Quyết tâm vì môi trường học đường không khói thuốc

Đăng Chung| 17/11/2017 08:39

Những năm qua, Trường Cao đẳng nghề số 19 (Bộ Quốc phòng) bên cạnh thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, còn triển khai thực hiện hiệu quả luật phòng chống tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc.

Nhà trường không khói thuốc

Theo Điều tra toàn cầu năm 2010 về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (trên 15 tuổi), Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc là 47,7%. Việt Nam hiện có 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13 – 15 tuổi vào năm 2014, tỷ lệ hút thuốc lá trong học sinh nam là 4,9% và học sinh nữ là 0,2%. Tỷ lệ hút thuốc này tuy có giảm (khoảng 1%) so với Điều tra năm 2007. Tuy nhiên vẫn còn 47,7% học sinh thường xuyên hút thuốc thụ động tại nhà; 66,5% học sinh phơi nhiễm với khói thuốc tại các địa điểm công cộng trong nhà.

Quyết tâm vì môi trường học đường không khói thuốc
Giờ học thực hành của các lớp nghề Trường Cao đẳng nghề số 19
Trao đổi với phóng viên về công tác thực thi luật phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), Thượng tá Lê Viết Lượng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề số 19 cho biết: Toàn trường có tổng số 172 cán bộ, giáo viên, trên 2.500 học sinh, sinh viên (HSSV). Do đặc thù là trường đào tạo nghề, vì vậy HSSV có tới 98% là nam thanh niên, trung bình tuổi đời đều trẻ từ 18 đến 23 tuổi. Đây cũng là những đối tượng thường có thói quen sử dụng thuốc lá. 

Quán triệt và thực hiện quy định của pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh Thái Bình, Ban Chỉ đạo PCTHTL Quân khu Ba, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã chú trọng triển khai thực hiện công tác PCTHTL, xây dựng môi trường học tập không khói thuốc. Ban Giám hiệu cũng đã ban hành quy định không hút thuốc lá trong khuôn viên nhà trường, không hút thuốc lá khi làm việc và học tập đối với toàn thể cán bộ, giáo viên, HSSV; đưa nội dung thực hiện công tác PCTHTL vào đánh giá thi đua của tập thể, cá nhân. 

Hàng năm, nhà trường đều tổ chức cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, HSSV học tập luật phòng chống tác hại của thuốc lá. Trong công tác giáo dục chính trị, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nhà trường cũng đều lồng gắn nội dung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về PCTHTL, kế hoạch PCTHTL của tỉnh, tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người... Kết hợp với công tác tuyên truyền giáo dục trực tiếp, nhà trường còn chú trọng hình thức tuyên truyền trực quan như tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu về tác hại của thuốc lá tại các ban, khoa, phòng làm việc, phòng học của HSSV và những vị trí dễ nhìn thấy trong hành lang, sân trường. Ngoài ra, Ban Chấp hành công đoàn, đoàn thanh niên nhà trường cũng tích cực phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường không khói thuốc”, “Xây dựng môi trường văn hóa xanh, sạch, đẹp”, được đông đảo đoàn viên hưởng ứng, thực hiện... 

Qua việc quán triệt, thực hiện nghiêm túc công tác PCTHTL và chú trọng tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, Trường Cao đẳng nghề số 19 đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Nếu như từ năm 2013 trở về trước, tỷ lệ người hút thuốc lá trong trường còn cao, chiếm khoảng 70% - 80%, thì sau hơn 3 năm triển khai công tác PCTHTL, tỷ lệ người hút thuốc đã giảm đáng kể, chỉ còn trên dưới 10%. Số còn hút thuốc lá chủ yếu là HSSV. Hầu hết cán bộ, giáo viên, sĩ quan, nhân viên nhà trường đều có nhận thức đúng đắn về tác hại của thuốc lá, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về PCTHTL nên không còn hút thuốc lá.

Tuy đã có một số kết quả, song quá trình thực hiện, triển khai công tác PCTHTL, Ban Giám hiệu nhà trường vẫn gặp không ít khó khăn. Do phần lớn HSSV đều là nam thanh niên, nhiều người đã có thói quen hút thuốc từ lâu, nhà trường chỉ có thể quản lý khi các em đến trường học, ngoài thời gian đó rất khó theo dõi để kịp thời nhắc nhở. Chính vì vậy, số HSSV còn hút thuốc vẫn chưa chấm dứt tuyệt đối. 

Thượng tá Lê Viết Lượng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: Để tiếp tục thực hiện tốt công tác PCTHTL trong thời gian tới, Trường Cao đẳng nghề số 19 sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho toàn thể cán bộ, giáo viên, HSSV nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện luật phòng chống tác hại của thuốc lá. Đồng thời tích cực xây dựng môi trường học đường không khói thuốc qua việc tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật, in vào treo thêm nhiều áp phích, khẩu hiệu về PCTHTL trong khuôn viên nhà trường. Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu giao nhiệm vụ cho các phòng, ban, khoa, các đoàn thể như công đoàn, đoàn thanh niên quán triệt sâu rộng đoàn viên thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. 

Xác định để HSSV nói không với thuốc lá, điều quan trọng nhất là phải nêu cao ý thức của từng cá nhân. Vì vậy, Nhà trường sẽ nỗ lực tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về tác hại của thuốc lá tới các em, giúp các em ý thức tránh xa thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và những người xung quanh, từ đó giảm các gánh nặng bệnh tật và kinh tế do thuốc lá gây ra. Góp phần cùng toàn trường thực hiện hiệu quả công tác xây dựng cơ quan đơn vị xanh  sạch đẹp, trường học không có khói thuốc lá. 

Tác hại của việc hút thuốc 

Ngoài tác hại đến sức khỏe của việc hút thuốc, việc hút thuốc thụ động cũng là một nguyên nhân dẫn khiến học sinh trở thành người hút thuốc. Khi bắt đầu hút thuốc, các em chưa nhận thức đầy đủ tính chất gây nghiện và các nguy cơ mắc bệnh do việc hút thuốc. Hút thuốc càng sớm, bệnh xuất hiện sớm hơn và hậu quả cũng nặng nề hơn. Bên cạnh đó, hút thuốc trong học sinh còn là một trong những nguyên nhân làm tăng khả năng nhiễm các tệ nạn xã hội khác như nghiện ma túy, rượu...

Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ người hút thuốc lá đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đa số là do sự hiểu biết một cách cụ thể về tác hại của khói thuốc lá còn hạn chế, kiến thức chưa đầy đủ. Điều đó xuất phát từ việc thiếu các biện pháp tuyên truyền giáo dục về thuốc lá và tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ con người. Qua phân tích cho thấy, khói thuốc lá chứa trên 4000 hóa chất, trong đó có 43 hóa chất là nguyên nhân gây ung thư, nguy hiểm nhất là chất hắc ín, nicotin, chất gây nghiện... Ngoài ra, trong khói thuốc lá còn có nhiều chất kích thích khối u, kích thích gây viêm nhiễm đường hô hấp, gây tổn thương trong lòng mạch máu.

Khi hút thuốc lá, khói thuốc qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh như: Bệnh tim mạch chiếm hàng đầu trong các bệnh do khói thuốc: tạo ra mảng xơ vữa, tổn thương lòng mạch, gây viêm tắc mạch máu, gây đau nhức chân tay, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, giảm trí nhớ, giảm trí thông minh và khả năng học tập... Bệnh ung thư: Chủ yếu là ung thư phế quản phổi (chiếm 90%), ung thư vòm họng, miệng, thực quản (hút thuốc kèm theo uống rượu, nguy cơ ung thư vòm họng rất cao), ung thư ruột... Ở người hút thuốc, bệnh ung thư dễ phát triển hơn so với người không hút thuốc.

Bệnh hô hấp: Bệnh phổi mãn tính, tắc nghẽn thông khí, viêm phế quản mãn tính. Đặc biệt ở người hút thuốc còn gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng tới môi trường, những người xung quanh hít phải cũng bị nhiễm độc, nguy hiểm nhất là đối với các cháu nhỏ. Bệnh răng và lợi: Viêm loét, cao răng, các mảng bám vào răng làm cho răng dễ bị lung mủ, dễ rụng tự nhiên hơn. Các bệnh khác: Tăng nguy cơ loãng xương gây đau nhức thân thể, khó ngủ và giảm thể lực cơ thể do thiếu ôxy mãn tính.

Ở chiều ngược lại việc không thuốc lá, nói không với thuốc lá giúp cơ thể sẽ không còn tích luỹ chất độc, loại từ nguyên nhân và điều kiện gây các bệnh đã nêu trên. Nếu bỏ thuốc trước tuổi 50 sẽ giảm được 50% nguy cơ chết trước 65 tuổi, giảm 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch sau khi bỏ thuốc được 1 năm, giảm 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi sau khi bỏ thuốc 10 năm.

Phong trào "Xây dựng trường học không khói thuốc”, nằm trong Chiến lược Chăm sóc và Bảo vệ sức khoẻ nhân dân đang được các cấp, các ngành rất quan tâm và nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Phòng chống tác hại của thuốc lá, vì sức khoẻ cộng đồng và vì tương lai con em chúng ta: Hãy nói không với thuốc lá.

(Bài viết có sử dụng tư liệu của báo Thái Bình)
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm vì môi trường học đường không khói thuốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO