Tiến sĩ Mark van Staalduinen - Phó giám đốc TNO Đông Nam Á (trái) và Hiệu trưởng Trường ĐH RMIT Việt Nam - GS Gael MacDonald tại lễ ký kết
“Bằng cách tiếp cận liên ngành và dựa trên nền tảng kỹ thuật như thuyết kiểm soát, trí thông minh nhân tạo, thuyết trò chơi, mạng lưới và kỹ thuật phần mềm, biên bản ghi nhớ sẽ tạo điều kiện cho những thảo luận về các giải pháp khả thi về đe dọa an ninh mạng được diễn ra”, ông nói. “Bên cạnh đó, biên bản ghi nhớ này sẽ tạo cơ hội cho cán bộ giảng viên làm việc trong Phòng thực hành An ninh mạng hiện đại của RMIT và cho những ai thích chủ đề này, có được hiểu biết sâu rộng, đồng thời trao đổi kiến thức và ý tưởng về tương lai an ninh mạng”.
Biên bản ghi nhớ đem đến cho RMIT cơ hội đưa an ninh mạng và blockchain vào việc đánh giá học tập dựa vào hoạt động thực tế. Ông nói: “Chúng tôi muốn đưa việc học ra khỏi khuôn khổ giảng đường bằng cách cho sinh viên tiếp cận với các vấn đề trong ngành cũng như thực tế, nhằm cho ra trường những tân khoa sẵn sàng cho công việc và cuộc sống. Biên bản ghi nhớ này mở cửa cho cả sinh viên và cán bộ giảng viên đến với thế giới blockchain và Internet vạn vật, từ đó trang bị cho sinh viên RMIT những đức tính mà các đối tác trong ngành đang săn đón”.
Tiến sĩ Mark van Staalduinen, Phó giám đốc TNO Đông Nam Á, cho biết: “Việc hợp tác này nhằm củng cố mạng lưới giao lưu kết nối và chuyên môn ở Đông Nam Á, và đặc biệt ở Việt Nam. Một ví dụ tuyệt vời cho việc hợp tác này là buổi tập huấn mà chúng tôi vừa thực hiện với Chương trình Quản lý thực thi pháp luật châu Á (ARLEMP) – chương trình hợp tác huấn luyện trong khu vực giữa Cảnh sát Liên bang Úc, Đại học RMIT và Bộ Công an Việt Nam, với sự hỗ trợ của Cảnh sát Quốc gia Hà Lan. Qua ARLEMP, TNO đã huấn luyện về web đen cho cảnh sát đến từ 17 quốc gia châu Á, qua đó nâng cao năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật trong khu vực hòng ngăn chặn tội phạm trên web đen.
“Trên hết, chúng tôi muốn phát triển chuyên môn mạng, đặc biệt trong một số mảng nhất định. Quan hệ hợp tác này rất quan trọng với TNO vì nhờ thái độ làm việc và tính bền bỉ tuyệt vời của Việt Nam, cùng cách truyền đạt đa ngành và những kỹ năng được phát triển vững chắc tại RMIT, chúng tôi không chỉ có thể củng cố vị thế ở Đông Nam Á, mà từ những kết quả kỳ vọng cũng sẽ giúp Hà Lan tạo ra mạng internet an toàn hơn”.
Buổi ký kết biên bản ghi nhớ diễn ra dưới sự chứng kiến của Tổng lãnh sự Hà Lan tại TP. Hồ Chí Minh Tiến sĩ Carel Richter. Ông cho biết: “Mối quan hệ hợp tác này sẽ đẩy mạnh chuyên môn và khuyến khích đối thoại hướng đến giải pháp an ninh mạng bền vững toàn cầu, đơn cử là Diễn đàn toàn cầu về Chuyên môn mạng (GFCE) mà Úc, Việt Nam, Singapore và Hà Lan là thành viên. Thêm vào đó, chúng tôi còn thấy được cơ hội tuyệt vời từ Hội thảo về giải pháp phát triển bền vững Orange ASEAN Factory sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 3/2019, theo đó RMIT và TNO sẽ cùng làm việc với tổ chức này về thách thức bền vững với thế hệ kế tục”.
Một buổi thảo luận về an ninh mạng đã được tổ chức ngay sau lễ ký kết. Buổi thảo luận bàn về những cách thực hành an ninh mạng có được từ nhiều công nghệ mới nổi như tiền ảo, blockchain, Internet vạn vật và hệ kết nối không gian số-thực thể. Buổi thảo luận có sự đóng góp của Giáo sư Robert Kooij - nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD), với sự tham dự của lãnh đạo, cán bộ giảng viên và sinh viên RMIT.