“Sốc” với dịch vụ thuê… chồng giá trăm triệu ở Hà Nội

Hà Trang/dantri| 15/07/2017 11:11

Thời gian thuê chồng có thể kéo dài vài ngày, đến một tháng tùy theo nhu cầu của khách hàng. Để hợp thức hóa người “chồng hờ” này, vẫn sẽ có một đám cưới được tổ chức với quy mô hoành tráng. Chỉ có điều, tất cả nhân vật từ: chú rể, bố mẹ và họ hàng bên nội đều là những nhân viên được trả tiền để… diễn!

 Đa phần những người tìm đến dịch vụ này đều là những cô gái lầm lỡ, có thai ngoài ý muốn và bị người yêu ruồng bỏ. Một số khác gặp vấn đề về giới tính muốn thuê chồng, tổ chức đám cưới giả để tránh sự đàm tiếu của dư luận, họ hàng.

Theo tìm hiểu, giá cả của dịch vụ này phụ thuộc vào yêu cầu của khách. Tuy nhiên, trung bình để tổ chức một đám cưới với đầy đủ thủ tục và quan viên hai họ, người thuê cũng phải bỏ ra không dưới trăm triệu đồng.

Chi trăm triệu để thuê chú rể và tổ chức đám cưới giả!

Ông Nguyễn Xuân Thiện, Giám đốc công ty Vina… - một công ty chuyên cho thuê người ở Hoàng Minh Giám (Cầu Giấy, Hà Nội) khẳng định, mỗi năm công ty này tổ chức khoảng 100 đám cưới giả với gần 300 ứng viên là chú rể thuộc mọi lứa tuổi, ngành nghề khác nhau! Nếu thuê trọn gói dịch vụ, giá dao động từ 30 – 100 triệu đồng/ lần tổ chức còn “thuê chồng” theo ngày giá từ 1 – 3 triệu tùy yêu cầu, đòi hỏi của khách.

Để tránh những rắc rối phát sinh, trước khi tiến hành giao dịch, khách hàng sẽ phải ký kết một bản hợp đồng. Trong đó quy định các điều khoản nghiêm ngặt như: Không được xâm phạm thân thể, tinh thần, không được ôm hôn hoặc quan hệ tình dục với… chồng hờ. Đặc biệt, dịch vụ này chỉ tổ chức đám cưới về mặt hình thức còn không kết hôn trên giấy tờ.

Bảng giá dịch vụ thuê chồng và đám cưới giả có giá 98 triệu.
Bảng giá dịch vụ thuê chồng và đám cưới giả có giá 98 triệu.

Ông Thiện cho biết, mỗi cô dâu tìm đến công ty để “thuê chồng” sẽ được viết riêng một kịch bản. “Chú rể hờ” cũng sẽ được thay tên, đổi họ, cung cấp số điện thoại, facebook mới sao cho “khớp” với thông tin mà cô dâu yêu cầu.

Trong đó, những người được chọn làm “chú rể” phải là người biết ăn nói, ngoại hình khá và có học thức. Tuy là đám cưới giả nhưng các thủ tục như: dạm ngõ, ăn hỏi, chụp ảnh cưới… sẽ được tổ chức y như thật. Chỉ có điều, tất cả các nhân vật từ: bố mẹ, chú rể, họ hàng bên nội chỉ là những nhân viên được trả tiền để… diễn.

“Tùy từng trường hợp, chúng tôi sẽ chọn chú rể phù hợp. Ví dụ, trường hợp nhà gái giàu có, yêu cầu cao với con rể tương lai, công ty sẽ chọn nhà trai “môn đăng hộ đối”. Trong đó, cha mẹ chú rể phải là người sang trọng, lịch lãm, chú rể phải có học thức, nghề nghiệp ổn định”, ông Thiện nói.

Một đám cưới giả với các nghi thức và thủ tục hoành tráng như đám cưới thật được công ty này đứng ra tổ chức
Một đám cưới giả với các nghi thức và thủ tục hoành tráng như đám cưới thật được công ty này đứng ra tổ chức

Vị giám đốc công ty này cũng cho hay, trước khi cưới, các “diễn viên” sẽ phải dành thời gian làm quen, học thuộc kịch bản đã vạch sẵn. Thậm chí, họ sẽ phải học cách diễn sao cho giống một cặp đôi yêu nhau thật sự. Để tránh bị người quen phát hiện, nhà chú rể phải đảm bảo cách xa nhà cô dâu tối thiểu 100km.

Thường thì sau màn đón dâu y như thật, cô dâu, chú rể sẽ kết thúc hợp đồng, ai về nhà nấy. Tuy nhiên, nếu cô dâu sau này vẫn có nhu cầu thuê chồng về thăm bố mẹ hay thực hiện các nghĩa vụ ma chay, cưới hỏi… để làm tròn đạo lý, phía công ty này vẫn sẵn sàng hỗ trợ.

“Chúng tôi bảo hành dịch vụ trong 10 năm. Nghĩa là sau khi thuê chồng, tổ chức đám cưới hoàn tất nếu khách hàng vẫn có nhu cầu thuê tiếp, chúng tôi vẫn đồng ý. Tuy nhiên, giá thuê theo ngày sẽ đắt hơn và có sự chênh lệch tùy theo yêu cầu của khách”, ông Thiện lý giải.

Chuyện buồn sau những đám cưới giả

Thừa nhận đây là dịch vụ nhạy cảm và gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận song vị giám đốc này cho biết, “thuê chồng”, làm đám cưới giả chỉ là sự lựa chọn của những cô gái lầm lỡ, giúp họ tránh sự đàm tiếu, soi mói của dư luận. Đằng sau mỗi cô gái tìm đến dịch vụ này đều có một câu chuyện và số phận buồn.

“Có cô gái có bầu đã 5 tháng, người yêu phản bội đi lấy vợ mới. Gia đình biết chuyện, yêu cầu cô một là cưới hai là bỏ thai. Túng quẫn, hoảng loạn cô ấy đã tìm đến dịch vụ của chúng tôi để cho con mình một danh phận và cũng là cách để giữ thể diện cho gia đình.

Hay có trường hợp, một cô gái là les sinh ra trong một gia đình gia giáo, nề nếp. Dù đã giải thích về giới tính thật của mình, song bố mẹ cô không chấp nhận và tìm mọi cách ép cô này lấy chồng. Không muốn làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của người khác, cô gái này sau đó cũng tìm đến dịch vụ “thuê chồng” để tránh áp lực từ gia đình…”, ông Thiện kể.

Bản thân ông Thiện cũng từng 2 lần đóng vai chồng hờ trong các đám cưới do công ty này đứng ra tổ chức!
Bản thân ông Thiện cũng từng 2 lần đóng vai "chồng hờ" trong các đám cưới do công ty này đứng ra tổ chức!

Có hơn 9 năm gắn bó với dịch vụ này, vị giám đốc này cho biết dù đã lên kịch bản khá hoàn hảo song vẫn không tránh khỏi những tình huống “dở khóc, dở cười”. Chuyện nhầm tên cô dâu hay quên tên họ hàng nhà gái không phải là hiếm. Thậm chí có trường hợp, chú rể “đụng mặt” ngay người quen khi đang tổ chức đám cưới. Cũng có trường hợp, người nhà cô dâu khi biết chuyện quay lại gây khó dễ cho công ty.

Ông Thiện nhớ nhất một lần vào năm 2010, trung tâm này tổ chức đám cưới giả cho một cô gái quê Hải Phòng tên H. Sinh ra trong một gia đình giàu có, thuộc hàng đại gia song H. lại trót yêu người có vợ và mang thai. Gia đình H. là quan chức, gia giáo nên không chấp nhận chuyện này.

Để giữ thể diện, H. đã tìm đến dịch vụ thuê chồng và làm đám cưới giả như một "liệu pháp cuối cùng". Kịch bản sau đó đã được tiến hành khá bài bản, hoàn hảo. “Chồng hờ” của H. là một du học sinh ở nước ngoài nên không có điều kiện về nước thường xuyên.

Đám cưới diễn ra khá hoành tráng, công phu đúng như dự tính song vẫn không qua được mắt của 2 người anh trai H. “Tôi không hiểu vì sao họ tìm được đến công ty, đập phá vì tưởng chúng tôi lừa đảo, ham tiền "hùa vào" lừa dối em gái họ. Tuy nhiên, khi đưa bản hợp đồng và trao đổi với H. qua điện thoại, người anh trai này lặng đi, họ sốc, bất ngờ và nhanh chóng xin lỗi chúng tôi rồi dời đi sau đó… Tôi không biết về sau cô gái này giải thích chuyện này với gia đình ra sao và kết cục thế nào chỉ biết hiện giờ, con H. đã khá lớn và hình như cô ấy cũng đã có hạnh phúc mới”, ông Thiện trải lòng.

Vị giám đốc này cũng cho biết, đám cưới giả chỉ là giải pháp tạm thời, khi các cô dâu sinh con xong họ sẽ tìm cách nói chuyện và giải thích cho gia đình về “hợp đồng hôn nhân giả”. Tất nhiên, bố mẹ nào cũng sẽ cảm thấy sốc, tức giận vì bị lừa dối. Nhưng sau đó, khi hiểu được mục đích của câu chuyện, họ cũng nguôi ngoai dần và có phần thông cảm nhiều hơn.

“Sự tồn tại của dịch vụ này cho thấy định kiến trong xã hội vẫn còn khá nặng nề. Nhiều trường hợp nếu không có đám cưới giả thì các cô gái ấy đã phải bỏ con hoặc đi biệt xứ để tránh sự dèm pha, cay nghiệt của mọi người”, ông Thiện nói.

Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Hà Nội) cho biết, trên góc độ pháp lý, vợ chồng phải đăng ký kết hôn mới hợp pháp. Trong đó, quan hệ vợ chồng phải xuất phát từ tình yêu và dựa trên tinh thần tự nguyện. Đánh giá về dịch vụ tổ chức đám cưới giả, Luật sư Thơm cho rằng chưa có điều luật nào cấm dịch vụ nhưng cũng không thể coi là hợp pháp.

“Dịch vụ này nảy sinh từ nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự quản lý, kiểm soát của các cơ quan nhà nước để tránh những biến tướng, hệ lụy đằng sau. Bản thân tôi không ủng hộ những dịch vụ như thế này, bởi nó đi ngược lại giá trị đạo đức, truyền thống của xã hội. Đám cưới đáng lẽ là những gì thiêng liêng, cao cả thì nay cũng bị “làm giả”, hợp thức hóa bằng tiền bạc”, Luật sư Thơm khẳng định.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc
    Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc khai mạc trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc với hơn 600 hiện vật quý hiếm, với nhiều loại hình và chất liệu phong phú.
  • Hà Nội: Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
    UBND Thành phố Hà Nội vừa có công văn gửi các Sở, ngành, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
“Sốc” với dịch vụ thuê… chồng giá trăm triệu ở Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO