Không ít doanh nghiệp được cho là “chây ỳ” vì vẫn sản xuất, kinh doanh bình thường, chi trả lương, thưởng cho người lao động đầy đủ, nhưng nợ BHXH. Số nợ tăng còn do một số doanh nghiệp ưu tiên nguồn thu để chi tiền Tết cho nhân viên. Trong khi đó, vai trò công đoàn ở cơ sở chưa phát huy mạnh, chủ tịch công đoàn nhận lương doanh nghiệp nên khó đấu tranh...".
Để giảm thiểu số nợ và bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động khi có phát sinh, BHXH Việt Nam cho biết, đã quyết liệt chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố xác định nguyên nhân nợ đối với từng đơn vị để có giải pháp phù hợp, yêu cầu cán bộ bám sát đơn vị đôn đốc đóng nộp đầy đủ. BHXH Việt Nam cũng thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên mà phần mềm thu đã tự động cảnh báo. Các đợt thanh tra phải có quyết định xử lý và gửi kết quả xử lý đến cơ quan chức năng (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Liên đoàn lao động,...) cùng cấp nhằm mục đích báo cáo, làm căn cứ xử lý hình sự sau này. Trường hợp đơn vị cố tình trốn đóng, BHXH Việt Nam kiến nghị cơ quan Công an điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự hoặc hướng dẫn người lao động tố giác hành vi vi phạm trong việc đóng với cơ quan Công an để xử lý theo trình tự quy định của pháp luật.
Theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, đến nay BHXH Việt Nam đã chuyển một số hồ sơ của các đơn vị nợ lớn kéo dài sang cơ quan công an để xử lý. Trong đó, BHXH thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển 1 hồ sơ, BHXH Hà Nội đã chuyển 9 hồ sơ của các đơn vị nợ kéo dài.
Để hạn chế gia tăng nợ với quyết tâm nợ thấp hơn năm 2018, ngoài các giải pháp thông thường, từ đầu năm BHXH Việt Nam đã triển khai một số giải pháp. Trong đó có yêu cầu cán bộ chuyên quản phải thường xuyên đôn đốc doanh nghiệp, lập biên bản nếu nộp muộn, qua 2 lần lập biên bản thì báo cáo để lập đoàn thanh tra xử phạt. Đề xuất thanh tra còn được thực hiện tự động qua phần mềm dữ liệu toàn quốc. Phần mềm này sẽ cảnh báo các doanh nghiệp nợ quá 3 tháng và đề xuất lập đoàn thanh tra. BHXH Việt Nam cũng tiếp tục công khai danh tính các doanh nghiệp nợ đọng kéo dài trên các phương tiện truyền thông. Biện pháp này đã có hiệu quả với các doanh nghiệp có lợi nhuận nhưng cố tình chây ỳ. Ông Mai Đức Thắng nhấn mạnh: "Gốc của việc cố tình không thực hiện nghĩa vụ nộp BHXH là do hiện chưa có quy định về quản lý và xử lý nợ BHXH. Hiện BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để ban hành quy định này".
Bên cạnh đó, ông Mai Đức Thắng cũng cho biết, trong quý I, đã có 23 tỉnh, thành phố chuyển hồ sơ 162 doanh nghiệp nợ đọng sang cơ quan điều tra. Tuy nhiên, cho tới nay chưa có vụ nào được đưa ra xét xử. Con số trên gấp hơn 4 lần năm 2018, chỉ có 38 hồ sơ. Điều đáng lưu ý là, năm 2018, ngay sau khi chuyển sang cơ quan điều tra thì có khoảng một phần ba đơn vị đã trả ngay số tiền nợ BHXH. Việc chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự là bởi chưa có sự thống nhất về quy trình, thủ tục để khởi tố. Hiện BHXH Việt Nam cũng đang phối hợp với cơ quan Tòa án và Viện Kiểm sát để tiến tới ban hành một văn bản hướng dẫn vấn đề này.
Thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, phối hợp các bộ, ngành mở rộng công tác thanh tra hưởng chế độ BHXH; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tự động, đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm của đơn vị, doanh nghiệp thông qua phần mềm cảnh báo. Sau các đợt thanh tra, phải có quyết định xử lý và gửi kết quả xử lý đến cơ quan chức năng như: Công an, tòa án, viện kiểm sát, Lao động - Thương binh và Xã hội, liên đoàn lao động các cấp để làm căn cứ xử lý hình sự sau này. Bên cạnh đó, đối với những đơn vị cố tình trốn đóng, kiến nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự; hoặc hướng dẫn người lao động tố giác hành vi vi phạm của chủ sử dụng lao động để cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.