nhất của văn hóa đô thị Thăng Long - Hà Nội cổ truyền” - GS.TS-NGND Nguyễn Quang Ngọc, khẳng định.
Sông Hồng luôn giữ vai trò trung tâm quyết định toàn bộ quá trình lịch sử - văn hóa của các kinh đô - kinh thành - đô thị cổ truyền trên đất Hà Nội. Đến khi người Pháp đặt ách đô hộ trên đất nước ta, sông Hồng và các chi lưu của nó hầu như không được quan tâm đến nữa và dần dần trở nên xa lạ, thậm chí trở thành hiểm họa trong đời sống cư dân Thủ đô. Phải đến đầu thế kỷ XXI, sông Hồng mới bắt đầu có điều kiện hồi phục vai trò vốn có của nó và từng bước khẳng định trở lại vị trí là trục phát triển chủ đạo của Thủ đô. GS.TS-NGND Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, Hà Nội đang có được các cơ hội thuận lợi, trở lại với điều kiện tự nhiên vốn có, với nhịp sống của thiên nhiên, với bề dày truyền thống và vươn lên hội nhập với xu thế phát triển chung của khu vực và của thời đại.
“Hàng nghìn năm qua sông Hồng luôn luôn ở vị trí trung tâm quyết định mọi hoạt động của cộng đồng cư dân, của toàn bộ quá trình hình thành và biến chuyển không gian lịch sử - văn hóa Thủ đô, từ cố đô Cổ Loa cổ kính 2.300 năm trước cho đến thành phố Hà Nội trực thuộc trung ương ngày nay. Tựa núi, nhìn sông, hướng ra Biển Đông là mô hình thành tạo, là quy luật biến đổi và là định hướng phát triển của Hà Nội ngày xưa, ngày nay và mãi về sau”, GS.TS-NGND Nguyễn Quang Ngọc, cho biết.
2. Cùng với giá trị và vai trò của sông Hồng, GS.TS-NGND Nguyễn Quang Ngọc nhận định, người Hà Nội là kết tinh văn hóa dân tộc và phẩm chất riêng có của người Kinh kỳ. Vị chuyên gia này phân tích, Hà Nội là đất tụ thủy, tụ nhân, tụ tài, tụ lực, cùng với các lớp cư dân bản địa từ thời dựng nước đầu tiên là các lớp cư dân tứ xứ, anh tài bốn phương đổ về. Hầu hết các giá trị tinh hoa của dân tộc, của giống nòi đều được hội tụ về đây và lan tỏa từ đây. Những hoàng đế anh minh, những danh tướng thiên tài, những danh nhân kiệt xuất, cho đến những thường dân nếu không được sinh ra ở đây thì cũng chọn nơi đây làm nơi lập nghiệp và cống hiến.
Để phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị nhấn mạnh: Kiên định quan điểm con người là trung tâm của sự phát triển, văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô.
Họ là những anh hùng dân tộc, các nhà chính trị, quân sự, ngoại giao kiệt xuất, các danh nhân văn hóa lớn, những người đã đóng góp tài năng, trí tuệ, cuộc đời và sự nghiệp làm rạng rỡ lịch sử và văn hóa Hà Nội. Đó là Hai Bà Trưng, Lý Bí, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Trần Hưng Đạo, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Chu Văn An, Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Văn Siêu (Thần Siêu), Cao Bá Quát (Thánh Quát)…
Họ là những người lao động giỏi “khéo tay hay nghề đất lề Kẻ Chợ”, những nông dân sáng tạo ra những sản phẩm nổi tiếng của đất Kinh kỳ, những người sản xuất và buôn bán những mặt hàng thủ công mỹ nghệ đặc sắc. Tiêu biểu cho những người lao động sáng tạo là tổ sư các nghề, là thợ cả, thợ lành nghề, các nghệ nhân được đời đời ca ngợi.
Thành tựu lao động sáng tạo của các thế hệ người Hà Nội trong vai trò hội tụ và kết tinh các giá trị lịch sử - văn hóa dân tộc và hiện hữu với những tên tuổi các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa, những người lao động tài giỏi và thành công trên tất cả các lĩnh vực đã kết quyện và định hình thành những phẩm chất nhân cách đặc trưng và truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội. Đó là tinh thần yêu nước và ý chí tự lập, tự cường; truyền thống đoàn kết và tinh thần nhân ái, hòa hiếu, bao dung; truyền thống lao động sáng tạo; truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo; truyền thống văn minh thanh lịch trong cuộc sống và trong ứng xử…
“Nguồn lực con người là nguồn lực lớn nhất, là lợi thế căn bản và giữ vai trò quyết định tương lai phát triển của Hà Nội. Vì thế phát huy tối đa nhân tố con người, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại chính là chìa khóa thành công của công cuộc xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” - GS.TS-NGND Nguyễn Quang Ngọc, khẳng định./.