Vở Bệnh sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam đánh dấu sự trở lại của hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Đồng loạt ra quân
Tối 23-5, Nhà hát Kịch Việt Nam có buổi biểu diễn “mở màn” với vở Bệnh sĩ tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đánh dấu sự trở lại sau mùa dịch. Bệnh sĩ là một vở diễn rất nổi tiếng của tác giả Lưu Quang Vũ, từng được Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn khoảng 300 đêm ở cả trong và ngoài nước. Lựa chọn Bệnh sĩ để “khởi động lại”, NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi muốn diễn lại vở Bệnh sĩ để tạo bầu không khí thật vui vẻ cho khán giả”.
Đêm diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam nằm trong kế hoạch triển khai các hoạt động nghệ thuật biểu diễn sau mùa dịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ, trong thời gian tới, 12 nhà hát thuộc Bộ sẽ đồng loạt ra quân tại các điểm diễn của Thủ đô như Nhà hát Lớn Hà Nội, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kim Mã, Nhà hát Hồng Hà, Nhà hát Múa rối Trung ương, Không gian Văn hóa Việt 16 Lê Thái Tổ... Hiện nay, các nhà hát đang gấp rút tập luyện với cường độ cao để mang đến cho khán giả những đêm diễn chất lượng.
Nhiều nhà hát khác cũng đã sẵn sàng “xuất quân”. NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết: “Vừa kết thúc những ngày cách ly xã hội, các nghệ sĩ đã trở lại nhà hát để tập luyện. Bên cạnh kế hoạch biểu diễn đã có từ trước, Nhà hát đang gấp rút thực hiện những tiểu phẩm về công tác phòng, chống dịch Covid -19 để phục vụ khán giả Thủ đô”.
Xác định còn nhiều khó khăn
Sau một thời gian dài tạm nghỉ, các nghệ sĩ rất muốn được trở lại sân khấu. NSƯT Xuân Bắc chia sẻ: “Thời gian qua, nghệ sĩ luôn mong mỏi sân khấu sáng đèn trở lại. Họ muốn được trình diễn, không chỉ vì đó là công việc nuôi sống họ mà hơn cả là vì ngọn lửa đam mê luôn cháy trong mỗi người nghệ sĩ”. Anh cũng tin tưởng: “Sự háo hức của khán giả sau một thời gian xa cách sân khấu sẽ có tác động tới chúng tôi, khiến chúng tôi thăng hoa hơn”.
“Sáng đèn” trong giai đoạn này, khó khăn là điều mà các nghệ sĩ đã lường trước. Sân khấu vốn khó khăn, nay càng khó khăn hơn do những tác động của dịch. NSƯT Trần Lực, Trưởng đoàn kịch Lucteam chia sẻ: “Dịch bệnh tác động đến mọi ngành, sân khấu càng khó khăn hơn bởi lâu nay đã rất vất vả trong việc cạnh tranh khán giả với các loại hình nghệ thuật giải trí khác”.
Chính vì vậy, để tạo điều kiện cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật có “sức bật” khi trở lại sau dịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các nhà hát của Bộ. Theo ông Nguyễn Thái Bình, hiện nay, rất nhiều đơn vị trực thuộc Bộ đã mua vé ủng hộ đêm diễn mở màn của Nhà hát Kịch Việt Nam. Sự hỗ trợ này phần nào giúp giải quyết khó khăn trước mắt cho các nhà hát, đặc biệt là trong việc kéo khán giả trở lại với thói quen đến rạp xem biểu diễn nghệ thuật trực tiếp.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ nói trên cũng chỉ mang tính chất động viên. Đạo diễn Trần Lực rất có lý khi cho rằng: “Chỉ có nghệ sĩ mới giải quyết được vấn đề khó khăn của sân khấu, phải tự làm mới mình để theo kịp khán giả. Điện ảnh, truyền hình Việt Nam đã thay đổi và đã có những thành công; sân khấu cũng phải thế, đừng để khán giả thấy sân khấu đi sau nhiều quá”. Và hy vọng sự trở lại sau quãng nghỉ vừa qua sẽ mang đến cho sân khấu Việt sức bật mới.
Tiếp sau vở Bệnh sĩ, khán giả Thủ đô có dịp thưởng thức nhiều tác phẩm chất lượng khác như vở Cướp biển của Liên đoàn Xiếc Việt Nam (tối 31-5, tại Rạp xiếc Trung ương); chương trình Mặt trời phương Đông của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam (Nhà hát Âu Cơ, ngày 12-6); vở Vân dại của Nhà hát Chèo Việt Nam (ngày 13-6, Nhà hát Chèo Kim Mã); vở Thân phận nàng Kiều của Nhà hát Múa rối Việt Nam (tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 20-6); Tháng 6 trời mưa của Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam (ngày 27-6, Nhà hát Lớn Hà Nội); vở Chuyện tình Khau Vai của Nhà hát Cải lương Việt Nam (ngày 11-7, Nhà hát Lớn Hà Nội)...