Quận Tây Hồ: Phát triển công nghiệp văn hóa từ việc tạo dựng không gian văn hóa sáng tạo mới
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng, chia sẻ, thời gian qua, với sự chủ động, quận Tây Hồ đã không ngừng tạo dựng các không gian văn hóa sáng tạo mới nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận, đồng thời xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
Cụ thể hóa định hướng phát triển công nghiệp văn hóa, Không gian biểu diễn nghệ thuật và ẩm thực đường phố quận Tây Hồ (phố đi bộ Trịnh Công Sơn, phường Nhật Tân) ra đời năm 2018, tái khởi động năm 2022, đã được quan tâm đầu tư đổi mới cả về chất và lượng. Với định hướng xây dựng một Không gian văn hóa sáng tạo mà ở đó người dân là chủ thể sáng tạo, thụ hưởng, Quận ủy Tây Hồ đã chỉ đạo UBND Quận tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ phong phú.
Các đêm diễn do chính cán bộ, nhân dân các phường hay các đoàn thể xã hội luân phiên tổ chức. Nhiều nghệ sỹ chuyên nghiệp là công dân sinh sống trên địa bàn các phường đã nhiệt tình đóng góp cho các chương trình nghệ thuật của phường sở tại, giúp các chương trình được nâng tầm chất lượng.
Quận Tây Hồ đồng thời đổi mới hoạt động của Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ - phố đi bộ Trịnh Công Sơn, với sự tham gia tích cực của người dân, kết hợp với các nghệ sĩ chuyên nghiệp đã thực sự xây dựng nên Không gian văn hóa sáng tạo, nơi người dân được sáng tạo, thực hành và hưởng thụ chính những giá trị văn hóa do cộng đồng đem lại, cải thiện đời sống tinh thần người dân, thu hút khách du lịch. Từ đó, khẳng định vai trò và tiềm lực của Tây Hồ trong quá trình xây dựng và phát triển, góp phần làm tăng vị thế của quận trong giai đoạn phấn đấu đưa Tây Hồ sớm trở thành Trung tâm dịch vụ - du lịch, văn hóa của Thủ đô.
Năm 2024, tại các điểm di tích trên địa bàn quận Tây Hồ đã đón trên 1 triệu lượt khách đến tham quan, gấp đôi so với năm 2023. Riêng đêm Giao thừa, lượng khách đến phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, các di tích lịch sử khác trên địa bàn quận lên đến hơn 30.000 lượt người.
Có thể thấy, quận Tây Hồ đã tập trung khai thác tốt giá trị của loại hình di sản văn hóa phi vật thể của các di tích nhằm quảng bá hình ảnh Tây Hồ đến nhân dân trong và ngoài nước, từ đó góp phần tích cực xây dựng quận trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa của Thủ đô. Đồng thời, đây cũng là dịp để quảng bá và kích cầu du lịch, khơi dậy tiềm năng phát triển các sản phẩm OCOP của các địa phương; thu hút du khách đến tham quan với Tây Hồ, góp phần phát triển kinh tế, du lịch địa phương.
Xác định tiềm năng văn hóa lịch sử, cảnh quan Hồ Tây chính là tiềm năng to lớn để phát triển các không gian văn hóa sáng tạo, quận Tây Hồ đang tập trung nguồn lực đầu tư triển khai thực hiện. Đây cũng là phương thức để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tăng khả năng thu hút khách du lịch đến với Tây Hồ thời gian tới. “Với một hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú, đặc sắc và tiêu biểu quận Tây Hồ tiếp tục đầu tư quy hoạch, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa và bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của di sản, tạo điểm đến du lịch” – ông Nguyễn Lê Hoàng, nhấn mạnh.
Nhận thức rõ tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Quận ủy Tây Hồ đã cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy bằng việc ban hành Nghị quyết số 10-NQ/QU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó, quan điểm xuyên suốt của quận là phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ -du lịch, văn hóa của Thủ đô; tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế của Tây Hồ như: Du lịch văn hóa gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa; các sản phẩm làng nghề truyền thống, lễ hội truyền thống và không gian sáng tạo, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực...
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng.
Quận Tây Hồ đã, đang đầu tư xây dựng một số không gian văn hóa sáng tạo gắn với di sản và công trình có giá trị di sản như: Không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề làm giấy dó truyền thống của làng Yên Thái xưa gắn với di tích lịch sử đình Trích Sài, không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề truyền thống xôi Phú Thượng gắn với di tích lịch sử đình Phú Gia; chỉnh trang, nâng cấp Vườn hoa Lý Tự Trọng và cải tạo 2 nhà biệt thự cũ tại đây để triển khai điểm thông tin dịch vụ du lịch văn hóa của quận.
Ông Nguyễn Lê Hoàng thông tin thêm, hiện nay, quận Tây Hồ đang triển khai xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Hồ Tây và vùng phụ cận, theo đó sẽ nghiên cứu xây dựng các đề án nhằm phát huy giá trị của di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên cùng các di sản văn hóa phi vật thể của quận Tây Hồ gắn với xây dựng các Không gian văn hóa sáng tạo mới nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của quận để phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, Quận Tây Hồ định hướng tiếp tục đầu tư tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa điểm nhấn, đặc trưng của Tây Hồ, gắn với Hồ Tây, với các di tích lịch sử - văn hóa xung quanh Hồ Tây (thực cảnh Hồ Tây).
Xây dựng chuỗi các hoạt động văn hóa liên quan từ triển lãm nghệ thuật, biểu diễn nghệ thuật đến các hoạt động trải nghiệm văn hóa. Quận tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch tổ chức tốt sự kiện, lễ hội và hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao trong chuỗi hoạt động chung của thành phố được tổ chức tại các không gian văn hóa, phố đi bộ trên địa bàn. Lựa chọn các lễ hội truyền thống đặc sắc tiêu biểu, các dịp kỷ niệm năm chẵn lễ hội để tập trung tổ chức với quy mô cấp quận, có sự đầu tư về hình thức, nội dung để lan tỏa, quảng bá, thu hút khách du lịch.
“Quận sẽ tổ chức các tour du lịch văn hóa đặc biệt, tập trung vào việc khám phá truyền thống văn hóa lịch sử và tham gia vào lễ hội địa phương. Tour du lịch văn hóa này không chỉ mang lại một trải nghiệm độc đáo cho du khách, mà còn gắn kết các địa danh, di tích lịch sử văn hóa, điểm du lịch xung quanh Hồ Tây để hình thành những tuyến du lịch hoàn chỉnh, kết hợp du lịch văn hóa tâm linh, du lịch xanh, du lịch trải nghiệm, du lịch đêm, du lịch thể thao...”, ông Nguyễn Lê Hoàng cho biết.
Ngoài ra, quận Tây Hồ phối hợp nghiên cứu, đầu tư phát triển khu vực Bãi giữa sông Hồng trở thành một không gian văn hóa sáng tạo, thu hút cộng đồng, tăng khả năng khai thác cho du lịch, góp phần phát triển trục sông Hồng trở thành trục “xanh - sinh thái - văn hóa” giữa lòng Hà Nội, với nhiều hình thức vui chơi giải trí hấp dẫn đáp ứng nhu cầu giải trí mới của người dân và khách du lịch.
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng khẳng định: “Việc xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo sẽ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, tạo sức hấp dẫn cho quận Tây Hồ, lan tỏa cảm hứng sáng tạo, ý thức bảo tồn văn hóa lịch sử trong mỗi người dân và du khách. Đó cũng là yếu tố quan trọng để xây dựng hình ảnh quận Tây Hồ đẹp hơn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đồng thời, dựa trên truyền thống văn hóa lịch sử và lễ hội của quận Tây Hồ để phát triển công nghiệp văn hóa, thúc đẩy kinh tế địa phương và tạo ra môi trường văn hóa sáng tạo phong phú”./.