Dù không mới nhưng khi được Hội Sân khấu Hà Nội đưa ra để bàn luận, vấn đề “Sân khấu với đề tài hiện đại” vẫn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ… Và điều băn khoăn, trăn trở nhất được nhiều người đặt ra là: Liệu rằng sân khấu đang lảng tránh đề tài hiện đại để đảm bảo… an toàn?
Để minh chứng về nhận định này, nhiều tham luận đã đưa ra thống kê từ các kỳ cuộc hội diễn từ năm 2013 trở lại đây. Theo đó, trong hàng chục tác phẩm tham dự liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc hoặc được dàn dựng mới trong năm của các loại hình: Chèo, cải lương, tuồng - dân ca kịch, kịch nói thì các vở đề tài hiện đại chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp, đôi khi không vượt qua được con số 5. Thống kê số liệu cho các loại hình kịch hát dân tộc, theo TS Trần Thị Minh Thu, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, gần đây nhất là năm 2017, hơn 80 vở diễn gồm các thể loại được dàn dựng trên sân khấu các đoàn, nhà hát công lập và tư nhân, trong đó 27 vở diễn kịch hát (tuồng, chèo, cải lương, kịch dân ca) được dàn dựng mới hoặc phục hồi, nhưng chỉ có 3/27 vở diễn kịch hát (đều là Cải lương) thuộc đề tài hiện đại (tức là chỉ chiếm 11,1% trên tổng số các vở được dàn dựng). Bên cạnh đó, cuộc thi sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013 chỉ có 5/24 vở đề tài hiện đại; năm 2016 chỉ có 5/17 vở đề tài hiện đại. Ở các cuộc thi sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc cũng không khá hơn khi năm 2013 chỉ có 3/18 vở đề tài hiện đại; năm 2016 chỉ có 5/24 vở đề tài hiện đại. Đối với sân khấu cải lương, năm 2018 cũng chỉ có 9/32 vở đề tài hiện đại phản ánh cuộc sống hôm nay.
Vở cải lương đề tài hiện đại - Những đứa con oan nghiệt - của Đoàn Hoa Mai, Nhà hát Cải lương Hà Nội được khán giả yêu thích. Ảnh : HT.
“Dẫu biết rằng, đề tài quá khứ cũng vô cùng quan trọng và các nghệ sĩ đều lồng vào chuyện xưa những vấn đề đương đại để phục vụ khán giả đương thời. Tuy nhiên, khán giả vẫn cần đến những vở diễn phản ánh trực tiếp cuộc sống của chính họ trên sân khấu và việc đi vào đề tài hiện đại cũng là cách để làm mới sân khấu kịch hát, thu hút khán giả, nhất là khán giả trẻ đến với di sản văn hóa nghệ thuật của cha ông để lại”, nhà phê bình Trần Thị Minh Thu nhấn mạnh.
Trong khi đó, với loại hình kịch nói - thể loại được cho là sinh ra để dành cho đề tài hiện đại nhưng trong nhiều năm qua cũng không thể hiện được vai trò tiên phong ấy. Nhà báo Thu Hương, báo An ninh Thủ đô đã đưa ra số liệu điển hình tại liên hoan kịch nói toàn quốc năm 2021, trong 18 vở diễn tham dự, chỉ có 5 vở đương đại “nhưng 5 vở chủ yếu về chống tham nhũng, khi mà cuộc sống hôm nay không chỉ có mỗi chống tham nhũng”, nhà báo Thu Hương băn khoăn.
Vậy, vì sao sân khấu hôm nay lại ít những vở diễn về đề tài đương đại? Phải chăng cuộc sống đương đại cứ lặng lẽ những dòng chảy không “gợn sóng”, không “có chuyện” để viết? Hay là đội ngũ biên kịch chưa tinh nhạy nắm bắt các vấn đề của cuộc sống và chưa đủ tài năng để sáng tạo thành những tác phẩm sân khấu?... Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra để các nhà nghiên cứu, tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ… cùng đi tìm lời giải. Trong đó, mọi người đều bác bỏ nguyên do đổ lỗi cho cuộc sống đương đại, bởi cuộc sống luôn vận hành với biết bao điều thú vị, gai góc… cần được quan tâm, cần được chuyên chở bằng những tác phẩm sân khấu đặc sắc. “Những vấn đề của xã hội hiện đại mà tác phẩm nghệ thuật cần đề cập tới hiện nay là: Đấu tranh phòng chống tham nhũng, lũng đoạn chính sách; đấu tranh chống suy thoái đạo đức, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai, vũ khí hủy diệt, chất độc sinh học… và những vấn đề tâm lý trong cuộc sống hiện đại”, tác giả Minh Nguyệt nêu.
Vở kịch “Tình mẹ” do Hội Sân khấu Hà Nội dàn dựng theo phương thức xã hội hóa là một trong những vở đề tài hiện đại hiếm hoi tham gia Liên hoan kịch nói toàn quốc năm 2021, khu vực phía Bắc.
Còn đối với câu chuyện về vai trò và trách nhiệm của biên kịch lâu nay vẫn bị cho là thiếu và yếu song có lẽ cũng không hẳn, bởi trên thực tế họ không phải là người tự quyết được số phận đứa con tinh thần của mình. Nhiều tác giả cho rằng, kịch bản về đề tài hiện đại không thiếu, thậm chí không ít kịch bản dám phản ánh trực diện, nỏi thẳng, nói thật các vấn đề đương đại. Thế nhưng, thật buồn thay số phận của chúng chỉ thuộc về… ngăn kéo vì khi mang đi “chào hàng” các đơn vị nghệ thuật, tác giả chỉ nhận được những cái lắc đầu, ánh mắt e ngại cùng câu trả lời quen thuộc: “Rất hay, rất nóng nhưng không thể dàn dựng vì… nhạy cảm”.
Tác giả Giang Phong đưa ra khảo sát: Tất cả các tác giả đều trung thành với thiên chức của người cầm bút: Phục vụ đời sống đương đại. Từ đó, ông kết luận: “Rất nhiều những tác phẩm viết về ngày hôm nay, về công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng rất ít được sử dụng”. Lý giải cho thực tế này, tác giả Giang Phong cho rằng điều này phụ thuộc vào vấn đề giữa cung và cầu với hình ảnh ví von: “Ở đây có một điều rõ ràng rằng: Các nhà biên kịch sân khấu ra gạo tám, gạo dự…. đem đi bán, nhưng người mua, lại chỉ thích gạo bình thường như bắc hương, gạo si… nên gạo tám, gạo dự ế bán không ai mua”. Giải thích thêm, tác giả chỉ ra nguyên cớ: “Người mua ở đây là nhà hát, lãnh đạo nhà hát cũng phải nuôi quân, và nuôi quân an toàn, nên họ dựng những vở về những ông hoàng, bà chúa... thu hút được người xem, bán được vé, có tiền mời diễn viên… ta không thể trách được họ. Giải quyết vấn đề này phải là những cơ quan có thẩm quyền mới làm được, chứ trông chờ vào đạo diễn, diễn viên, tác giả thì không thể làm được, mà nói như cụ Vũ Trọng Phụng đã cho nhân vật của mình nói rồi: “Khổ lắm, biết rồi…”.