Theo ông, hiện tượng này xuất hiện từ năm 2015 khi Bộ GD-ĐT cấm tổ chức thi vào lớp 6, thay vào đó là tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển.
Hà Nội có khoảng 80% học sinh khá giỏi ở bậc tiểu học. Ảnh: Thanh Hùng |
“Năm nay có vẻ ít hơn, chúng tôi chưa tổng kết cụ thể nhưng hiện qua tiếp nhận ban đầu đã có đến hàng trăm hồ sơ như vậy”.
Từ ví dụ trên, nhiều người đặt ra thắc mắc liệu cách đánh giá học sinh tiểu học hiện tại có chính xác, cùng nhiều vấn đề khác.
Trao đổi với VietNamNet, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, việc đánh giá học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng do Bộ GD-ĐT quy định hiện đang áp dụng cho 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và ở tất cả các vùng miền, kể cả thuận lợi cũng như khó khăn.
Do đó, việc học sinh ở các quận nội thành và các khu vực trung tâm (là những khu vực có điều kiện sinh hoạt, học tập thuận lợi) không những đạt chuẩn mà còn vượt chuẩn so với quy định của Bộ GD-ĐT là chuyện dễ hiểu.
Như ở Hà Nội và TP.HCM tỷ lệ học sinh khá giỏi là trên 80%, tỷ lệ học sinh giỏi lên đến 40%.
“Nhìn trong hồ sơ nộp về trường Lương Thế Vinh có đến hơn 100 trường tiểu học ở các tất cả các quận, thậm chí có cả các huyện mới sát nhập về như Hoài Đức, Thanh Trì,... Như vậy, chuyện này là bình thường chứ không có gì quá lạ kỳ”, Sở GD-ĐT thông tin.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT toàn cấp tiểu học với 5 khối lớp năm học 2015 - 2016, số học sinh đạt điểm 10 bài kiểm tra định kỳ cuối năm môn Toán là 247.514, môn Tiếng Việt là 143.570 trên tổng số 617.181 học sinh.
Trước đó, năm 2014-2015, số học sinh đạt điểm 10 môn Toán là 264.207; môn Tiếng Việt là 167.306 trên tổng số 584.421 học sinh.
Ở cả 2 năm học nói trên, số lượng học sinh đạt điểm 10 môn Toán và Tiếng ở mỗi khối lớp đều trên 100.000 học sinh, hầu như ở ngưỡng 130.000 em.
Tuy không phải tất cả các em đạt điểm 10 Toán sẽ đạt 10 Tiếng Việt, nhưng trong số này lượng học sinh giỏi đều cả Toán và Tiếng Việt là không nhỏ.
Vì vậy, theo Sở GD-ĐT Hà Nội, lượng 1.000 hồ sơ có điểm tuyệt đối cả 2 môn Toán và Tiếng Việt 2 mùa tuyển sinh vào trường Lương Thế Vinh là hoàn toàn bình thường.
“Theo báo cáo hai năm gần đây, tỷ lệ được 10 điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm môn Tiếng Việt dao động khoảng từ 20% - 25%, môn Toán vào khoảng 45%. Ở cấp tiểu học, điểm kiểm tra định kỳ cuối năm sẽ được lấy làm điểm tổng kết cuối năm, đánh giá học sinh và cũng là điểm mà các em nhập vào hồ sơ nộp đăng ký xét tuyển vào các trường đầu cấp”.
Về việc môn Tiếng Việt khó có điểm tuyệt đối, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội lý giải: Môn học này có 2 nội dung để kiểm tra định kỳ cuối năm là phần đọc và phần viết:
“Có thể học sinh vốn không đạt điểm tuyệt đối như hồ sơ phản ánh. Ví dụ có học sinh phần đọc có thể là 10 điểm, phần viết 9, hoặc ngược lại, thì trung bình chung là 9,5 nhưng theo quy định vẫn sẽ được làm tròn là 10 - vì ở bậc tiểu học không chấm điểm thập phân”.
Trước mùa tuyển sinh, Sở GD-ĐT Hà Nội thường khuyến cáo phụ huynh không nên quá chạy đua vào các trường, thay vào đó hướng tới các trường gần nhà để đỡ áp lực cho trẻ.